Vượt 'bão' Covid-19, doanh nghiệp địa ốc phải chủ động
Mong muốn được gỡ khó, nhưng các doanh nghiệp địa ốc cũng cần nỗ lực tự thân để vượt qua khó khăn, sớm đưa thị trường bất động sản trở lại.
Các hoạt động giới thiệu dự án mới hầu như không được tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, Ảnh: Thành Nguyễn
Thị trường sụt giảm
Căn hộ, một phân khúc quan trọng của thị trường bất động sản đang chứng kiến sự suy yếu nghiêm trọng trong “bão” Covid-19.
“Tại Hà Nội, lượng mở bán chính thức trong quý I/2020 chỉ đạt 4.600 căn, đến từ 12 dự án, tương đương 65% nguồn cung quý trước. Đây là mức thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2015. Còn tại TP.HCM, nguồn cung càng hạn chế hơn, khi chỉ có 2.256 căn được mở bán trong quý, mức thấp nhất từ năm 2014. Số lượng căn tiền mở bán cũng bị chậm lại với khoảng 70% bị hoãn lại so với kế hoạch do dịch bùng phát”, đại diện JLL Việt Nam cho biết khi đánh giá về bức tranh thị trường căn hộ tại 2 đô thị lớn của Việt Nam trong quý I/2020.
Tương tự, các phân khúc khác như văn phòng, mặt bằng bán lẻ cũng có sự suy giảm mạnh. Thậm chí, một số phân khúc còn “bất động” trước kỳ vọng có thêm nguồn cung mới.
Đánh giá về triển vọng thị trường ở các phân khúc quan trọng như căn hộ, văn phòng, mặt bằng bán lẻ, đại diện JLL đều bày tỏ sự lo ngại về việc nguồn cung trong năm 2020 sẽ thấp hơn các dự báo và các kế hoạch trước đó (được đưa ra trước khi có dịch Covid-19).
Nhìn nhận về các khó khăn của thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, doanh nghiệp địa ốc đang chịu khủng hoảng kép, vừa bị siết tín dụng, vừa gặp khó khăn do Covid-19. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vốn, hoạt động bán hàng bị đình trệ, trong khi vẫn phải trả lãi vay và gốc.
“Riêng với các doanh nghiệp bất động sản có tham gia cả lĩnh vực xây dựng thì khó khăn còn chồng chất hơn nhiều. Hiện các công trường, dự án có nhiều công nhân phải tạm dừng do cách ly toàn xã hội. Tôi biết, có những doanh nghiệp xây dựng bị giảm từ 50 - 70% khối lượng công việc, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của hàng trăm nghìn lao động”, ông Đính cho biết thêm.
Cần được tiếp sức
Trước trùng điệp các khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt, mới đây, VNREA đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, giãn, gia hạn thời hạn nộp các loại thuế như thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp bất động sản.
Ông Đính cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng cần đưa ra sự điều chỉnh, theo hướng nới tín dụng bất động sản, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn.
Nguồn cung và thanh khoản thị trường căn hộ sụt giảm mạnh trong quý I/2020. Ảnh: Thành Nguyễn
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đào Văn Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc đang gặp nhiều khó khăn về vốn, do đó, Nhà nước cần phải có các chính sách tác động vào hệ thống ngân hàng như giảm lãi suất, khoanh nợ cho doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin trở lại cho thị trường.
Đại diện VIID còn cho rằng, ngoài các khó khăn mang tính thời điểm như tác động tiêu cực từ Covid-19, thì các doanh nghiệp địa ốc cũng đối mặt với cả khó khăn trong việc tiếp cận đất đai.
“Chính sách pháp luật của chúng ta đã rõ ràng để nhà đầu tư có thể tiếp cận đất đai thông qua các hình thức đấu giá, rồi đấu thầu sử dụng đất. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc đấu giá, đấu thầu thì việc triển khai ngay được dự án còn rất dài, nhiều khi không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải triển khai lập quy hoạch, thiết kế trình thẩm định phê duyệt và tôi tin là có rất ít doanh nghiệp may mắn nộp hồ sơ, được trả kết quả sau thời gian đúng như mong muốn”, ông Duy nhấn mạnh.
