Vượt qua rào cản thương mại

Những năm gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đối mặt nguy cơ bị điều tra với các biện pháp phòng vệ thương mại mới, khi mà xu hướng bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước của các quốc gia ngày một tăng. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, các mặt hàng xuất khẩu ngày một nhiều. Vì thế, càng đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó chủ động, thích hợp, hiệu quả, từ cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp.

Ngành thép đã phải đối mặt với gần 80 vụ việc phòng vệ thương mại và dự báo sẽ có thêm nhiều vụ việc trong thời gian tới. Ảnh: Quang Vinh.

Sau 9 tháng của năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2022; đến nay tình hình đang sáng dần lên. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng lại phải đối mặt với rào cản thương mại qua các vụ việc tranh chấp thương mại của nước nhập khẩu khi các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) được coi là “dày đặc”.

Xu hướng dựng rào cản nhập khẩu gia tăng

Dẫn thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung tâm WTO và Hội nhập của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 5 năm qua số vụ kiện PVTM trên thế giới tăng rất nhanh, chiếm khoảng 27% tổng số vụ việc từ trước đến nay.

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7, kéo dài đến 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp (DN) gỗ dán Việt. DN sản xuất ra không bán được hàng, các nhà mua hàng nước ngoài lo ngại tranh chấp thương mại nên tìm cách chuyển dịch sang các thị trường khác.

Còn ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, đến nay, ngành thép đã phải đối mặt với gần 80 vụ việc và dự báo sẽ có thêm nhiều vụ việc trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo số liệu từ Cục PVTM (Bộ Công thương), đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc PVTM do các nước khởi kiện. Nhiều nhất là các vụ điều tra chống bán phá giá với 128 vụ. Tiếp đó là 47 vụ việc tự vệ; chống lẩn tránh biện pháp PVTM 33 vụ và chống trợ cấp 23 vụ.

Lãnh đạo Cục PVTM cho biết, các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế.

“Nếu hàng hóa xuất khẩu của DN bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Để tránh bị áp thuế, DN phải bố trí thời gian và nguồn lực để xử lý, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của cơ quan điều tra nước ngoài, cho dù điều đó có tạo thêm gánh nặng cho DN” - ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục PVTM nói và cho biết, Cục PVTM đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN nhằm cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM để DN chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Đồng thời, trao đổi kịp thời với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin cập nhật giúp DN nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho DN.

Đặc biệt, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM”; đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”; “Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới”... nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Thép là một trong số những mặt hàng phải ứng phó với rào cản phòng vệ thương mại từ bên ngoài.

Tăng cường “sức khỏe” cho doanh nghiệp

Khó khăn của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, làm gia tăng áp lực cho thương mại - đầu tư toàn cầu. Việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, các DN xuất khẩu đang đối diện với những thách thức to lớn.

9 tháng năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới; tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. 48,9 nghìn DN quay trở lại hoạt động; giảm 3,2%. 75,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%. 46,1 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; tăng 26,9%; 13,2 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực DN.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, sức khỏe của nền kinh tế và DN còn thể hiện qua một chỉ số khác là xuất nhập khẩu. Việt Nam đã là một quốc gia mở cửa hội nhập, sản xuất hướng về xuất khẩu, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu hiện đã gấp đôi GDP.

Cụ thể, 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD (giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước); trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 229,22 tỷ USD, chiếm 88,3%. Điều này có nguyên nhân quan trọng từ sự suy giảm của thị trường thế giới, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ giảm, trong đó có những thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam như Hoa Kỳ hay các nước châu Âu.

Những con số trên thể hiện phần nào khó khăn của nền kinh tế và các DN xuất khẩu giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh ấy, rào cản thương mại đến từ các thị trường nhập khẩu càng đẩy khó khăn lên cao.

Trong khi đó, khó khăn nội tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm để hỗ trợ DN, trong đó có DN xuất khẩu. Cụ thể là khó khăn về tiếp cận vốn, mặt bằng lãi suất còn cao đối với các DN có nhu cầu đi vay. DN nhỏ và vừa vẫn phải đối diện những rào cản về mặt quy trình, thủ tục khi vay vốn. Khó nhất là việc DN không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, dù rằng tới nay mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm đáng kể từ sau quý I/2023 nhờ những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khi mà kể từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, giúp mặt bằng lãi suất hạ nhiệt.

Một khó khăn nữa mà cộng đồng DN đang gặp phải là chất lượng lao động. Theo Tổng điều tra lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê, cả nước chỉ có khoảng 26,1% người có việc làm là đã qua đào tạo. Trong đó, tỷ lệ người lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15%. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo thấp nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,7%) và cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,8%). Chất lượng lao động còn có thể xem xét qua một thước đo quan trọng đó là năng suất lao động, thể hiện qua số lượng sản phẩm được tạo ra tính trên một đơn vị người lao động làm việc hoặc giờ lao động. Năng suất lao động được coi là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia.

Tới nay năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với một số quốc gia châu Á dù đã được cải thiện. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước Đông Nam Á, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Trở lại với rào cản xuất khẩu đến từ các biện pháp PVTM, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, với giá trị nhập khẩu gần đây đạt trên 3.000 tỷ USD mỗi năm. Song Mỹ cũng là thị trường rất khắt khe với nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn cao đối với các mặt hàng. Nhằm giảm nhập siêu với các nước cũng như bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước, Mỹ đã và đang tiếp tục áp dụng ngày càng nhiều biện pháp PVTM. Ông Hưng cho biết, tính đến hết tháng 5/2023, Mỹ khởi xướng 55 vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; chiếm khoảng gần 25% tổng số các vụ việc điều tra PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Hưng, trong bối cảnh đó cần theo dõi sát diễn biến tình hình, tiếp cận, xử lý vấn đề linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên quyết để bảo vệ lợi ích của Việt Nam tại thị trường lớn nhất thế giới.

“Bộ Công thương là đầu mối đối với các vụ việc PVTM. Tuy nhiên, trong các vụ kiện PVTM, vai trò của DN rất quan trọng, mang tính quyết định đến cái kết của vụ việc” - ông Hưng nói.

Phòng vệ thương mại bao gồm 3 biện pháp: Thứ nhất là chống bán phá giá, tức hàng hóa xuất khẩu bị thị trường nước ngoài cáo buộc là bán giá thấp hơn giá bán trong nước. Thứ hai là chống trợ cấp, tức hàng hóa xuất khẩu bị cáo buộc là được nhà nước trợ cấp. Thứ ba là biện pháp tự vệ. Trong 3 biện pháp này, nhiều nhất là chống bán phá giá, chiếm khoảng một nửa tổng số vụ việc và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. Với biện pháp này, đối tượng bị cáo buộc trực tiếp chính là các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu kỹ pháp luật của nước, thị trường mình xuất khẩu, vì mỗi một thị trường, mỗi một nước có một quy trình áp dụng xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại khác nhau.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vuot-qua-rao-can-thuong-mai-5742005.html