An Giang đứng đầu danh sách số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, trong năm 2021 cơ quan này đã phát hiện 51.827 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó An Giang đứng đầu số vụ vi phạm với 25.447 vụ.
Theo báo cáo tình hình vi phạm, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi năm 2021 của 61/63 tỉnh (các tỉnh chưa báo cáo là Cần Thơ, Bạc Liêu), thành phố thuộc Trung ương, tính đến ngày 31/12/2021, tổng số các vụ vi phạm đã được phát hiện là 51.827 vụ, chủ yếu liên quan đến xây dựng công trình, lập bến bãi tập kết vật liệu, đào, lấp, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), từ tháng 1/2021 tính đến ngày 31/12/2021, số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã giảm 1.190 vụ so với năm 2020. Trong đó, có 3 tỉnh không có vi phạm gồm: Lai Châu, Đà Nẵng, Vĩnh Long.
5 tỉnh có số vụ việc vi phạm trên 1.000 gồm: Hưng Yên (6.737 vụ); Thanh Hóa (2.684 vụ); Nghệ An (6.346 vụ) và An Giang đứng đầu số vụ vi phạm với 25.447 vụ.
Các vi phạm tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 50,39% tổng số vụ vi phạm cả nước; Đồng bằng sông Hồng chiếm 19,46%; Bắc Trung Bộ chiếm 18,38%...
Trong số các vụ các vi phạm thì vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi chiếm 88,8% số vụ vi phạm. Vi phạm quy định đổ chất thải, xả nước thải vào công trình thủy lợi chiếm 5,04%. Vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi chiếm 5,12%...
An Giang đứng đầu danh sách số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy lợi, dù số vụ vi phạm lớn nhưng kết quả xử lý vi phạm còn thấp và hiệu quả chưa cao.
Tổng hợp báo cáo của 61/63 tỉnh cho thấy, cả nước đã xử lý được 34.395 vụ (chiếm 66,37%), còn tồn đọng 17.432 vụ (33,63%).
Nguyên nhân là do sự chỉ đạo, phối hợp và chia sẻ thông tin giữa chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý chuyên ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa kịp thời và thiếu đồng bộ.
Công trình xây dựng từ lâu và qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều tỉnh chưa ban hành phạm vi vùng phụ cận và các tỉnh cơ bản chưa triển khai công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ công trình cũng như việc xác định và xử lý vi phạm...
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn được giao phụ trách; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, gây bức xúc trong dư luận.
Các tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định; tiếp tục triển khai thực hiện việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ...
Thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc các công ty do Bộ quản lý.