Tương tự, đại diện một chủ đầu tư ở Hải Dương, chuyên phát triển các dự án khu dân cư, đô thị mới cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng còn quá tốn kém về thời gian, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất còn chậm, ảnh hưởng tiến độ dự án.
“Cái khó của doanh nghiệp chính là ‘rừng’ thủ tục, trình tự thực hiện. Các thủ tục, trình tự có nhiều nội dung kéo dài rất lâu, nhiều nội dung có quá nhiều hồ sơ phải chuẩn bị. Có những khâu hồ sơ bị ‘om’ quá lâu, làm mất thời gian và cơ hội cho doanh nghiệp, làm cho việc triển khai dự án bị chậm”, vị này cho biết thêm.
Doanh nghiệp phải chủ động
“Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc hoạch định lại sản phẩm, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nhân sự, quy trình, phải thật sẵn sàng để ngay sau khi dịch được khống chế, có thể sớm quay lại thị trường”, ông Đính đánh giá về việc tranh thủ quãng lặng mà Covid-19 tạo ra để các doanh nghiệp “sửa mình”.
Theo đại diện của VNREA, ở giai đoạn hiện tại, các chủ đầu tư nên tranh thủ thời gian này để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cho các dự án bị ách tắc ở giai đoạn trước, tăng cường với các cơ quan quản lý trung ương, địa phương để sớm đưa dự án quay lại đường đua. Còn với các đơn vị làm về lĩnh vực phân phối, giờ là lúc tăng cường đào tạo nội bộ, tinh nhuệ đội ngũ, để khi dịch được khống chế, sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bằng sự chuyên nghiệp của mình.
“Ở giai đoạn hiện tại, khi Nhà nước có các hỗ trợ rồi thì doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng Nhà nước, có động thái quyết liệt để tránh các vấn đề lãng phí. Tiết kiệm nhất nguồn lực có thể để phát huy hiệu quả tốt nhất trong giai đoạn này. Mỗi doanh nghiệp phải đồng hành với Chính phủ trong việc chống dịch, phải đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu”, ông Đính nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, dù dịch Covid-19 đến một cách đầy bất ngờ và gây ra những tác động không nhỏ, nhưng đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tăng cường đào tạo nội bộ, tính toán, điều chỉnh sản phẩm và chiến lược để tăng khả năng thích ứng với một thế giới nhiều biến động.
Theo vị này, Phú Long hiện đang thực hiện đồng thời nhiều giải pháp ứng phó trong và cả cho giai đoạn sau dịch. Công ty đang thực hiện huấn luyện nội bộ để nâng cao chất lượng quản lý, vận hành các dự án, cùng với đó là hoạt động cải tạo các khu nghỉ dưỡng để có thể phục vụ tốt nhất khách hàng sau khi dịch được khống chế.
Ngoài ra, Phú Long cũng đang quyết liệt thực hiện chiến lược doanh nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên và con người. Trong đó, ưu tiên phát triển các công trình xây dựng hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, hòa nhập văn hóa địa phương và ứng dụng các công nghệ 4.0, smarthome cho dự án.
“Dù không mong muốn, nhưng rõ ràng Covid-19 cũng là khoảng lặng cần thiết để các doanh nghiệp địa ốc nói chung, Phú Long nói riêng nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, con người, từ đó cho ra đời các dự án tốt, chất lượng, bởi chúng tôi tin rằng, khách hàng ngày càng thông thái và chỉ những sản phẩm tốt mới có thể chinh phục được người mua”, đại diện Phú Long nhấn mạnh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com
Thành Nguyễn
Doanh nghiệp bất động sản kêu khó, nhưng cần “giải cứu” gì?
Chiến lược “ngủ đông” của các doanh nghiệp địa ốc
“Bão” dịch qua đi, thị trường bất động sản sẽ bùng nổ
Bất động sản du lịch: Trông chờ dòng khách nội địa
Covid-19 hoành hành, bất động sản công nghiệp vẫn “nở hoa”
TP.HCM tìm cách “giải cứu” 63 dự án bất động