Xây dựng kịch bản đảm bảo cung ứng điện năm 2024
Tại Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao theo từng năm trong khi việc cung ứng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là điều kiện thủy văn, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường có thể gây những trở ngại cho việc đảm bảo điện. Nhận thức được thách thức, Hà Nội đã chủ động xây dựng kịch bản đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024.
Năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện thành phố khoảng 100 MW; phấn đấu 100% khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, khách hàng sử dụng điện lớn trên địa bàn được vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích và sự cần thiết phải quản lý nhu cầu điện; đăng ký tự nguyện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện; tổ chức lắp đặt, thay thế công tơ điện tử đo xa; phấn đấu đạt 100% khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương về cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà phù hợp với điều kiện thực tế; xem xét mở rộng đối tượng áp dụng chính sách về lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và cơ chế giá mua bán điện mặt trời cho phần công suất dư thừa phát lên lưới nhằm tạo động lực. Thành phố sẽ nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cơ chế tài chính theo quy định nhằm khuyến khích, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại, thông minh, hiệu quả phù hợp với định hướng của Nhà nước….
Theo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), nhằm thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND thành phố; đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục với khả năng cao nhất trong mọi tình huống cho lưới điện thành phố Hà Nội trong mùa hè 2024, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện thành phố Hà Nội (đơn vị trực thuộc EVNHANOI) đã xây dựng 2 trường hợp dự báo tăng trưởng công suất cực đại (Pmax) toàn thành phố gồm tăng trưởng cơ sở là 8% và tăng trưởng phụ tải cực đoan nhất 13%.
EVNHANOI đã chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình đầu tư xây dựng để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ khách hàng trên địa bàn Thủ đô; tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý góp phần bảo đảm vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy.
Cùng đó, EVNHANOI có kế hoạch làm việc cụ thể với hơn 6.000 khách hàng ở lĩnh vực công nghiệp sản xuất và thương mại dịch vụ có sản lượng tiêu thụ điện lớn về biểu đồ phụ tải điện trong ngày và nhu cầu tiêu thụ điện từ tháng 5 - 7 các năm vừa qua, để đánh giá biểu đồ sử dụng điện. Qua đó tư vấn dịch chuyển khung giờ sản xuất, giảm áp lực cho lưới điện của thành phố.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc EVNHANOI cho biết, qua theo dõi của EVNHANOI, đỉnh phụ tải hệ thống điện Hà Nội rơi vào các khung giờ 12-15h và 22-24h hàng ngày, đặc biệt trong các tháng nắng nóng từ tháng 5 - 7 hàng năm. Năm 2023, Pmax của hệ thống ghi nhận đạt 5.023 MW vào 13h40 ngày 27/7. Từ thực tế trên, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong ngày trong các tháng cao điểm, nhằm dịch chuyển nhu cầu sử dụng điện trong các khung giờ 12h-15h, 22h-24h hàng ngày sang khung giờ phù hợp để đảm bảo sản xuất và góp phần giảm nhu cầu phụ tải chung của hệ thống.
Năm 2024, với hiện tượng thời tiết dự báo phức tạp và có thể xảy ra nắng nóng kéo dài gây ra khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là trong mùa hè, Tổng công ty đã yêu cầu các công ty điện lực trực thuộc tính toán phương án vận hành từng tháng cụ thể trong năm 2024, đặc biệt là trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng. Thực tế cho thấy, việc cung cấp điện diễn ra an toàn, liên tục trong mùa nắng nóng năm 2024, các giải pháp của EVNHANOI là chưa đủ nếu thiếu sự đồng hành của người dân trong việc chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả - ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, EVNHANOI đã xây dựng kế hoạch vận động nhân dân sát cánh cùng ngành điện; trong đó có việc tuyên truyền việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. EVNHANOI sẽ triển khai theo 5 nhóm khách hàng: khối đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan công sở, tòa nhà văn phòng, bệnh viện, trường học; hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn quảng cáo, trang trí ngoài trời, chiếu sáng giao thông; khách hàng kinh doanh thương mại và dịch vụ, siêu thị, các trung tâm thương mại; khách hàng sản xuất, ban quản lý khu, cụm điểm công nghiệp; các hộ gia đình sử dụng điện.
Cùng đó, EVNHANOI khuyến khích khách hàng, cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm tiêu thụ điện. Đồng thời, chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ; không sử dụng nhiều đồ dùng điện có công suất lớn cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện đồng thời đề phòng nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.
Ghi nhận thực tế cho thấy, nhờ tuyên truyền của ngành điện, nhiều khách hàng tiêu thụ điện lớn đã thay đổi thói quen tiêu dùng. Đơn cử, tòa nhà Corner Stone tại 16 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm (Hà Nội) hiện tại đang sử dụng hệ thống giải nhiệt bằng nước cho điều hòa không khí của tòa nhà.
Ông Phạm Hồng Phúc, Kỹ sư Trưởng tòa nhà cho biết, khác với cách giải nhiệt bằng quạt gió thông thường vốn tốn nhiều năng lượng và hiệu quả không cao khi nhiệt độ ngoài trời ở ngưỡng hơn 40 độ C, tòa nhà làm mát bằng nước giúp cho hệ thống điều hòa không khí luôn hoạt động ổn định ở bất kỳ điều kiện thời tiết nào; đồng thời tiêu thụ điện năng sẽ giữ ở mức thấp nhất.
Ngoài ra, tòa nhà còn lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái, mỗi tháng tòa nhà tiết kiệm được số tiền điện không nhỏ. Trung bình tiền điện một tháng của tòa nhà là khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng sau khi lắp đặt các hệ thống này cũng như tăng cường giải pháp tiết kiệm điện thì giảm được 90 đến 100 triệu đồng mỗi tháng - ông Phúc nói.
Với những giải pháp lớn từ phía thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của ngành điện, cùng ý thức đồng hành tiết kiệm điện của người dân, năm 2024 Hà Nội sẽ có được sự ổn định trong cung ứng điện.