'Vòng vây' của stress

Ở thời hiện đại, con người phải thường xuyên đối mặt với những áp lực, căng thẳng (stress) trong công việc, học hành và nhiều mối quan hệ khác. Nếu không tìm được cách giải quyết, không tự giải tỏa, về lâu về dài sẽ đem đến những hệ quả tiêu cực gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính người đó; tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đang mùa thi cử, nhiều học sinh, sinh viên phải đối mặt với áp lực học hành. Ảnh minh họa: P.LIỄU

Áp lực cuộc sống luôn có hai mặt, vừa là động lực để mỗi người nỗ lực vượt qua, trưởng thành hơn và thành công hơn trong cuộc sống, nhưng cũng vừa là rào cản, làm không ít người nhụt chí, thậm chí bế tắc.

Nhận diện stress

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), stress là trạng thái thần kinh bị căng thẳng do nhiều nguyên nhân gây ra, như: áp lực trong công việc, học tập, thi cử, gia đình xáo trộn, bệnh tật, tuổi tác… cùng nhiều vấn đề khác. Tỷ lệ người bị stress chủ yếu ở các đô thị lớn.

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai xảy ra một số trường hợp bị stress kéo dài do túng quẫn về kinh tế, bị ngoại tình, mâu thuẫn gia đình, thua lỗ trong làm ăn, nợ nần, thất bại trong thi cử, bị cưỡng bức hoặc bế tắc trong cuộc sống… đã tự gây hại cho bản thân hoặc tìm đến cái chết để giải tỏa.

Chẳng hạn như ngày 4-1-2024, Hồ Văn Ban (ngụ xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã chém vợ và con (gần 1 tuổi) tử vong rồi đắp chăn che giấu thi thể. Sau đó, hung thủ tự tử nhưng được phát hiện cứu sống kịp thời. Theo lời khai của hung thủ với công an, hung thủ thường xuyên bị hoang tưởng, luôn có ý nghĩ vợ sẽ giết mình nên hai người xảy ra mâu thuẫn.

Theo kết quả nghiên cứu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), về nguy cơ rối loạn tâm thần tại các nước châu Á, tại Việt Nam tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 14,1% dân số (tương đương 14 triệu người). Tuy nhiên, khoảng trống điều trị bệnh lý tâm thần hiện nay vẫn còn rất lớn (ước tính 90%). Việc người bị stress không được điều trị kịp thời đã tạo ra gánh nặng rất lớn về chi phí y tế khi phải điều trị các bệnh thực thể cho người bệnh có nguyên nhân đến từ các rối loạn tâm thần.

Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay cũng xảy ra một số vụ nhảy cầu Đồng Nai, cầu Hóa An tự tử. Đa phần nguyên nhân đều xuất phát từ những bế tắc trong cuộc sống mà nạn nhân không thể tự mình giải quyết. Trong các vụ việc này, có thể thấy có trường hợp lẽ ra không phải có kết cục tiêu cực nếu sớm nhận diện được mình đang bị stress và được điều trị, giải tỏa kịp thời.

Stress là một phần của cuộc sống, xâm chiếm vào mỗi người từ từ nên khó nhận ra; khi stress quá mức dẫn đến tình trạng trầm trọng, làm tổn thương tâm thần hoặc gây hại cho bản thân thì đã muộn.

Trong một hội thảo về sức khỏe tâm thần do WHO phối hợp với Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10-2023, ông Lại Đức Trường, đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, trong cuộc sống ai cũng phải đối mặt với stress, nhưng muốn thoát ra khỏi “vòng vây” của stress thì phải nhận diện được kẻ giấu mặt này.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của WHO, Việt Nam hiện có hơn 14 triệu người bị rối loạn tâm thần (gọi chung là stress), nhưng khả năng nhận diện được bản thân đang bị stress và xem là căn bệnh cần phải điều trị của người Việt Nam lại quá thấp, do hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chưa thực sự được quan tâm.

Theo WHO, có 3 dạng stress, đó là: stress cấp tính (căng thẳng thường gặp, xảy ra bất ngờ và nhanh biến mất); stress cấp tính kéo dài (thời gian các căng thẳng biến mất kéo dài hơn, có khi một vài ngày hoặc một vài tuần); stress mạn tính (các triệu chứng căng thẳng lặp lại nhiều tháng hoặc nhiều năm, khó biến mất và khó điều trị dứt điểm). Cho nên, nhận diện được những biểu hiện bị stress là việc rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa những tác động tiêu cực do stress mang lại.

