Để đèn tín hiệu cho người đi bộ phát huy hiệu quả

Hà Nội đã lắp đặt các cụm đèn tín hiệu giao thông cho người đi bộ sang đường. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên, người dân vẫn đi bộ qua đường, bất chấp cắt ngang dòng phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đèn tín hiệu lúc được, lúc không

Đèn tín hiệu cho người đi bộ được thực hiện ở một số tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội như đường Xuân Thủy (đoạn qua trường Đại học Sư phạm), phố Bạch Mai - Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng), nút giao Trần Quang Khải, ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ, trước cửa bưu điện TP (quận Hoàn Kiếm),...

Thế nhưng, sau một thời gian áp dụng, những nút bấm ưu tiên cho người đi bộ sang đường dường như đang bị lãng quên. Người đi bộ thì quên không bấm đèn, còn người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường thì cũng quên nhường đường khi có tín hiệu đèn ưu tiên.

Biển chỉ dẫn đèn hiệu dành cho người đi bộ đặt tại đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Biển chỉ dẫn đèn hiệu dành cho người đi bộ đặt tại đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại nút Trần Quang Khải - Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm), dù có cụm đèn dành cho người đi bộ qua đường nhưng theo ghi nhận một số người dân không “mặn mà” sử dụng, vẫn bất chấp len lỏi qua dòng xe đông đúc để qua đường.

Không chỉ bị hỏng, mất tín hiệu, trục trặc, rất ít người đi bộ, kể cả du khách quốc tế sử dụng nút bấm trên cột đèn tín hiệu để xin sang đường. Hầu hết đều di chuyển theo tín hiệu đèn giao thông cài đặt sẵn hoặc băng sang đường khi không có luồng phương tiện xung đột.

Song, cũng có trường hợp, người đi bộ bấm nút đèn tín hiệu để yên tâm bảo đảm an toàn khi sang đường, nhưng xe máy vẫn vô tư vượt đèn đỏ, không nhường đường cho người đi bộ.

"Việc lắp các cụm đèn dành cho người đi bộ rất hữu ích, không chỉ bảo đảm an toàn cho người đi bộ qua đường mà cho cả các phương tiện khác tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người chưa nhận thức được việc này. Tôi cho rằng cần phải tuyên truyền nhiều hơn để người dân thay đổi ý thức" - anh Nguyễn Đức Nam, quận Ba Đình chia sẻ.

Phát huy công năng của đèn tín hiệu dành cho người bộ hành

Hà Nội đã có phương án chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tuyên truyền cho người dân hiểu về tác dụng của đèn tín hiệu dành cho người bộ hành, hướng dẫn người dân chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Với trường hợp người đi bộ vi phạm, theo Điều 9, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sẽ phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm: không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn…

Nghiêm trọng hơn nếu người đi bộ là người trực tiếp gây ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể đối diện với việc bị phạt tù từ 7 - 15 năm.

Với trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (theo điểm e, khoản 4, điểm b khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Còn với trường hợp người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng; đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng; từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông (theo điểm a khoản 5, điểm b, c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý cần đánh giá tính hiệu quả của việc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ, từ đó có các giải pháp phát huy đầy đủ công năng của hệ thống này.

Liên quan đến vấn đề này, trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, khi hệ thống camera giám sát được “phủ sóng” trên toàn TP, chắc chắn tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, không nhường đường cho người đi bộ… sẽ được kiểm soát và xử lý nghiêm. Việc này cũng sẽ giúp người đi bộ và người điều khiển phương tiện nâng cao ý thức, tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, trung tá Trương Song Thành cũng đề xuất cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về tác dụng của đèn tín hiệu dành cho người đi bộ, qua đó sử dụng hiệu quả hơn khi tham gia giao thông.

Còn TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia góp ý, để đèn tín hiệu hoạt động hiệu quả, cần có cuộc khảo sát chi tiết, tỉ mỉ, kỹ lưỡng để quy hoạch, sắp xếp xem chỗ nào cần, chỗ nào không cần để làm cho hiệu quả. Khảo sát những vị trí hợp lý để phục vụ cho người đi bộ. Vị trí lắp là nơi có nhiều người đi bộ sang đường, lượng xe cơ giới di chuyển đông, không có hầm/cầu đi bộ.

Khi lắp đèn tín hiệu cho người đi bộ, cũng cần cân nhắc thời gian dành cho người đi bộ dựa trên các yếu tố như chiều rộng của đường, số lượng người đi bộ... Cũng nên có quy định cụ thể và thiết kế chi tiết để “không phải người đi bộ cứ ấn nút là xe cơ giới sẽ dừng lại. Có thể thiết kế cứ sau 5 - 10 phút sẽ có đường dành cho người đi bộ
Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, TS Khương Kim Tạo

Triệu Tâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-den-tin-hieu-cho-nguoi-di-bo-phat-huy-hieu-qua.html