Xuân về trên Son Bá Mười
Như một lời hẹn từ rất lâu rồi về lần đặt chân trên mảnh đất Son Bá Mười, nhưng mãi đến hôm nay tôi mới có dịp thực hiện.
Độc đáo ẩm thực truyền thống của người Thái ở bản Bá.
Gần 3 tiếng ngồi trên xe êm ru chạy về UBND huyện Bá Thước, đón chúng tôi là anh Lê Xuân Anh, Chánh Văn phòng UBND huyện cười tủm tỉm rồi nói: Xe đoàn tạm thời cho chúng tôi bảo quản, còn các đồng chí di chuyển lên Cao Sơn bằng chiếc xe “dã chiến” kia nhé. Theo hướng tay anh chỉ, chúng tôi nhìn thấy chiếc xe có dáng thể thao, khỏe khoắn. Vậy là như được báo trước cung đường đi của mình, sau khi đón anh Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, chúng tôi hồ hởi xuất phát. Con đường từ trung tâm xã lên Son Bá Mười chỉ khoảng 10km nhưng quả thật đã đưa chúng tôi đến mọi cung bậc của cảm xúc. Tiếng là có đường ô tô nhưng dốc nối dốc, đường xẻ núi nên đá cứ lờn vờn dưới bánh xe. Vậy nhưng cái cảm giác hùng vĩ của đại ngàn, màu xanh mướt mát, rồi dịu nhẹ mênh mang của gió cứ khiến chúng tôi thấy say đến tận cùng của sự sảng khoái. Theo chỉ dẫn của anh Tuấn chúng tôi tạm dừng xe ở đỉnh Phà Hé, “nóc nhà” của huyện Bá Thước. Một cảm giác chóng mặt khi nhìn xuống, bờ vực thẳng đứng, nhà cửa, đồng ruộng chỉ còn là những chấm nhỏ. Biết chúng tôi chếnh choáng, Phó Chủ tịch xã Hà Văn Tuấn trấn an bằng lời giới thiệu về Son Bá Mười hết sức mượt mà.
Son Bá Mười (hay còn gọi là Cao Sơn) nằm ở phía Tây Bắc của huyện Bá Thước cách TP Thanh Hóa khoảng 150km, gồm ba bản làng người Thái, nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá ở độ cao gần 1.000 mét. Nơi đây thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trên một hệ đá vôi thấp duy nhất tại miền Bắc. Nhiệt độ Son Bá Mười ôn hòa, trung bình trong năm từ 18 - 22 độ C, mùa hè cũng chỉ 28 độ C. Đã có những lúc trời lạnh tới mức, bông tuyết vương trắng trên cây. Hiện tại Son Bá Mười có 190 hộ với gần 700 nhân khẩu. Vì nằm ở địa bàn còn khá biệt lập với bên ngoài nên Son Bá Mười còn lưu giữ nhiều tập tục của người Thái cổ với những nhà sàn vẫn giữ được nguyên dấu truyền thống, thể hiện rõ nét đặc thù chưa bị ảnh hưởng bởi những kiến trúc hiện đại từ bên ngoài pha tạp vào. Trước đây Son Bá Mười từng đói nghèo đến mức bà con ăn rau rừng, ốc đá thay cơm, lầm lũi sống hết đời này sang đời khác. Mảnh đất ấy khắc nghiệt được mệnh danh là 3 không (không điện, không đường, không chợ), phương tiện đi lại duy nhất là những đôi chân trần trèo núi. Sống giữa núi rừng hẻo lánh nhưng lại thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt lẫn nước dẫn về đồng ruộng, mùa đông thì lạnh đến cắt da, cắt thịt, có năm nước đóng băng trắng xóa ngoài đồng, bếp lửa đốt suốt ngày đêm để chống lại cái lạnh.
