Xuất khẩu gỗ, thủy sản 'lao dốc', cần gấp gói tín dụng chục nghìn tỷ ưu đãi

Đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp gỗ và thủy sản sụt giảm tới 50%, kéo theo nhiều hệ lụy. Để gỡ khó, doanh nghiệp thủy sản kiến nghị Chính phủ nghiên cứu gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để DN tiếp cận. Các DN gỗ cũng kiến nghị hỗ trợ thêm về chi phí tham dự hội chợ quốc tế, được giãn nợ từ 6 tháng đến một năm.

Báo cáo trước Thủ tướng tại Hội nghị đối thoại vừa diễn ra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu (XK) thủy sản 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,85 tỷ USD, giảm -27% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Mỹ đã mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam vì giảm mạnh nhất trong top thị trường nhập khẩu (giảm -50% chỉ đạt khoảng 290 triệu USD). Kinh tế Mỹ sa sút và lạm phát tăng cao khiến chi tiêu của người dân cho các sản phẩm thủy sản bị sụt giảm mạnh.

Sản xuất cầm chừng, tồn kho lớn

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP thông tin, từ cuối 2022, nhiều nhà nhập khẩu đã yêu cầu dừng nhận các đơn hàng từ 3-5 tháng (dù đã ký hợp đồng), các đơn hàng ký mới cũng giảm đáng kể. Diễn biến này khiến các DN thủy sản chịu ngay một loạt áp lực lớn từ đầu quý I năm nay: tồn kho tăng cao, phải điều chỉnh giảm công suất sản xuất, thiếu dòng tiền về để tiếp tục thu mua nguyên liệu của nông-ngư dân và trả các khoản vay ngân hàng đến hạn.

Nhiều DN thủy sản đang sản xuất cầm chừng vì thiếu đơn hàng.

Theo khảo sát của Hiệp hội và phản ánh của DN, quý I không chỉ số đơn hàng giảm 20-50% (tùy nhóm sản phẩm), mà nhiều mặt hàng giá XK giảm so với 2022; Tồn kho tăng cao ở nhiều DN. Tình hình các đơn hàng mới cho quý II/2023 cũng chỉ đạt 30-60% so với quý II năm ngoái. Không ít DN bắt đầu sản xuất cầm chừng và lo giải quyết hàng tồn kho.

“Từ diễn biến khó khăn trên, khi cầu thu mua bị giảm và giá một số nguyên liệu giảm trong khi chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao khiến khu vực nuôi trồng thủy sản và khai thác biển chững lại. Không ít người đã tạm ngừng thả giống hoặc giảm nuôi, giảm các chuyến ra khơi đánh bắt so với các năm, do lo ngại vấn đề tiêu thụ và hiệu quả kinh tế”, VASEP chỉ ra những hệ lụy.

Theo VASEP, hệ lụy này là đáng quan ngại không chỉ cho trước mắt, mà cả cho giai đoạn nửa cuối năm 2023 nếu thị trường hồi phục mà nguyên liệu cho chế biến XK thiếu nghiêm trọng. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản và bà con ngư dân để có cơ sở yên tâm duy trì các chuỗi cung ứng truyền thống, thì ngành thủy sản có nguy cơ mất vị thế nguồn cung cấp lớn và ổn định, thậm chí mất đối tác lớn.

Theo đó, VASEP kiến nghị giải pháp trước mắt là Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt một chương trình kích cầu để tạo động lực và duy trì việc thu mua nguyên liệu thủy - hải sản, tạo tâm lý chung tốt cho nông-ngư dân tiếp tục sản xuất nguyên liệu. Chương trình đề xuất cụ thể là gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) để DN thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu.

Về dài hạn, Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.

Tương tự, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, từ quý I/2023 đến nay, giá trị XK gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch XK chỉ đạt tương đương năm 2022.

Để giúp cộng đồng DN chế biến gỗ và lâm sản vượt qua được những khó khăn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sớm thay đổi mức hỗ trợ trong chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho DN Việt Nam tham gia các hội chợ quốc tế. Theo các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ hiện nay còn thấp, trong khi hội chợ trong nước hiện có giá 2.000 - 2.200 USD/gian hàng chuẩn; hội chợ thế giới như High Point - Mỹ có giá 3.200 - 3.500 USD/gian hàng tiêu chuẩn.

Đồng thời, có chính sách cho DN ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 06 tháng đến 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng chính sách xã hội để DN trả lương cho công nhân trong năm 2023.

Nghiên cứu giảm lãi vay cho DN xuất khẩu

Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn lại ví von của một chuyên gia rằng: “DN phản ứng với tín hiệu thị trường, như con tôm, con cá phản ứng với nước mặn, nước ngọt”. Tình trạng suy thoái, đình trệ vẫn đang tác động sâu rộng toàn cầu, với nhiều diễn biến khó đoán định.

Bộ trưởng Hoan cho rằng, tháo gỡ khó khăn cho DN cũng chính là tháo gỡ cho địa phương, cho nền kinh tế đất nước, như Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo: “Nâng cao năng lực phản ứng chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển”.

"Đây cũng chính là lúc cộng đồng DN cần thể hiện tâm thế đồng hành với Chính phủ để vượt qua thách thức, cùng kiến tạo không gian phát triển cho đất nước, vì đất nước, bằng tất cả trách nhiệm và bổn phận", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Lắng nghe ý kiến của các Hiệp hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngành lâm sản đặt mục tiêu XK năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD, còn ngành thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỷ USD. Đây là mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi tất cả các chủ thể liên quan phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao để đạt được.

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và XK lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Cùng với đó, phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

“Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu.

Trong lúc thị trường XK bị co hẹp, Thủ tướng cho rằng cần hỗ trợ các DN khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đi vào giải quyết kiến nghị cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho DN xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/xuat-khau-go-thuy-san-lao-doc-can-gap-goi-tin-dung-chuc-nghin-ty-uu-dai-1091980.html