Xuân mới yên vui ở biên giới Ia O

Năm 2022 là năm nhiều thử thách với bà con Jrai ở làng Kloong, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Sau đại dịch Covid-19, biết bà con cần việc làm nên một số kẻ xấu đã người lừa đưa người làng Kloong sang Campuchia để đòi tiền chuộc

Năm 2022 là năm nhiều thử thách với bà con Jrai ở làng Kloong, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Sau đại dịch Covid-19, biết bà con cần việc làm nên một số kẻ xấu đã người lừa đưa người làng Kloong sang Campuchia để đòi tiền chuộc. Nhưng được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, sự đoàn kết đùm bọc dân làng, Kloong đã bình yên trở lại, đang bước vào năm mới 2023 với tâm thế mới để tiếp tục xây dựng cuộc sống no ấm và biên giới hòa bình.

Puih Thái được người thân và làng xóm chờ đón khi từ Campuchia về làng. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Lái chiếc máy cày chở bà con Kloong về làng trên con đường bê tông uốn lượn quanh những rẫy điều, vườn cao su xanh mướt, Puih Thái cho biết: có lẽ Tết này là cái tết vui nhất, bởi anh cảm nhận được sự bình yên quý giá và tấm lòng yêu thương, đùm bọc của gia đình, làng xóm.

Puih Thái kể, gần nửa năm được giúp đỡ trở về sau thời gian bị lừa bán sang Campuchia, anh em Puih Thái, Puih Đại thường xuyên được sự quan tâm, động viên của lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương. Và để đáp lại sự quan tâm ấy, anh em Thái, Đại luôn tích cực cùng gia đình lên rẫy sản xuất, chí thú làm ăn. Puih Thái chia sẻ, qua tết anh sẽ nuôi thêm đàn dê để cải thiện thu nhập và nộp hồ sơ xin làm công nhân cao su để có lương hàng tháng phụ giúp gia đình vì anh đã hiểu rõ rằng, những hứa hẹn về việc nhẹ lương cao đều che giấu những ý đồ xấu.

“Mình đã hiểu được không có việc nhẹ lương cao. Đó chỉ là một bẫy lừa đảo. Mình rất hối hận vì nghe theo lời kẻ xấu, để gia đình lo lắng, tốn tiền của. Bây giờ mình không đi đâu cả, chỉ cùng gia đình lên rẫy sản xuất, phát triển kinh tế, lo cho cuộc sống tương lai”- Puih Thái nói.

Puih Phú, sinh năm 2005, nhỏ tuổi nhất trong nhóm thanh niên được hỗ trợ từ Campuchia trở về làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai trong năm 2022 cho biết, những ngày giáp tết, công việc nương rẫy đã xong xuôi. Anh đang cùng các thanh niên trong làng phát dọn cây xanh ven đường, dọn dẹp khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng để dân làng có nơi đánh cồng chiêng, xoang và vui chơi trong những ngày năm mới. Phú dự định, qua tết, anh sẽ dùng số tiền 18,5 triệu đồng mà lực lượng biên phòng hỗ trợ để ra thị trấn huyện học nghề sửa xe và các loại máy móc.

“Năm mới, mình sẽ học nghề sửa xe. Phải có nghề thì mới ổn định được cuộc sống. Lúc rảnh, mình làm rẫy cùng gia đình, tăng gia, chăn nuôi thêm để đảm bảo cuộc sống”- Puih Phú nói.

Làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai năm 2022 đã đổ thay nhanh chóng nhờ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các trục đường ngang, dọc ở làng đã được bê tông hóa; điểm trường mẫu giáo, cấp 1 trong làng được nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Nhiều hộ gia đình làm ăn khấm khá đã mạnh dạn xây nhà mới khang trang. Theo già làng Rơ Chăm Choak, cùng với các công trình giao thông, điện, trường học, dân làng Kloong bây giờ cũng làm ăn dễ hơn trước nhờ việc phổ biến, tập huấn về khoa học- kỹ thuật nông nghiệp cho bà con được tổ chức thường xuyên. Bà con đã thay đổi giống cây trồng, vật nuôi và nâng cao được hiệu quả sản xuất. Ngoài việc có thu nhập từ làm công nhân cao su, dân làng còn phát triển được hàng trăm ha cây công nghiệp dài ngày như điều, cà phê và cao su tiểu điền.

Chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng tuyên truyền cho bà con hiểu thủ đoạn lừa đảo việc nhẹ lương cao. (ảnh: Nguyễn Thảo)

Già làng Rơ Chăm Choak tin rằng, nếu lớp trẻ trong làng chịu khó học tập, siêng năng lao động, làng Kloong sẽ phát triển nhanh chóng hơn nữa: “Trong những buổi họp làng, già làng mong muốn con cháu cảnh giác, không nghe theo lời của những kẻ lừa đảo; cố gắng phát triển và ổn định kinh tế trong gia đình để sau này còn lo tương lai. Già làng sẽ phối hợp với các ban ngành để bảo ban, giáo dục thế hệ trẻ trong làng đi đúng hướng. Ở Kloong, muốn thoát nghèo thì tập trung làm kinh tế gia đình cho hiệu quả”.

Ông Siu Nghiệp- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết, địa phương có 9 làng, chủ yếu là người Jrai. Tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, cùng với đẩy mạnh xây dựng hạ tầng nông thôn, Nhà nước còn có chính sách thúc đẩy sản xuất qua việc nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; hướng nghiệp và đào tạo nghề nông thôn.

Ông Siu Nghiệp khẳng định, thanh niên các làng ở vùng biên Ia O bây giờ đã có thể yên tâm làm giàu trên chính quê hương mình.

“UBND xã giao phụ trách văn hóa xã hội triển khai các chương trình tuyên truyền cho bà con cảnh giác với thủ đoạn lừa đào trên tuyến biên giới, trên không gian mạng xã hội; tuyên truyền vấn đề lao động thì phải có địa chỉ rõ ràng, đúng người, công việc. Nhân dân đã biết được vấn đề này, làm tốt công tác định hướng về lao động”- ông Siu Nghiệp nói.

Với sự nỗ lực của chính quyền và sự đoàn kết nhất trí của nhân dân trong lao động, sản xuất, bộ mặt nông thôn ở khu vực biên giới Ia O đang ngày càng khởi sắc. Điều này là cơ sở vững chắc để các làng Jrai nơi đây có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, tham gia xây dựng thế trận toàn dân vững chắc ở vùng biên cương.../.

Nguyễn Thảo/VOV- Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xuan-moi-yen-vui-o-bien-gioi-ia-o-post995446.vov