'Vườn rau thân thiện' của ông Điểu Ớt
Với phương châm 'Không giàu tiền, giàu của nhưng có một trái tim yêu thương, chia sẻ', trong những ngày chống dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động chung tay cùng chính quyền và các lực lượng trợ giúp hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo vơi bớt khó khăn. Gia đình ông Điểu Ớt ở sóc Lộc Khê, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản là điển hình như thế.
Sóc Lộc Khê là nơi sinh sống tập trung của đồng bào S’tiêng với 43 hộ dân, khoảng 200 người. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, nhiều thanh niên trong sóc đi làm công nhân ở các khu công nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ”. Các con và cha mẹ già của họ ở nhà phải tự xoay xở bữa ăn hằng này. “Khi dịch bệnh thì rau xanh là thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn nhưng bà con ở đây lại rất thiếu. Bà con phải đi hái ven đường, ven suối. Đi như vậy không an toàn cho phòng, chống dịch nên tôi muốn làm gì đó giúp bà con quê mình” - ông Điểu Ớt cho biết.
Nói đi đôi với làm, ông Điểu Ớt mượn mảnh đất 400m2 của một người trong sóc để trồng rau. Ngày nắng cũng như mưa, ông miệt mài dọn cỏ, đắp kè đất và bỏ tiền túi mua hạt giống về gieo trồng. Mảnh vườn chỗ này trồng rau lang siêu đọt, khu kia trồng mướp, bầu, có cả khổ qua, bồ ngót... Chỉ sau thời gian ngắn xuống giống, chăm tưới, vườn rau của ông Điểu Ớt đã xanh mướt và cho thu hoạch. Trung bình mỗi ngày có từ 5-10kg rau sạch giúp nhiều hộ dân trong sóc cải thiện bữa ăn. “Vườn rau thân thiện của gia đình ông Điểu Ớt không chỉ giúp bà con nghèo trong những ngày giãn cách phòng, chống Covid-19 mà còn tạo hiệu ứng, hình thành cho bà con thói quen trồng rau sạch ngay trong vườn nhà để cải thiện bữa ăn cũng như tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp” - bà Nguyễn Thị Phố, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức nói.
Không chỉ là một nông dân cần cù, ông Điểu Ớt còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. “Việc đồng ruộng cũng bận lắm nên hằng ngày, tôi phải dậy sớm làm xong việc nhà rồi tham gia các công việc chung để xây dựng sóc ngày càng tốt hơn. Gia đình kinh tế không khá giả nhưng tôi có thể giúp bằng công sức và tấm lòng vì đồng bào mình” - ông Điểu Ớt bày tỏ.
Dịch bệnh rồi sẽ qua, song đọng lại trong chúng ta biết bao điều tốt đẹp từ những việc làm tử tế, thể hiện trách nhiệm của công dân khi đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn. Nông dân Điểu Ớt đã trở thành niềm tự hào của đồng bào S’tiêng, lan tỏa những nét đẹp truyền thống “thương người như thể thương thân” giữa đời thường.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127426/vuon-rau-than-thien-cua-ong-dieu-ot