Xử lý từ gốc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản

Không chỉ Trung Quốc siết chặt kiểm tra đối với mặt hàng sầu riêng của nước ta, dự kiến trong 10 ngày giữa tháng 6, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để thực hiện giám sát một số mặt hàng như sầu riêng, thanh long, ớt. Điều này cho thấy, đã đến lúc cần phải chuẩn hóa quy trình trồng, xử lí chặt chẽ từ gốc chuyện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất khác trên nông sản xuất khẩu.

Bảo vệ uy tín thương hiệu

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, EU vừa có văn bản đề xuất cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá các biện pháp kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang khu vực này. Trong đợt thanh tra này, các mặt hàng được tập trung là sầu riêng, thanh long và ớt. Địa bàn kiểm tra là Tiền Giang, Long An, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh.

Ở nhiều vùng trồng mới, người dân còn thiếu kinh nghiệm, lạm dụng phân bón hóa học làm gia tăng nguy cơ tồn dư trong trái sầu riêng. Ảnh minh họa: CTV

Ở nhiều vùng trồng mới, người dân còn thiếu kinh nghiệm, lạm dụng phân bón hóa học làm gia tăng nguy cơ tồn dư trong trái sầu riêng. Ảnh minh họa: CTV

Đoàn thanh tra sẽ đến trực tiếp các vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói để kiểm tra việc khắc phục triệt để các sai lỗi về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở theo quy định của pháp luật và trong báo cáo truy xuất. Ngoài việc thanh tra tại các vùng trồng và cơ sở chế biến, đoàn cũng đến làm việc với các đơn vị kiểm định chất lượng của Việt Nam. Trong đợt này, 2 đơn vị được đại diện phía Việt Nam tiếp đoàn thanh tra là Công ty CP KHCN Hoàn Vũ, Công ty TNHH SGS Việt Nam.

Dự kiến, đoàn thanh tra của EU sẽ bắt đầu làm việc tại Bình Thuận vào ngày 11/6, sau đó sẽ tiếp tục giám sát ở các tỉnh miền Tây. Hiện nay, các mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ chịu giám sát tại cửa khẩu là ớt chuông và đậu bắp là 50%, thanh long 20%, sầu riêng 10%.

Riêng với mặt hàng sầu riêng, sau khi Trung Quốc thực hiện siết chặt kiểm soát chất lượng, đã có sự chuyển biến tích cực. Trong đợt xét duyệt ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói, toàn bộ đều là mã mới.

Cộng với các mã số đã được phê duyệt, hiện nay Việt Nam đã có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được GACC phê duyệt. Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá đây là một tín hiệu đáng mừng và đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực mở rộng quy mô xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc.

Và để có được kết quả này, có vai trò chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành hàng, người nông dân để có hệ thống giải pháp đồng bộ, nhằm hoàn thiện các yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật. Điều này cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bao gồm cả các yêu cầu mới về kiểm soát kim loại nặng như Cadimi, Vàng O trong trái sầu riêng.

Nói về việc Trung Quốc mở rộng danh sách mã số này không chỉ tạo mọi điều kiện để tăng trưởng sản lượng xuất khẩu sầu riêng trong mùa vụ 2025, mà còn góp phần giảm áp lực mùa vụ; hạn chế tranh mua, tranh bán, ông Đạt thông tin thêm, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đang đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội tiếp tục chủ động tận dụng cơ hội này, đồng thời nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm sầu riêng Việt Nam, duy trì thị trường một cách bền vững.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu và đảm bảo hàng hóa được thông quan nhanh chóng, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các Chi cục Kiểm dịch thực vật bố trí cán bộ hỗ trợ các doanh nghiệp và vùng sản xuất lớn để có thể tiến hành kiểm dịch ngay tại các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói nếu có điều kiện phối hợp với các cơ quan chức năng khác, nhằm thực hiện thông quan cho các lô hàng xuất khẩu ngay trong nội địa. Việc bón phân cho sầu riêng phải cân đối, hợp lý, nhằm nâng cao sức khỏe đất và năng suất cây trồng, khuyến cáo nông dân đọc kỹ thành phần và hướng dẫn sử dụng trên các bao bì phân bón.

Chuẩn hóa để sầu riêng có thể đi đường dài

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt, việc hải quan Trung Quốc cấp mới gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vừa là cơ hội, song cũng vừa là thách thức bởi đây mới chỉ là điều kiện đầu vào.

"Ngay khi có cảnh báo từ phía nước nhập khẩu, ngành Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã lập tức cử nhiều đoàn kiểm tra tại các vùng trồng trọng điểm. Theo phân tích sơ bộ cho thấy, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tồn dư Cadimi trên sầu riêng vượt ngưỡng. Thứ nhất, một số vùng có đặc điểm thổ nhưỡng chứa sẵn Cadimi ở mức cao hơn trung bình, đi kèm với độ pH đất thấp làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng lành mạnh, khiến cây hút theo kim loại nặng.

Thứ hai, nhiều vùng trồng mới, nơi người dân còn thiếu kinh nghiệm, đang lạm dụng phân bón hóa học với lượng cao gấp nhiều lần khuyến cáo, vô tình làm gia tăng nguy cơ tồn dư”, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt nói. Còn với chất Vàng O, một loại phẩm màu công nghiệp bị cấm sử dụng trong thực phẩm, ông Đạt khẳng định, sau khi nhận cảnh báo, các đoàn kiểm tra của Cục đã rà soát tại các vùng trồng sầu riêng bị nghi ngờ và không ghi nhận việc sử dụng chất này trong quy trình canh tác.

Theo yêu cầu của Nghị định thư ký kết với Trung Quốc, tất cả các bên tham gia vào chuỗi sản xuất và xuất khẩu sầu riêng phải tuân thủ chặt chẽ 3 yêu cầu chính: Quy định về an toàn thực phẩm; quy định về kiểm dịch thực vật; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc để kiểm soát toàn bộ sản phẩm từ sản xuất đến chế biến, đóng gói và xuất khẩu.

Theo đó, để sầu riêng có thể đi đường dài, ông Đạt nhấn mạnh, đối với việc đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm, cần chuẩn hóa quy trình canh tác sầu riêng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng các loại phân bón có chứa hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép để tránh nguy cơ ô nhiễm đất và tồn dư trong sản phẩm; việc bón phân phải cân đối, hợp lý, nhằm nâng cao sức khỏe đất và năng suất cây trồng.

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/xu-ly-tu-goc-ton-du-thuoc-bao-ve-thuc-vat-tren-nong-san-i769419/