Yên Bái nỗ lực để 100% trường học khai giảng năm học mới vào ngày 5/9

Ngành giáo dục và đào tạo, cùng các địa phương tỉnh Yên Bái đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh bước vào năm học mới; trong đó, đặc biệt quan tâm đến các trường ở vùng sâu, vùng xa và các trường bị thiên tai bão lũ gây hư hỏng.

Đi khắp bản, gặp gỡ từng phụ huynh để vận động học sinh ra lớp là công việc thường ngày của cô giáo Lường Thị Chài và các cô giáo cắm bản ở Điểm trường Mầm non Giàng La Pán, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái những ngày qua. Cách điểm chính gần 10km, năm học mới này, điểm trường Giàng La Pán có gần 140 cháu, chia thành 5 lớp, trong đó có 1 lớp ghép 3,4 và 5 tuổi.

Điểm trường Giàng La Pán, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu đã sẵn sàng cho năm học mới

Cô Lường Thị Chài cho biết, ở đây 100% dân tộc Mông sinh sống, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, địa hình thì phức tạp, dân cư phân tán; điểm trường cũng như toàn thôn chưa có điện, sóng điện thoại thì yếu... nên công tác vận động học sinh ra lớp khá vất vả; các cô thường phải nhờ vào sự hỗ trợ của Bí thư chi bộ và Trưởng thôn.

"Chuẩn bị cho việc học sinh ra lớp được thuận lợi, giáo viên chúng tôi đến tận nhà để tuyên truyền, vận động phụ huynh như: đối với những trẻ đã ra lớp rồi thì cho đi học lại đúng ngày quy định, còn đối với những trẻ chưa ra lớp thì đi làm hồ sơ như phô tô giấy khai sinh, xác nhận nơi cư trú để nộp về nhà trường làm thủ tục hưởng chế độ chính sách. Khó khăn nhất là thôn Giàng La Pán rất rộng, đi vào giờ hành chính thì không gặp phụ huynh nên phải đi rất sớm, hai nữa là có những gia đình không nói được tiếng Việt nên cô giáo phải đi học tiếng Mông để rồi sau đó truyền lại cho phụ huynh hiểu", cô Chải nói.

Các cô giáo dọn dẹp xung quanh khuôn viên điểm trưởng để chuẩn bị cho năm học mới

Tại huyện Văn Yên, năm học này có hơn 33.000 học sinh theo học tại 65 trường với hơn 1.000 lớp học.

Để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, ngoài tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường; tổ chức vệ sinh trường lớp... Phòng Giáo dục huyện cũng tiến hành thống kê, rà soát số học sinh thuộc diện khó khăn, diện vùng sâu, vùng xa được Nhà nước hỗ trợ ăn, ở bán trú để đảm bảo quyền lợi cho các em, giúp các em yên tâm học tập và rèn luyện.

Ông Lưu Quang Lợi, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Văn Yên cho biết: "Chúng tôi tiến hành rà soát các em học sinh thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi và các đối tượng khó khăn khác để đề xuất các hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các em yên tâm đến trường".

Một góc thôn Giàng La Pán, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu

Năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh Yên Bái có 442 trường mầm non và giáo dục phổ thông với quy mô hơn 7.100 nhóm lớp, trên 230 nghìn học sinh. Trước thềm năm học mới, gần 150 phòng học mới và hơn 100 phòng bộ môn ở các địa phương đã được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh tiếp tục biệt phái giáo viên tiếng Anh từ thành phố Yên Bái và các huyện Yên Bình, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ lên hỗ trợ huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải; bố trí dạy liên trường, liên cấp đối với những bộ môn còn thiếu nhiều giáo viên; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành địa phương tổ chức tuyển dụng theo kế hoạch của tỉnh nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các nhà trường.

Riêng đối với huyện Mù Cang Chải - địa phương vừa trải qua đợt mưa lũ với những thiệt hại nặng nề, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập một Tổ công tác, giao một Phó Giám đốc làm Tổ trưởng trực tiếp đến huyện để chỉ đạo triển khai công tác khắc phục, cũng như nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để các nhà trường có thể bước vào năm học mới 2023 - 2024 theo đúng kế hoạch năm học đề ra.

Điểm trường Giàng La Pán đã được kiên cố hóa, nhưng hiện vẫn chưa có điện

Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: "Đến nay công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng như là các điều kiện cho tổ chức khai giảng đã được đảm bảo một cách cơ bản. Riêng đối với Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn, Trường Xéo Dì Hồ (hai trường bị thiệt hại nặng bởi mưa lũ vừa qua tại huyện Mù Cang Chải) cũng sẽ được tựu trường, thực hiện các nhiệm vụ hoạt động, học tập theo đúng như tiến độ, kế hoạch, đảm bảo được tổ chức khai giảng cùng với tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh".

Với sự nỗ lực của từng thầy cô giáo và toàn ngành giáo dục, cùng sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương, đến thời điểm này, các điều kiện cơ bản cho dạy và học đã được tỉnh miền núi Yên Bái hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới 2023 -2024.

Những hình ảnh ở Điểm trường Giàng La Pán, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu; trường Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn, Mù Cang Chải

Các cô giáo vận động học sinh đến lớp

Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn, Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái ngổn ngang sau lũ

Các tổ chức, đoàn thể và người dân cùng thầy trò nỗ lực dọn dẹp, vệ sinh trường lớp học

Tổ chức khoan giếng để thầy và trò có nước sạch trong năm học mới 2023 - 2024

Công tác vệ sinh, tu sửa trường lớp học ở Hồ Bốn được tiến hành khẩn trương cả ngày và đêm

Nhóm ảnh trường Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn, Mù Cang Chải.

Các cô giáo dọn dẹp bùn đất phòng học để chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới

Lợp lại mái tôn lớp học bị mưa lũ trước đó làm hỏng

Sân trường vẫn ngổn ngang, bề bộn bùn đất sau khi lũ đi qua

Đến nay, tất cả đã sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới 2023 -2024

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/yen-bai-no-luc-de-100-truong-hoc-khai-giang-nam-hoc-moi-vao-ngay-59-post1042057.vov