Bà Nguyễn Thị Thanh giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội

Với đa số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.

Theo Chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 6/6/2024, buổi sáng bắt đầu từ 11 giờ và buổi chiều bắt đầu từ 14 giờ Quốc hội họp riêng để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Tân Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Tân Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Trước đó, sáng ngày 6/6, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình về nhân sự giới thiệu để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về Danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đoàn và kết quả phiếu xin ý kiến về việc bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Danh sách bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Từ 14 giờ 10 phút: Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Nguyễn Thị Thanh.

Tại phiên họp, Quốc hội nghe ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Nguyễn Thị Thanh. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Nguyễn Thị Thanh bằng hình thức biểu quyết điện tử.

Theo đó, có 467 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,89% tổng số ĐBQH), trong đó có 465 đại biểu tán thành (bằng 95,48% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội); có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu).

Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tân Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh sinh ngày 10/2/1967; quê quán: Xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; Học hàm, học vị cao nhất: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh; Trình độ Lý luận chính trị: Cử nhân chính trị

Bà Nguyễn Thị Thanh là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV, XV.

Tóm tắt quá trình công tác của bà Nguyễn Thị Thanh:

- Từ 11/1988 đến 5/1992, bà là cán bộ chuyên trách, Ủy viên Ban Thường vụ Thị đoàn Ninh Bình, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã.

- Từ 15/5/1992 đến 10/1992, là Phó Văn phòng Tỉnh đoàn Ninh Bình.

- Từ 10/10/1992 đến 11/1993 là Thường vụ Tỉnh đoàn, Trưởng Ban Phong trào thanh niên Tỉnh đoàn, Ủy viên BCH Hội LHPN tỉnh, Ủy viên Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh.

- Từ 12/1993 đến 7/1996, bà Thanh là Thường vụ Tỉnh đoàn, Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh.

- Từ 8/1996 đến 2/2000, bà giữ chức Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Đồng đội tỉnh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh.

- Từ 3/2000 đến 14/7/2005, bà là tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.

- Từ 15/7/2005 đến 1/2006 là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

- Từ 10/1/2006 đến 15/7/2007, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Từ 16/7/2007 đến 8/2009, bà là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh.

- Từ 9/2009 đến 12/2010 , bà là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Từ 1/2011 đến 22/7/2011 bà là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.

- Từ 21/7/2011 đến 8/1/2012, bà là Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Ninh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

- Từ 9/1/2012 đến 4/8/2013, bà là Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Ninh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh.

- Từ 5/8/2013 đến 26/01/2016, là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

- Từ 27/1/2016 đến 14/4/2020, là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

- Từ 15/4/2020 đến tháng 4/2021, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

- Từ tháng 5/2021 đến nay, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Campuchia; Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu Việt Nam- Hàn Quốc; Phó Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam; thành viên Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương

- Ngày 6/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, được Quốc hội tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ba-nguyen-thi-thanh-giu-chuc-pho-chu-tich-quoc-hoi-324720.html