Sầu riêng - vận may của người nông dân

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới, trong năm 2023, các quốc gia Đông Nam Á, chủ yếu là Thái Lan, Việt Nam, Malaysia đã xuất khẩu một lượng sầu riêng trị giá 6,7 tỉ USD, trong đó Trung Quốc là thị trường chính, tăng gấp 12 lần so với 550 triệu USD năm 2017. Loại quả có mùi hoặc hấp dẫn, hoặc khó chịu tùy theo từng khẩu vị đang làm thay đổi cuộc đời của hàng trăm triệu nông dân…

1. Sầu riêng từ lâu đã được xem là đặc sản trong văn hóa ẩm thực ở các quốc gia Đông Nam Á. Một quả sầu riêng thường có kích thước bằng một quả bóng bầu dục và nếu bổ nó ra khi đã chín, sẽ tỏa ra mùi thơm nồng nặc đến mức nó bị cấm ở hầu hết các khách sạn phương Tây. Một trong nhiều ví dụ về các trường hợp do sầu riêng gây ra là năm 2019, khi một máy bay Boeing 767 với 243 hành khách cất cánh từ Vancouver, Canada với một lô sầu riêng trong khoang chứa hàng.

Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý an toàn hàng không Canada, phi hành đoàn nhận thấy “có mùi hôi ở khắp máy bay” ngay sau khi cất cánh. Lo sợ gặp sự cố, phi công yêu cầu tất cả mọi người đeo mặt nạ dưỡng khí, đồng thời xin hạ cánh khẩn cấp. Đến lúc kiểm tra khoang chứa hàng, mới biết thủ phạm là… sầu riêng!

Ông Trần Văn Nghĩa, người đưa giống sầu riêng Monthong về Việt Nam.

Ông Trần Văn Nghĩa, người đưa giống sầu riêng Monthong về Việt Nam.

Có thể nói, sầu riêng đã làm thay đổi vận may của rất nhiều nông dân, doanh nghiệp Đông Nam Á. Tại Thái Lan, diện tích vườn sầu riêng đã tăng gấp ba chỉ trong một thập kỷ, chủ yếu tập trung ở vùng Chanthaburi. Tuy nhiên ông Aat Pisanwanich, chuyên gia Thái Lan về thương mại quốc tế cũng nói thêm: “Trung Quốc hiện đã kiểm soát khoảng 70% hoạt động kinh doanh bán buôn sầu riêng”. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 5 vừa rồi, ông Aat Pisanwanic cho biết “các công ty bán buôn sầu riêng của Thái Lan có thể biến mất trong tương lai gần, mà thay vào đó là người Trung Quốc”.

Tại Campuchia, từ chỗ gần như chỉ có rải rác những cây sầu riêng hồi năm 1995 thì nay đã là hàng trăm hecta; còn tại Việt Nam, không ít nông dân chặt bỏ cây cà phê, cây tiêu, cây bơ, cây điều…, để thay thế bằng cây sầu riêng, nhưng công nghệ sau thu hoạch gần như vẫn dậm chân tại chỗ trong lúc thương lái Trung Quốc chẳng những chỉ là người mua mà còn là chủ của chuỗi cung ứng hậu cần. Họ đến những vùng trồng sầu riêng ở Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam rồi thuê người bản xứ đứng tên chủ doanh nghiệp. Không những thế, họ còn nghĩ ra cách làm hàng đông lạnh để vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa nhanh chóng quay vòng.

Ông Hữu, chủ một vựa thu mua sầu riêng ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết cứ mỗi kg sầu riêng ông mua được, thương lái Trung Quốc trả công cho ông 5 nghìn đồng: “Nếu chuyển sầu riêng nguyên trái bằng container 40 feet không đông lạnh từ Đồng Tháp ra cửa khẩu Tân Thanh thì chở được 20 tấn, tiền xe là 40 triệu đồng; nhưng đến nơi, sau khi tách vỏ chỉ còn khoảng 8 đến 10 tấn múi. Còn nếu chuyển sầu riêng thành phẩm - nghĩa là tách bỏ vỏ, chỉ lấy múi bằng container đông lạnh thì cũng chở được 20 tấn, tiền xe là 80 triệu đồng rồi khi đến Quảng Châu, Trung Quốc là đưa ra siêu thị ngay, không mất cả ngày chờ nhân công bóc vỏ, không tốn tiền dịch vụ thuê người đổ vỏ. Những chi phí này xem ra chẳng đáng là bao nhưng mỗi ngày có cả nghìn container sầu riêng qua biên giới thì họ tiết kiệm được số tiền lớn”.

