Vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản
Việt Nam vẫn là một trong những thị trường bất động sản (BĐS) được săn đón nhất trong khu vực nhờ được hậu thuẫn bởi các nền tảng vững chắc. Các chủ đầu tư BĐS bán lẻ trong và ngoài nước bắt đầu đẩy mạnh mở rộng thị phần bằng những kế hoạch đầy tham vọng trong năm 2023.
Thị trường tiềm năng
Vào hồi đầu tháng 2 năm nay, nhà đầu tư đến từ Singapore, Keppel Land thông qua một công ty thành viên đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Khang Điền (tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực BĐS) để hợp tác phát triển các dự án khu dân cư cũng như phát triển đô thị bền vững tại TPHCM.
Ông Louis Lim - Giám đốc điều hành Keppel Land tại buổi ký kết đã cho biết: Chúng tôi cam kết mở rộng sự hiện diện của Keppel Land tại Việt Nam, một trong những thị trường trọng điểm với tiềm năng phát triển lâu dài trong tương lai.
Khi chia sẻ về thị trường BĐS nói chung, ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers (Việt Nam) cũng đã nhấn mạnh rằng, thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến các thương vụ đầu tư quy mô lớn. Các phân khúc hồi phục tốt nhất là nhà ở, công nghiệp và bán lẻ, nhờ duy trì sức cầu và tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Cụ thể, ông David Jackson cho rằng hiện nay, thị trường có vẻ yên ắng ở bề nổi do giao dịch chững lại. Tuy nhiên, thực chất thị trường đang chuyển mình mạnh mẽ với các thương vụ M&A giá trị lớn, kỳ vọng hoàn tất trong thời gian tới.
Dữ liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dẫu vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào đổ vào ngành kinh doanh BĐS trong tháng 3 chỉ đạt 766 triệu USD, giảm mạnh so với tháng 2 nhưng trong tổng thể các ngành hút vốn ngoại vẫn đứng thứ 2 chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trước đó, vào tháng 2 hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 396,9 triệu USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Như vậy, vốn FDI rót vào ngành BĐS luôn chiếm tỷ trọng lớn. 2/3 doanh nghiệp (DN) FDI tham gia lĩnh vực BĐS Việt Nam đều là DN có quy mô lớn, hình thức ngày càng đa dạng, chất lượng hơn. Nhiều phân tích cũng chỉ ra, rằng sở dĩ vốn ngoại tăng mạnh ở lĩnh vực BĐS là bởi nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung, cũng như ngành BĐS nói riêng.
Các thông tin đang đưa đến một nhận xét chung, Việt Nam được đánh giá là một trong những ngôi sao mới trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Trong báo cáo mới nhất vừa công bố của Công ty Cushman & Wakefield về triển vọng thị trường BĐS Đông Nam Á năm 2023, BĐS Việt Nam "lọt mắt xanh" nhà đầu tư ngoại. Bất chấp lạm phát và lãi suất gia tăng, năm 2022 là một năm bội thu của thị trường BĐS Đông Nam Á với tổng khối lượng đầu tư đạt 18,8 tỉ USD, đây là mức đầu tư cao nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Chuyên gia trong lĩnh vực BĐS ông Nguyễn Quốc Anh cũng cho rằng, thị trường xuất hiện nhóm “người chơi mới”, là một ẩn số với các DN, quỹ đầu tư… đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường BĐS thông qua mua bán – sáp nhập, thu mua quỹ đất với những DN BĐS phù hợp hoặc tự thành lập DN BĐS để phát triển sản phẩm riêng.
Tân dụng nhiều ưu thế
Ông John Campbell - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam phân tích: Thị trường BĐS Việt Nam đang được hưởng lợi từ những ưu thế đến từ quá trình mở cửa biên giới, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định và mức thuế DN hấp dẫn. Thị trường BĐS công nghiệp Việt đang phát huy điểm sáng trong việc tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Chuyên gia Savills Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp và sản xuất sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc thu hút dòng vốn ngoại với sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài về đất công nghiệp và nguồn cung xây sẵn chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay, việc tìm kiếm nguồn cung đất công nghiệp đang trở thành một bài toán khó cho các DN, khi tỷ lệ lấp đầy luôn đạt mức cao.
Để có thể hỗ trợ tốt nhất về nguồn cung nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, vấn đề về mặt thủ tục đầu tư, pháp lý và quy trình phê duyệt dự án cần được đẩy nhanh hơn. Các chủ đầu tư cũng kỳ vọng tiến độ, quy trình bồi thường và giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn, đồng thời có thể được tạo điều kiện nhận giấy phép, bản đồ quy hoạch tổng thể, giấy chứng nhận xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... trong thời gian sớm nhất có thể.
Tuy nhiên giới chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường BĐS Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các DN kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý vẫn là gốc rễ của vấn đề này và làm giảm đi sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào thị trường.
Để trở thành điểm thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhiều ý kiến cho rằng cần thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Điều này liên quan đến các phân khúc chủ đạo như nhà ở, bán lẻ, văn phòng, BĐS công nghiệp... và cần phải tạo điều kiện cho các DN để đầu tư vào các sản phẩm này.
Ông Eric Park - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Dịch vụ BĐS Hàn Quốc cho rằng,: Đối với BĐS Việt Nam, các nhà đầu tư quốc tế đều đánh giá đây là thị trường rất tiềm năng, đang phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, luôn nằm trong nhóm thị trường ưu tiên đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, thẩm định pháp lý trước khi đầu tư vào các chung cư cao cấp.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/von-ngoai-do-manh-vao-bat-dong-san-5715137.html