Cánh cổng chào của bản Son hiện ra bằng những sắc hồng rực rỡ của đào xen lẫn màu trắng muốt như tuyết của hoa mận ngập trong tầm mắt. Anh Tuấn nói cho chúng tôi nghe dự án nay mai hai bên đường từ bản Son sẽ được trồng hai hàng đào, rồi chỉ chừng 5 năm nữa Son Bá Mười sẽ được khoác lên mình tấm áo mùa xuân rộn ràng. Cảm nhận ban đầu trong tôi, ấy là dù nơi đây vẫn chưa có điện sáng, nhưng chỉ chừng 4 năm khi con đường giao thông thuận tiện, cuộc sống của người đã khá tươm tất. Xe máy rồi cả ô tô không còn lạ lẫm đối với trẻ con Son Bá Mười nữa. Họ đủ ấm cho ngày lạnh, đủ no cho ngày hết vụ. Vẫn gương mặt hồn nhiên, chân chất, vẫn nụ cười tất bật lo toan nhưng trong đôi mắt của dân Son Bá Mười luôn sáng và tràn ngập niền tin về cuộc sống sung túc. Tôi hỏi anh Tuấn về cách thoát nghèo tại Son Bá Mười, anh cười hể hả rồi đưa tay chỉ về những khu vầu được trồng trên những dãy đồi, cây nào cũng cao gần 20 mét đang hiên ngang giữa cái hiu lạnh của mùa đông. Ngoài phát triển cây vầu, nguồn thu nhập chính của người dân ở đây chủ yếu là chăn nuôi gia súc và các cây có múi như cam, quýt. Thu nhập mỗi năm ước tính đạt 23 triệu đồng/năm/người. Theo giới thiệu của anh Tuấn chúng tôi được sắp xếp ở nhà anh Ngân Văn Kim, bí thư chi bộ thôn Bá, ngôi nhà sàn khá sạch sẽ và có đầy đủ tiện nghi cơ bản. Gia đình anh Kim sinh sống theo thế hệ “tứ đại đồng đường” nhưng tiếng cười như một thứ dinh dưỡng gắn chặt tình cảm của những người trong gia đình của anh. Được biết anh và gần 9 hộ dân thôn Bá đã tự đóng góp và liên lạc với Tân Lạc (Hòa Bình) để xin được kéo điện về, nên cuộc sống của những gia đình ở thôn Bá đỡ chật vật hơn. Gia đình anh Kim là một trong những gia đình làm kinh tế có hiệu quả từ cây cam, quýt khá nhất ở Son Bá Mười với gần 600 cây và có năm thu nhập lên đến vài trăm triệu đồng. Khi chiếc xe bán tải của thương lái đến mua cam nhà anh Kim để mang đi Hà Nội, Lạng Sơn bán khuất bóng cũng là lúc màn đêm đổ sập xuống, cái lạnh dường như sâu hơn, ngấm vào từng ngóc ngách trong cơ thể mỗi người trong đoàn chúng tôi. Đêm đặc sánh, yên tĩnh, cả không gian không tiếng động bao trùm và bào mòn cảm xúc buồn man mác của những du khách xa nhà, từ vóng nhà sàn chỉ còn thấy những ánh đèn dầu le lói hắt ra. Bữa cơm vội đãi khách, được cả nhà anh Kim cùng làm bằng những thực phẩm tự cung tự cấp. Nào vịt nuôi sẵn, su su tự mọc, rau cải tự rơi hạt mà lên, tưởng rất đơn giản nhưng có lẽ những thứ quả mọc thấm đẫm chất đất, không khí và tình người bản địa tự nhiên ấy mà khiến ai trong đoàn chúng tôi đều tấm tắc khen. Bữa cơm còn có sự góp mặt của ông Bùi Văn Phấn, bí thư thôn Son và anh Ngân Mạnh Hùng, bí thư kiêm trưởng thôn Bá. Sau chén rượu ngô ngọt lịm đầu lưỡi rồi loang ra vị cay nồng ở vòm họng, tôi được nghe các anh kể về những lần di cư của dân Son Bá Mười vào Nam làm ăn thoát nghèo bỏ lại cả bản làng xơ xác, thưa thớt, những lần các anh đi họp dưới xã mà chưa có đường phải đi đường núi đem cơm nắm đi từ 4 giờ sáng, có lúc mệt quá ngủ gục luôn lại rừng, sáng mai tỉnh dậy thầm cảm ơn tổ tiên vì không bị thú dữ tha mất. Tại đây mọi người hỗ trợ nhau cùng phát triển, từ hệ thống nhà ở, trường học đến những công trình công cộng hoàn toàn bằng bàn tay và sức lực của con người, những chiếc xe máy trở thành phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, nhìn những ngôi nhà mới kiên cố mới thấy hết được sự kiên trì và tình đoàn kết của những người dân nơi đây. Đêm càng đặc quánh, cái lạnh dường như bủa vây không gian xung quanh, tôi càng thấm thía câu nói “rét cắt da cắt thịt” là có thật, dù đã được chị Bùi Thị Lức - người con gái ở Hòa Bình sang làm vợ anh Kim chuẩn bị cho ba chiếc chăn bông, nhưng giấc ngủ nồng khó thể đến với tôi.
Những tia sáng hé dần sau những cánh rừng già nguyên sinh, rồi rõ dần mặt người. Cái ẩm ướt, hiu lạnh bám trên những cánh đào phai tạo nên khung cảnh hoàn mỹ của buổi sớm nơi vùng cao Son Bá Mười. Anh Kim cho biết, hiện nay theo dự án của huyện và của xã người dân đang dần tập trung trồng đào bản địa để phát huy tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này. Cây đào Son Bá Mười lạ lắm, cây con tự mọc đầy xung quanh các nhà sàn, trồng rất dễ, cứ nhét xuống đất là sống, nửa năm đã cao nửa mét, một năm là ngang đầu người, hai năm cao vượt và lên mốc, ba năm đơm hoa kết trái. Hoa to, đẫm ánh hồng, 4 tháng trước tết đã nở, rồi bói quả, đến tết lại bừng nở thêm một lần nữa. Người dân bản địa gọi cây đào của mình là đào mốc (đào đá). Thành ra cành đào vùng Cao Sơn được rất nhiều nơi ưa chuộng và đang trở thành một thú chơi sang.
Chia tay Son Bá Mười trong bảng lãng chiều, vẫn những cánh đào đẫm mình trong tiết trời chuyển xuân, báo hiệu những niềm vui no ấm sẽ đến với người dân nơi đây và khi ấy tôi sẽ trở lại để được đi giữa thung lũng đào rực rỡ nắng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/mien-tay-thanh-hoa/xuan-ve-tren-son-ba-muoi/130627.htm