Vụ gần 600 loại sữa giả: Có trường hợp bác sĩ kê vào đơn chỉ định mua
Một bệnh nhân mới đây đã chia sẻ, bà từng được bác sĩ ở bệnh viện chỉ định mua loại sữa giả có giá hơn 900.000 đồng.
Mới đây, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an vừa phát hiện một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Ngay sau khi thông tin này được công bố đã nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng. Không ít người bàng hoàng khi từng mua phải sữa giả, thậm chí, có bệnh nhân còn được bác sĩ chỉ định phải mua một trong những loại sữa giả này.

Hình ảnh các loại sữa giả đã được tung ra thị trường.
Phản ánh với Thanh Niên, bà Vũ Thị Lan Hương, nhà ở chung cư Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội), cho biết năm 2024 bà có 2 lần đi khám và điều trị tại Bệnh viện V.Đ.
Lần thứ nhất, bà Hương khám sỏi mật được bác sĩ chỉ định mua sữa uống. Nhưng khi tìm hiểu loại sữa có tên lạ, không phải là hãng sữa có thương hiệu, bà Hương không mua.
Lần thứ hai, tháng 12/2024, bà Hương bị ngã gãy chân, tiếp tục đến Bệnh viện V.Đ để phẫu thuật và bó bột. Ngoài thuốc điều trị, bác sĩ tiếp tục chỉ định mua thêm sữa như lần trước đó.
"Đơn thuốc lần này do người nhà tôi đi mua, đó là loại sữa Bonlac Pro Gold giá hơn 900.000 đồng, nằm trong sản phẩm sữa giả công an công bố. Khi biết tin, gia đình tôi rất bàng hoàng và bức xúc. Khi đã vào viện, bác sĩ chỉ định mua loại sữa nào thì phần lớn bệnh nhân đều tin và mua thôi, nhưng đáng trách là dù rất nhiều bệnh nhân bỏ số tiền lớn nhưng loại sữa họ đã uống lại là sữa giả", bà Hương nói.

Hộp sữa BonLac bà Hương mua theo chỉ định của bác sĩ khi nhập viện mổ chân vào tháng 12/2024 tại Bệnh viện V.Đ. Ảnh: báo Thanh Niên
Bên cạnh sự bàng hoàng, dư luận cũng đặt ra một câu hỏi lớn: Vì sao những hộp sữa không có thương hiệu rõ ràng này lại được tiêu thụ dễ dàng suốt 4 năm?
Chia sẻ với báo Dân Trí, chị Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) phát hiện mình từng mua phải sữa giả khi đọc báo những ngày gần đây.
"Nhân viên tư vấn ngồi cả nửa tiếng phân tích thành phần, công dụng từng loại.
Nói nghe xuôi tai lắm, toàn là những công dụng mà hãng sữa lớn không thấy có. Tôi tin và mua sữa Cilonmum về cho con 6 tháng tuổi thử", chị Hoa chia sẻ.
Không chỉ chị Hoa, nhiều bà mẹ khác cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự. Họ được nhân viên tại quầy thuốc, cửa hàng mẹ và bé tư vấn chuyển từ các thương hiệu lớn sang những loại sữa lạ, được giới thiệu là "nguyên liệu nhập châu Âu", "bổ sung DHA đậm đặc", "trẻ uống vào ngủ ngoan, tăng cân rõ rệt".
Như tin đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) – Bộ Công an xác định, đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn do hai đối tượng Vũ Mạnh Cường (46 tuổi, trú tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) và Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021, khi nhận thấy nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm dinh dưỡng dạng bột ngày càng tăng, Cường và Hà đã thành lập Công ty Rance Pharma (Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông) và Công ty Hacofood Group (KĐT mới Phú Lương, Hà Đông) để tổ chức sản xuất và tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm sữa bột giả.
Ngoài hai công ty nêu trên, các đối tượng còn góp vốn, liên kết với nhiều cá nhân khác để thành lập thêm 9 công ty như Dược quốc tế Group, Big Four Pharma, Long Khang Group, BFF, Safaco Group, Darifa Group, Win CT, Phúc An Khang và Công ty CP dược Nasaka Á Châu. Các công ty này chủ yếu đóng vai trò “bình phong” để đứng tên hồ sơ công bố sản phẩm và phân phối sữa bột giả trên diện rộng.
Tính đến nay, đường dây này đã tung ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa bột giả, với doanh thu bất chính gần 500 tỷ đồng trong vòng 4 năm hoạt động.
Đáng chú ý, toàn bộ hoạt động kế toán – tài chính của hai công ty sản xuất chính đều do Cường và Hà trực tiếp điều hành, với nhiều dấu hiệu vi phạm quy định về kế toán và gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện, vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.