Xu thế luật hóa các tiêu chuẩn xanh của EU

Xu hướng chuyển đổi xanh mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng kéo theo sự phân hóa giữa các nhóm quốc gia. Những nước đi trước đang dần hình thành nên hệ sinh thái riêng về kinh tế, thương mại, đầu tư, trong khi các quốc gia chậm đổi mới có nguy cơ tụt hậu.

Các tiêu chuẩn xanh là xu thế tất yếu, là phản ứng tích cực của thế giới trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. (Nguồn: netzero.vn)

Các tiêu chuẩn xanh là xu thế tất yếu, là phản ứng tích cực của thế giới trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. (Nguồn: netzero.vn)

Các chuỗi giá trị cung - cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch và đầu tư được quy định ngày càng nghiêm ngặt theo yêu cầu phát triển bền vững. Các thị trường nhập khẩu quan trọng đang triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu carbon” lớn.

Điển hình là những quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) trong khuôn khổ Chiến lược Thỏa thuận Xanh (European Green Deal) đang đi vào hiệu lực và có xu hướng ngày càng siết chặt hơn.

Các hàng rào kỹ thuật

Ở trong nhóm các nước đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức từ các chuẩn mực về thương mại và đầu tư gắn với các tiêu chuẩn xanh. Những chuẩn mực này đang dần được mở rộng phạm vi và luật hóa, tạo ra những rào cản và thách thức không nhỏ đối với việc duy trì đà xuất khẩu của Việt Nam, nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Dưới đây là các hàng rào kỹ thuật đang thách thức các doanh nghiệp của Việt Nam.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ra đời nhằm giải quyết nỗi lo ngại về biến đổi khí hậu và hiện tượng “rò rỉ carbon”. EU lo ngại các doanh nghiệp có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, để chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này cũng là công cụ giúp EU dẫn dắt vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và thúc đẩy cạnh tranh công bằng.

Quy định (EU) 2023/956 về Thiết lập CBAM của EU đã chính thức có hiệu lực từ ngày 16/05/2023. CBAM sẽ được triển khai qua hai giai đoạn. Giai đoạn chuyển tiếp từ 2023-2026, các nhà nhập khẩu có nghĩa vụ báo cáo lượng phát thải carbon liên quan đến hàng hóa nhập khẩu như sắt thép, nhôm, điện, xi măng, phân bón và hydrogen.

Từ năm 2026, cơ chế này sẽ vận hành toàn diện, áp thuế carbon đối với hàng hóa dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu sẽ được phân loại thành loại đơn giản và phức tạp, với hàng hóa phức tạp phải kê khai cả lượng phát thải của các nguyên liệu tạo thành sản phẩm.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương, trong ngắn hạn, CBAM chưa tác động đáng kể tới xuất khẩu của Việt Nam. Ngành nhôm, thép chịu ảnh hưởng nhiều nhất với giá trị xuất khẩu giảm khoảng 4% và sản lượng giảm 0,4-0,8%.

Tuy nhiên về lâu dài, phạm vi của CBAM có thể được mở rộng, bao gồm cả phát thải gián tiếp và nhiều lĩnh vực khác như năng lượng, khoáng sản, thực phẩm, dệt may, hóa chất, xây dựng. Ước tính sơ bộ từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, CBAM sẽ làm giảm bình quân GDP hằng năm của Việt Nam khoảng 100 triệu USD. Mặc dù đây là con số không quá lớn so với quy mô nền kinh tế hơn 400 tỷ USD của Việt Nam, nhưng nó báo hiệu những thách thức mà các ngành sản xuất cần phải vượt qua để đón đầu xu thế.

Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP) của EU ra đời như một phần trụ cột của Thỏa thuận Xanh châu Âu, đáp ứng các nhu cầu hành động khẩn cấp về biến đổi khí hậu, thúc đẩy cạnh tranh kinh tế, nâng cao chất lượng sống con người và phát triển bền vững. CEAP lần đầu được EU thông qua vào tháng 12/2015.

Đến tháng 3/2020, kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới đã được Ủy ban châu Âu phê duyệt. Tiếp đó, tháng 3/2022, Chiến lược của EU về dệt may được đưa ra như một phần của CEAP, tạo ra động lực mạnh mẽ cho ngành công nghiệp dệt may châu Âu hướng tới sản xuất tuần hoàn và tiêu dùng bền vững.

