5 cách khắc phục tình trạng hôi chân
Mùi hôi chân có thể làm người mắc mất tự tin khi phải cởi giày, nhất là ở những nơi công cộng. Bàn chân có mùi hôi là hiện tượng phổ biến, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn...
Những người bị hôi chân thường mất tự tin, đặc biệt khi phải cởi giày ở nơi công cộng hoặc khi tới nhà người khác… Tình trạng này, trong y khoa gọi là bệnh bromodosis, có thể được giải quyết hiệu quả bằng cách chăm sóc chân và đi giày dép đúng cách.
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn có thể bị hôi chân, nhưng hầu hết các trường hợp là do sự tích tụ của vi khuẩn hoặc nhiễm nấm.
1. Hôi chân do mồ hôi
Ở bàn chân có nhiều tuyến mồ hôi (nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong cơ thể). Mồ hôi bị giữ lại trong tất, giày cho phép vi khuẩn ăn các tế bào da chết và dầu, sinh sôi gây ra mùi hôi khó chịu.
Khắc phục: Rửa chân hàng ngày bằng nước xà phòng ấm và lau khô chân kỹ lưỡng, kể cả giữa các ngón chân. Sử dụng miếng bọt biển hoặc bông tắm để vệ sinh chân cũng có thể giúp tẩy tế bào chết mà cơ thể đang cố gắng loại bỏ.
Việc thay đổi nhiều đôi giày khác nhau là rất quan trọng cũng như việc sử dụng tất làm từ sợi tự nhiên để giữ cho chân bạn thông thoáng, không bị đổ mồ hôi. Cotton, tre và len merino đều là những loại sợi tự nhiên,dễ thấm mồ hôi. Để giày khô trong vòng 24 - 48 giờ trước khi mang lại sẽ giúp giảm sự tích tụ vi khuẩn.
2. Hôi chân do nhiễm trùng nấm
Dạng nhiễm trùng phổ biến nhất ảnh hưởng đến bàn chân được gọi là bệnh nấm da chân, có thể ảnh hưởng đến 70% dân số tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Nhiễm trùng thường là kết quả của tiếp xúc da kề da và gây đau, thậm chí loét ở chân. Nhiễm nấm cùng với mồ hôi, dầu và da chết, sẽ gây ra mùi hôi khó chịu.
Nhiễm trùng nấm cần được điều trị bằng thuốc chống nấm mua tại hiệu thuốc nhưng tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo chọn đúng loại thuốc.
Bệnh nấm da chân có thể lây truyền qua việc dùng chung giày dép, tất hoặc khăn tắm.
3. Hôi chân do thay đổi nội tiết tố
Thanh thiếu niên có xu hướng đổ mồ hôi nhiều hơn do những thay đổi về hormone trong thời kỳ dậy thì. Các tuyến mồ hôi cũng hoạt động mạnh hơn trong thời kỳ này, không chỉ được kích hoạt bởi tập thể dục hoặc nhiệt độ mà còn bởi những cảm xúc mạnh mẽ như lo lắng và căng thẳng. Do đó, cha mẹ nên đầu tư mua hai đôi giày để con em mình có thể thay phiên nhau đi học.
Mang thai cũng có thể khiến chân có mùi hôi hơn do lượng máu được bơm đi khắp cơ thể nhiều hơn, khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Các bà mẹ tương lai nên cố gắng sử dụng những đôi giày lớn hơn để da chân được thoáng khí hơn, vì chân dễ bị phù nề hơn khi thai kỳ càng lớn.
4. Hôi chân do tăng tiết mồ hôi
Những người bị hôi chân có thể mắc phải tình trạng tăng tiết mồ hôi, hay còn gọi là đổ mồ hôi quá nhiều. Điều này có thể khiến bạn tiết ra nhiều mồ hôi hơn người bình thường, dẫn đến da bị ẩm ướt, chân có mùi hôi.
Có thể sử dụng chất chống mồ hôi trực tiếp lên bàn chân. Cũng có thể dùng sản phẩm cho cùng dưới cánh tay hoặc loại dành riêng cho bàn chân.
Nếu không có hiệu quả, nên trao đổi với bác sĩ có thể áp dụng các sản phẩm và phương pháp điều trị sâu hơn.
5. Hôi chân do bệnh tiểu đường
Người bệnh tiểu đường cần phải hết sức cẩn thận khi chăm sóc sức khỏe bàn chân. Bàn chân có mùi hôi không phải là triệu chứng của bệnh, nhưng những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị loét chân hoặc phải vật lộn với những vết loét chưa lành có thể phát ra mùi hôi khó chịu.
Nếu có vết thương đang hoạt động ở chân và có mùi, là dấu hiệu cho thấy vết thương đã bị nhiễm trùng.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), bệnh nhân tiểu đường nên theo dõi bàn chân hàng ngày để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, phồng rộp hoặc trầy xước trên da.
Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, nên trao đổi với bác sĩ hoặc liên hệ với chuyên gia y tế để được hướng sẫn xử lý đúng cách.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-cach-khac-phuc-tinh-trang-hoi-chan-1692408242154433.htm