Quan sát người bệnh trong cuộc sống hàng ngày, người bị stress thường có những biểu hiện như: rối loạn trí nhớ, hay quên; không tập trung làm việc, học hành, độ phán đoán kém; thường xuyên lo âu, buồn rầu, chán nản, hay cáu gắt, cộc cằn, khó giữ bình tĩnh; luôn có cảm giác cô đơn hoặc tự cô lập bản thân. Còn những biểu hiện thực thể, người bị stress nặng cảm thấy đau nhức toàn thân, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, mất ngủ hoặc ngủ li bì, dễ bị rối loạn tiêu hóa, hay chóng mặt, buồn nôn, đau ngực, hồi hộp, mất ham muốn tình dục...

Tác hại tiêu cực từ stress kéo dài

Thông tin từ Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, hiện nay số ca bệnh bị các rối loạn tâm thần đang có xu hướng gia tăng và ở nhiều lứa tuổi. Nhiều ca nhập viện không chỉ để điều trị các hội chứng về tâm thần như: trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm lý... mà còn phải điều trị các bệnh thực thể nguy hiểm như teo não, tim mạch, đột quỵ

Khi cuộc sống, công việc quá căng thẳng, áp lực, mỗi người nên dành thời gian đến với môi trường thiên nhiên để tự “chữa lành” các tổn thương của mình. Ảnh:C.T.V

Gần nửa năm qua, cứ mỗi 2 tuần, người nhà của bà V.T.A.X. (45 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) phải đưa bà X. đến Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 để điều trị trầm cảm và bệnh teo não.

Ông V.N.D., em trai bà X. cho biết, chị gái của ông trải qua một biến cố lớn khi người chồng lấy toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình (khoảng 3 tỷ đồng) đầu tư tiền ảo trên mạng và bị thua lỗ. Để gỡ gạc, chồng bà X. lại âm thầm cầm cố căn nhà đang ở, lấy hơn 1 tỷ đồng nữa tiếp tục đầu tư nhưng cũng trắng tay. Ông này đã trốn đi gần 1 năm nay để lại cho bà X. cùng 3 người con một khoản nợ nần lớn và nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ. “Do quá sốc, chị tôi trầm cảm nặng, bỏ ăn, bỏ ngủ. Nhiều lần có biểu hiện muốn tự vẫn nên gia đình lúc nào cũng phải có người canh chừng” - ông V.N.D. đau buồn cho biết.

Những trường hợp phải điều trị cả các bệnh liên quan đến tâm thần lẫn thực thể như bà X. là không ít. Nếu rơi vào trạng thái stress thường xuyên, kéo dài mà không được chăm sóc, điều trị sẽ đem lại nhiều tác hại cho sức khỏe.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thắng, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 cho biết, nếu bị stress kéo dài và nặng nề, người bệnh không chỉ mang những tổn thương về thần kinh, tâm lý bất ổn mà còn bị nhiều bệnh tật thực thể khác, trong đó có 4 bệnh nguy hiểm.

Cụ thể như: teo não và suy giảm trí nhớ là căn bệnh ảnh hưởng đầu tiên của stress. Do khi bị căng thẳng kéo dài, các tế bào não bộ bị thiếu oxy và sẽ hoạt động kém hiệu quả, thậm chí các tế bào này ngày một chết dần. Kế đến là các chứng liên quan đến dạ dày như: bệnh trào ngược thực quản, viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Đối với những trường hợp bị stress mạn tĩnh, thể nặng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch rất cao, bởi stress gây ra những rối loạn về nhịp tim, giảm lượng máu đưa đến tim, dẫn tới những bất thường trong hoạt động tim mạch và gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

“Nhiều nghiên cứu của ngành tâm thần cho thấy stress là “bạn đồng hành” của nguy cơ đột quỵ. Những người thường xuyên có những cảm xúc quá độ, căng thẳng kéo dài, mức độ nặng nề có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp 3 lần với người bình thường” - tiến sĩ Nguyễn Hữu Thắng cho biết.

Do đó, theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Thắng, bản thân người bị stress hoặc người nhà của bệnh nhân khi phát hiện bản thân hoặc người thân có những triệu chứng nghi ngờ nói trên, cần tự mình giải tỏa bằng việc không nghĩ đến, hoặc tâm sự với gia đình, bạn bè hoặc đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, chia sẻ và được hướng dẫn cách vượt qua stress, để các căng thẳng này không tích tụ gây ra những thể trạng nặng nề hơn.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/vong-vaycua-stress-0dd60a9/