Asian Cup 2023: Cơ hội nào cho Đông Nam Á?

Không kể năm 2007, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia cùng có mặt ở vòng chung kết (VCK) Asian Cup nhờ là đồng chủ nhà, đây là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Đông Nam Á (ĐNA) có 4 đại diện ở giải đấu cao nhất châu Á.

Đánh bại Kyrgyzstan 2-0, Thái Lan là đại diện Đông Nam Á duy nhất có chiến thắng trong trận ra quân

Đánh bại Kyrgyzstan 2-0, Thái Lan là đại diện Đông Nam Á duy nhất có chiến thắng trong trận ra quân

* 3/4 đội trắng tay

Cả 4 đại diện ĐNA đều sử dụng HLV ngoại: Việt Nam là HLV Philippe Troussier (Pháp), Thái Lan: Masatada Ishii (Nhật Bản), Indonesia: Shin Tae-yong (Hàn Quốc) và Malaysia: Kim Pan-gon (Hàn Quốc). Nhưng không có gì bất ngờ, Việt Nam và Indonesia đều thua trong trận ra quân tại bảng D trước Nhật Bản và Iraq. Thậm chí, việc thua 2 bàn cách biệt và có bàn thắng còn được coi là đáng khích lệ.

Thất vọng nhất là màn thể hiện của Malaysia ở bảng E. Hổ Malaya đã phơi áo 0-4 trước Jordan, đội trước giải từng thua 1-6 trước Nhật Bản. Đây là thất bại nặng nề nhất tại lượt đấu đầu tiên của Asian Cup 2023 ở cả 6 bảng.

Rất may, trong ngày cuối cùng khép lại lượt trận ra quân, Thái Lan đã gỡ thể diện cho ĐNA khi là đại diện duy nhất giành chiến thắng (thắng Kyrgyzstan 2-0). Cùng với cú đúp của tiền đạo Supachai, Thái Lan cho thấy sự vượt trội về thế trận, lối chơi. Tuy nhiên, cho dù đội bóng Trung Á có thứ hạng cao hơn 15 bậc, đây không phải là kết quả quá bất ngờ.

* Cơ hội nào cho các đội ĐNA?

Ngược dòng quá khứ, bóng đá ĐNA có một lịch sử khá huy hoàng với Asian Cup. Myanmar khi còn mang tên Burma từng là á quân ở Giải lần thứ 4 vào năm 1968 tại UAE. Thái Lan hạng 3 năm 1972 trên sân nhà, còn Campuchia năm đó về thứ 4. Tuy nhiên, thành tích ấy chỉ mang ý nghĩa hoài niệm, bởi Asian Cup buổi đầu rất sơ khai, không nhận được mấy quan tâm, VCK 1968 chỉ có… 5 đội, còn 1972 có 6 đội. Trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, ĐNA trở thành vùng trũng và khoảng cách với các khu vực còn lại ngày càng bị nới rộng.

Bằng chứng, để thúc đẩy sự phát triển của bóng đá ASEAN, VCK Asian Cup 2007, AFC lần đầu tiên (và đến nay vẫn là duy nhất) trao quyền đăng cai (cùng suất vào thẳng VCK) cho 4 quốc gia ĐNA: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, ở 2 kỳ Asian Cup liên tiếp sau đó, không có đại diện ĐNA nào vượt qua được vòng loại để góp mặt ở VCK Qatar 2011 và Australia 2015. Tại UAE 2019, nhờ VCK tăng từ 16 lên 24 đội, Việt Nam và Thái Lan mới trở lại, cùng lần đầu tiên cho Philippines.

Xét về thành tích, kể từ khi VCK Asian Cup ổn định với sự tham dự của 16, rồi 24 đội tuyển, Việt Nam là đại diện ưu tú nhất của ĐNA với 2 lần vượt qua vòng bảng và vào đến tứ kết Asian Cup 2019, xếp hạng 8/24 chung cuộc (không kể năm 2007 cũng vào tứ kết, nhưng khi ấy VCK chỉ có 16 đội nên không có vòng 1/8).

Còn tại kỳ Asian Cup này? Trước hết, ở bảng D sẽ có 1 đại diện ĐNA rơi rụng khi Việt Nam và Indonesia phải tự loại nhau, thậm chí nếu bất phân thắng bại trong cuộc đối đầu trực tiếp vào đêm mai 19-1, 2 đội sẽ cùng dắt tay nhau ra về. Tại bảng E, đã thua đậm Jordan, Malaysia càng không có cơ hội trước Hàn Quốc, Bahrain.

Rộng cửa đi tiếp nhất là Thái Lan, đã vượt qua Kyrgyzstan nên Thái Lan hy vọng sẽ có thêm 1 điểm trước Saudi Arabia, Oman; thậm chí với 3 điểm cũng có thể là 1/4 đội có thành tích tốt nhất. Vấn đề với “Voi chiến” là HLV Masatada quá mới và mất một số trụ cột, trong đó có Chanathip, nên khó đi sâu, hay chí ít tái lập thành tích vào tứ kết của đội tuyển Việt Nam.

Yên Chi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202401/asian-cup-2023-co-hoi-nao-cho-dong-nam-a-5464d25/