Chiến lược dệt may của EU đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe để các sản phẩm được thiết kế và sản xuất sao cho có tuổi thọ cao, dễ sửa chữa, tái sử dụng, tái chế, không chứa chất độc hại và tuân theo các nguyên tắc ghi nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Từ góc độ tiêu dùng, người tiêu dùng EU sẽ hưởng lợi từ hàng dệt may chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý, trong khi các xu hướng tiêu dùng và thời trang nhanh sẽ dần lỗi thời.

Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trong toàn bộ chuỗi giá trị, ngay cả khi sản phẩm trở thành chất thải. Việc đốt hoặc chôn lấp hàng dệt may sẽ được hạn chế tối đa. Phát triển các mô hình sản xuất tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên mới là một yêu cầu bắt buộc.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường sụt giảm, ngành dệt may Việt Nam chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40,324 tỷ USD trong năm 2023, giảm 9 % so với năm 2022 . Khi các doanh nghiệp đang vượt khó để duy trì đơn hàng và việc làm cho người lao động, những quy định mới của EU đặt ra thách thức không nhỏ.

Quy định của Liên minh châu Âu về các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR) là một phần trong kế hoạch hành động rộng lớn hơn nhằm giải quyết nạn phá rừng và suy thoái rừng trên toàn cầu. EU là một trong những thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản có liên quan đến phá rừng như gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ cũng như các sản phẩm liên quan như da, chocolate, đồ nội thất... Do vậy, EU tự nhận trách nhiệm và mong muốn nêu gương trong nỗ lực ngăn chặn phá rừng thông qua chính sách thương mại.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023, Quy định mới của EU cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản và lâm sản nếu chúng được sản xuất trên những vùng đất có nguồn gốc từ phá rừng và suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Các mặt hàng chính bị ảnh hưởng bao gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng.

Mặc dù Việt Nam không nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ mất rừng cao nhờ các chính sách quản lý và bảo vệ rừng, song thách thức lớn nhất đối với các chuỗi cung ứng nông sản là việc thiếu cơ sở dữ liệu định vị diện tích rừng, truy xuất nguồn gốc và hệ thống giám sát chống phá rừng. Chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các nguyên liệu như gỗ, cao su trong sản phẩm xuất khẩu sang EU cũng là thách thức khi chuỗi cung ứng phức tạp, manh mún và đất canh tác của nông hộ chưa được định danh rõ ràng.

Cơ hội và thách thức

Không thể phủ nhận rằng các tiêu chuẩn xanh là xu thế tất yếu, là phản ứng tích cực của thế giới trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Đối với Việt Nam, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các ngành sản xuất xanh, sạch và bền vững. Tuy nhiên, nếu nhóm các nước phát triển đi quá nhanh và thiếu những hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các nước đang phát triển, khoảng cách về trình độ phát triển sẽ ngày càng gia tăng, tạo ra những bất lợi cạnh tranh trong thương mại.

Để ứng phó hiệu quả, cần sự chung tay của Chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Về phía Nhà nước, việc ban hành những hướng dẫn kịp thời, tăng cường năng lực kỹ thuật, thể chế để thích ứng với các tiêu chuẩn mới là cần thiết. Bên cạnh đó, cần chủ động tham gia đối thoại với EU để có những thỏa thuận có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Cải thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và “xanh hóa” các ngành công nghiệp nặng như thép, xi măng là những nỗ lực quan trọng từ phía Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng... việc xây dựng phương án giảm thiểu phát thải carbon trong sản xuất, lượng hóa và kiểm soát phát thải toàn chuỗi giá trị là yêu cầu cấp thiết khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, đổi mới, đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh. Giải pháp được đề xuất là sử dụng nguyên liệu tự nhiên, tái chế, thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, giảm nhiên liệu hóa thạch và tiết kiệm năng lượng.

Trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, cần giám sát chặt chẽ các vùng có nguy cơ rủi ro cao, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, phân định các vùng theo mức độ rủi ro, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, phổ biến quy định mới của EU tới các bên liên quan.

Việc các nước phát triển áp dụng các tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe đang đặt ra nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, để duy trì xuất khẩu – một động lực chính của tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần quyết liệt thực hiện chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Đây là con đường tất yếu để nền kinh tế phát triển bền vững, thoát nguy cơ tụt hậu. Quá trình chuyển đổi đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp Việt Nam vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trong tình hình mới.

Từ Anh Tuấn - Nguyễn Quý Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xu-the-luat-hoa-cac-tieu-chuan-xanh-cua-eu-272447.html