Xung đột Gaza thách thức vai trò của Liên Hợp Quốc

Trong khi xung đột Hamas - Israel ở Dải Gaza ngày càng khốc liệt và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn chưa thể thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn. Điều này cho thấy chưa có vấn đề nóng nào làm chia rẽ nội bộ sâu sắc trong tổ chức lớn nhất hành tinh này như xung đột ở Gaza.

Người Palestine tìm kiếm đồ đạc trong đống đổ nát ở thành phố Gaza sau cuộc không kích của quân đội Israel vào ngày 11-12. Ảnh: Anadolu

Thực tế, ngay cả trong xung đột Nga-Ukraine, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã không sử dụng Điều 99 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, một điều khoản rất có trọng lượng chính trị để “lưu ý Hội đồng Bảo an về bất kỳ vấn đề nào bị coi là có thể đe dọa đến nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Tuy nhiên, ông Guterres đã có động thái hiếm hoi khi lần đầu tiên viện dẫn điều khoản để thúc giục Hội đồng Bảo an ngăn chặn thảm họa nhân đạo và nguy cơ trật tự công cộng sắp sụp đổ hoàn toàn ở Gaza.

Ông Stéphane Dujarric, Phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, giải thích: “Trong khuôn khổ Hiến chương của Liên Hợp Quốc, đây là quyết định rất hệ trọng, bước đi rất mạnh mẽ để thúc đẩy cộng đồng quốc tế gây sức ép nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo”. Kể từ khi xung đột nổ ra, hơn 17.700 người Palestine và 130 nhân viên của Liên Hợp Quốc thiệt mạng; hơn 46.000 người khác bị thương ở Gaza.

Tuy nhiên, thực tế cay đắng lại diễn ra trái ngược với kỳ vọng. Theo AP, dự thảo nghị quyết đề nghị ngừng bắn ngay lập tức được ông Guterres và gần 100 quốc gia hưởng ứng. Tuy nhiên, trong phiên bỏ phiếu vào ngày 8-12 tại Hội đồng Bảo an, có 13 thành viên ủng hộ trong khi Mỹ là thành viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết và Anh, một thành viên thường trực khác, không tham gia biểu quyết.

Các thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an tỏ ra khá thất vọng khi nghị quyết này không được thông qua. Nga chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ không hiệu quả, chỉ biết bảo vệ đồng minh và ngăn Hội đồng Bảo an can thiệp vào tình hình. Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour kêu gọi: “Mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều người phải bỏ mạng. Số người chết đang tăng dồn dập với mức độ chưa từng thấy trong lịch sử đương đại. Phải đặt vấn đề nhân đạo lên trên hết vì lợi ích của người Palestine ở Gaza, vì lợi ích của nhân loại”.

Đây là dự thảo nghị quyết thứ năm bị Hội đồng Bảo an “khai tử” trong vòng hai tháng qua kể từ khi cuộc xung đột Hamas - Israel nổ ra và là lần thứ hai Mỹ đã dùng quyền phủ quyết. Kể từ năm 1970, Mỹ cũng đã 35 lần sử dụng đặc quyền này để ngăn chặn các dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan vấn đề Israel, đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Biện minh cho quyết định của mình, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho rằng nghị quyết này “không phù hợp với thực tế” và sẽ không có bất kỳ tác dụng nào trên thực địa. Nhà ngoại giao này cũng kêu gọi tiêu diệt Hamas đến cùng, tương tự quan điểm của chính quyền Israel do Thủ tướng Netanyahu đứng đầu.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Doha của Qatar vào ngày 9-12, ông Guterres phàn nàn, Hội đồng Bảo an bị tê liệt vì sự chia rẽ địa - chiến lược, và nhấn mạnh: “Thẩm quyền và uy tín của tổ chức đã bị suy giảm nghiêm trọng”. Như vậy cho đến nay, chưa có nghị quyết nào liên quan đến cuộc xung đột Israel - Hamas được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên thông qua. Nghị quyết được Nga hậu thuẫn nhận được ít phiếu bầu. Một đề xuất do Brazil đưa ra giành được đủ số phiếu bầu nhưng đã bị Mỹ phủ quyết, trong khi một nghị quyết do Mỹ đề xuất cũng có đủ số phiếu ủng hộ nhưng lại bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.

Bình luận về diễn biến nói trên, Politico cho rằng, tình trạng căng thẳng giữa Israel và Palestine đã tồn tại từ lâu nhưng nó hiếm khi gây ra nhiều sự rối loạn đối với Liên Hợp Quốc như cuộc xung đột đang diễn ra lần này. Việc Mỹ phủ quyết tại Hội đồng Bảo an khiến nước này đối diện với các chỉ trích gia tăng về nhân đạo. Mặt khác, hành động đơn phương của Mỹ cũng có thể làm suy yếu uy tín và khả năng triển khai các hoạt động duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của cường quốc này.

Đáng chú ý, những gì đang diễn ra ở Trung Đông cũng làm “sống lại” câu hỏi của nhiều chính khách, giới quan sát và dư luận công chúng, đó là liệu Liên Hợp Quốc có phải là diễn đàn hữu ích để giải quyết vấn đề hay chỉ là một nơi để bày tỏ sự bất bình? Ông Richard Gowan, nhà phân tích thuộc Nhóm Khủng hoảng quốc tế của Liên Hợp Quốc, nhận định trong nhiều thời điểm biến động phức tạp, các nhà ngoại giao của Liên Hợp Quốc đã tranh cãi công khai nhưng vẫn tỏ ra niềm nở với nhau. Tuy nhiên lần này, không khí trở nên căng thẳng hơn nhiều và sự chia rẽ đang trở nên tồi tệ trước thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Gaza.

Israel trục xuất người dân ở Gaza sang Ai Cập?
Ngày 10-12, người đứng đầu Cơ quan Liên Hợp Quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini cho biết, nhiều người tị nạn Palestine cáo buộc Israel đang tìm cách trục xuất người ở Dải Gaza sang Ai Cập trong khi thực phẩm, nước và nhiên liệu đang được sử dụng làm vũ khí chiến tranh. Theo quan chức này, các cuộc công kích và cố gắng làm mất uy tín của những tổ chức nhân đạo của Liên Hợp Quốc là một hình thức khác để tiến hành chiến tranh và làm tổn hại đến kế hoạch triển khai nhân đạo, làm suy yếu thêm việc bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự.

TUYẾT MINH

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202312/xung-dot-gaza-thach-thuc-vai-tro-cua-lien-hop-quoc-3961509/