Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với bảo vệ môi trường
Sau thời gian kiên trì và đạt được thành quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) hiện có diện mạo thay đổi rõ rệt, đời sống sinh hoạt của nhân dân được nâng cao, kinh tế dần được phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư. Hiện công tác bảo vệ môi trường, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và an toàn cũng đang được người dân nơi đây chú trọng.
Nâng cao thu nhập
Xuất phát điểm xây dựng NTM của Tham Đôn cũng như nhiều xã khác trên địa bàn toàn tỉnh là “không cao”, trong quá trình triển khai cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Và để được sự khang trang, đời sống người dân được nâng lên như hiện tại là cả quá trình phấn đấu không ngừng của các cấp chính quyền cũng như sự đồng lòng của người dân nơi này.
Minh chứng dễ thấy, trước đây thu nhập bình quân theo đầu người của xã tương đối thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; lao động có việc làm qua đào tạo thấp… thì đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt mức 54,24 triệu đồng/người/năm, tăng 1,31 lần so với năm 2018. Theo đồng chí Tăng Trung Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn, xã đã chủ động, tích cực thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao; triển khai thực hiện các chương trình, dự án được đầu tư, duy trì mô hình tôm - lúa bền vững kết hợp với nuôi các loài thủy sản khác, trồng màu bờ bao và tận dụng diện tích đất bờ kênh thủy lợi, bờ bao ao tôm, trồng màu kém hiệu quả để trồng các loại cỏ chất lượng cao phục vụ tốt chăn nuôi… để không ngừng tăng thu nhập của người dân.
Cùng với việc phát triển sản xuất, thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, việc hỗ trợ phát triển sản xuất; chính sách giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả. Kết quả, qua điều tra đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn xã Tham Đôn chỉ còn 0,86%, giảm 2,96% so năm 2018; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 68,30%, tăng trên 43% so với năm 2018.
Hướng đến bảo vệ môi trường
Việc thực hiện cảnh quan môi trường nông thôn tạo nên diện mạo NTM, do vậy, xã rất quan tâm đến tiêu chí này nên đã vận động người dân thực hiện đúng quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thu gom, đổ rác thải đúng quy định, không để tình trạng rác thải, phân gia súc, gia cầm và vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vứt bừa bãi ra môi trường.
Hiện có 100% hộ gia đình tham gia dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt. Đối với nơi xe thu gom rác không thu gom được thì vận động người dân chôn lấp hoặc thiêu hủy rác thải đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Xã có 3.981/3.981 hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp vệ sinh; có 660/693 hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường... Song song đó, hàng năm, xã đã triển khai tuyên truyền, vận động, nâng cao được nhận thức của cán bộ, hội viên thay đổi nếp sống vệ sinh gia đình, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần thay đổi diện mạo NTM ở từng ấp. Triển khai cho từng chi hội tham gia cùng chính quyền địa phương chọn và xây dựng tuyến đường kiểu mẫu nhằm góp phần cùng địa phương xây dựng NTM nâng cao.
Song song đó, UBND xã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lắp đặt thùng rác chuyên dùng dọc theo tuyến đường chính, trụ sở UBND xã, khu chợ, khu sinh hoạt cộng đồng, trường học, trạm xá. Bên cạnh đó, theo từng sự kiện tổ chức treo panô, băng rôn tuyên truyền về bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường. Xã đang thực hiện 2 mô hình phân loại rác thải tại nguồn thuộc nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế: Trường THCS Tham Đôn và UBND xã; trang bị 80 thùng chứa rác được lắp đặt trên toàn tuyến đường xã Tham Đôn và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sau khi phân loại được thực hiện riêng từng nhóm, đúng theo quy định…
Theo đồng chí Tăng Trung Bảo, triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, xã Tham Đôn đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, bộ mặt nông thôn đã thực sự thay đổi toàn diện. Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển nhanh, bền vững, nhận thức của người dân được nâng lên một tầm cao mới, người người, nhà nhà có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường.