Xét tặng danh hiệu nghệ nhân: không bỏ sót người tài

Sáng 15/10, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện công tác xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ IV trên địa bàn TP Hà Nội.

Bổ sung thêm loại hình được xét danh hiệu

So với những lần xét tặng trước đây, Nghị định 93/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024 có nhiều điểm đổi mới so với Nghị định 62/2014/NĐ-CP.

Quanh cảnh hội nghị tập huấn. Ảnh: Lại Tấn

Quanh cảnh hội nghị tập huấn. Ảnh: Lại Tấn

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể - Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), bên cạnh 6 loại hình di sản văn hóa phi vật thể quy định trước đây gồm: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian, trong Nghị định 93/2023/NĐ-CP có thêm loại hình nghề thủ công truyền thống.

Các nghệ nhân tham dự hội nghị tập huấn. Ảnh: Lại Tấn

Các nghệ nhân tham dự hội nghị tập huấn. Ảnh: Lại Tấn

Giải đáp thắc mắc của nghệ nhân về “xác định rõ ranh giới giữa thủ công mỹ nghệ và thủ công truyền thống để các quận, huyện hướng dẫn đúng tới các nghệ nhân”, TS Nguyễn Thu Trang chia sẻ: nghề thủ công truyền thống là việc sử dụng các nguyên vật liệu bản địa (nguồn tại chỗ như mây, tre, nứa); nghề được trao truyền qua nhiều thế hệ để tạo ra các sản phẩm có tính độc bản, mang bản sắc văn hóa cộng đồng. Sản phẩm thủ công truyền thống không giống với một số loại hình như tranh cát, tranh thêu XQ mới xuất hiện – chưa đáp ứng được là tiêu chí là di sản văn hóa. "Việc trao truyền cho thấy nghề này có giá trị cộng đồng, không phải nghề chạy theo xu hướng, một vài năm lại bỏ” - TS Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Hỗ trợ nghệ nhân xác định rõ loại hình di sản

Tại hội nghị tập huấn, nhiều câu hỏi của các nghệ nhân đã được đưa ra về việc xác định loại hình di sản văn hóa phi vật thể để thực hiện hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

TS Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể - Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Lại Tấn

TS Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể - Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Lại Tấn

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ có nhiều năm làm đèn ông sao truyền thống, giữ hồn văn hóa dân gian qua đồ chơi Trung thu và một số nghệ nhân khác làm ô mai ở Hoàn Kiếm, trồng bưởi ở Bắc Từ Liêm, chữa gãy xương ở Hà Đông, chữa mụn nhọt, làm đậu phụ, bánh gai, bánh dày, làm tương, chè lam, chè kho, trồng dâu nuôi tằm… cũng đặt câu hỏi về tiêu chí để được xét tặng danh hiệu.

Đồng thời, có những câu hỏi về các nghề truyền thống đã bị mai một, hiện còn rất hiếm người thực hành và việc truyền dạy rất khó khăn như nghề dệt the La Khê, quận Hà Đông có thể xét danh nghệ nhân hay không? Có những di sản vốn đã là di sản nhưng chưa được kiểm kê nhận diện, vậy nghệ nhân của những di sản đó có thể làm hồ sơ đề nghị xét tặng không?

Trả lời câu hỏi của các nghệ nhân, TS Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, bên cạnh những tiêu chuẩn như trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đạo đức… nghệ nhân được xét tặng cần có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh. Họ còn có cống hiến to lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể…

“Bên cạnh đó, việc xét danh hiệu nghệ nhân không liên quan đến việc nghề mai một, hay việc truyền dạy khó khăn. Quan trọng ở đây, nghề đó vẫn đang được thực hành, trao truyền, thể hiện sự duy trì, tiếp nối của di sản. Nghệ nhân nên mạnh dạn làm hồ sơ. Với loại hình, nghề càng mai một, càng cần đến các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Nhân dân. Vì việc xét tặng là để thúc đẩy các cá nhân, thể hiện sự tiếp nối, thúc đẩy nhiều người quan tâm, tiếp tục học nghề, duy trì nghề” - TS Nguyễn Thị Thu Trang.

Ngoài những nội dung kể trên, tại buổi tập huấn, các chuyên gia cũng đề nghị chính quyền quận, huyện tăng cường rà soát, tích cực hỗ trợ các nghệ nhân trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xét duyệt nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú, đảm bảo việc thực hiện đúng, nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật.

Ngày 24/6/2024, Bộ VTT&DL ra Quyết định số 1690/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ tư.

Tiếp đó ngày 4/7/2024 tại Công văn số 2806/BVHTTDL-TCCB, Bộ VHTT&DL hướng dẫn xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ tư.

Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, ngày 9/9/2024 UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 4726/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn TP Hà Nội lần thứ tư. Ngày 19/9/2024, Sở VH&TT Hà Nội ban hành Kế hoạch và hướng dẫn thực hiện số 681/KH-SVHTT cùng về việc nêu trên.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xet-tang-danh-hieu-nghe-nhan-khong-bo-sot-nguoi-tai.html