Tuy nhiên, để có thể cung ứng hàng nghìn tấn sầu riêng chất lượng cao cho thương lái, nông dân ngày càng lo ngại về sự biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, giám đốc Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ với kênh truyền hình Chanel News Asia, Singapore (CNA): “Vấn đề chính của vụ thu hoạch năm nay là hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn làm giảm năng suất, giảm chất lượng của các vườn sầu riêng ở Việt Nam. Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới nếu chúng ta không hành động đủ nhanh để thực hiện các giải pháp…”.

2.Kể từ khi Trung Quốc chính thức nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam hồi tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đã tăng vọt, đạt 2,2 tỉ USD vào năm 2023, gấp 10 lần so với 2022, còn trong năm nay, ước đạt 3,5 tỉ USD, vượt qua sự thống trị của Thái Lan vốn là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang Trung Quốc. Cả nước hiện có 150.000 hecta sầu riêng với sản lượng ước đạt 1.2 triệu tấn, cao hơn mục tiêu 75.000 hecta do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra.

Các cơ quan quản lý nông nghiệp của Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng do lo ngại về tình trạng cung vượt cầu vì đến nay, Trung Quốc mới chỉ chấp thuận khoảng 13% các trang trại sầu riêng của Việt Nam đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường nước họ. Nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam cũng bày tỏ mối quan tâm hàng đầu về những nỗ lực nâng cao chất lượng sầu riêng Việt Nam nếu muốn cạnh tranh với các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.

Một vựa thu mua sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Một vựa thu mua sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Với nhiều nông dân Việt Nam, họ gọi sầu riêng là “quả vàng” vì một hecta sầu riêng mỗi mùa có thể mang lại lợi nhuận khoảng 70.000 USD trong lúc một hecta lúa hoặc cà phê mỗi năm chỉ thu được từ 6.000 đến 8.000USD. Hai thập kỷ trước, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng cùng gia đình chuyển từ tỉnh Phú Thọ đến huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Bắt đầu từ con số 0, sau 6 năm làm việc chăm chỉ, bà Hồng đã tiết kiệm đủ tiền để mua một mảnh đất nhỏ và bắt đầu trồng sầu riêng. Nhờ nhu cầu tăng cao ở Trung Quốc, giá cả cũng tăng nên đã mang về cho những người nông dân như bà Hồng hàng tỷ đồng sau mỗi vụ. Với diện tích chỉ khoảng 2 hecta, vườn sầu riêng của bà Hồng cho thu hoạch 47 tấn vào mùa trước, bán cho các thương lái với giá 84.000 đồng/kg. Bà nói: “Trừ 200 triệu đồng chi phí phân bón, tưới tắm, gia đình tôi lãi được 3,4 tỷ đồng”,

Tuy nhiên sự tăng trưởng này đang phải đối mặt với tương lai không chắc chắn - không chỉ vì biến đổi khí hậu mà còn vì tác động của các đập thủy điện trên sông Mekong. Ông Trần Văn Nghĩa, người trồng sầu riêng nói với CNA: “Hơn một nửa sản lượng sầu riêng của cả nước đến từ đồng bằng sông Cửu Long, nhưng những năm gần đây, thời tiết thay đổi và tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng đã đe dọa các vườn sầu riêng trong khu vực”.

Là người đầu tiên nhập khẩu giống sầu riêng Monthong từ Thái Lan cách đây hơn hai thập kỷ để trồng ở tỉnh Tiền Giang, ông Nghĩa đã hợp tác với các giáo sư đại học và chuyên gia nông nghiệp nhằm tìm kiếm và chia sẻ những kỹ thuật hiệu quả nhất. Ông nói: “Mối đe dọa lớn nhất với sầu riêng là nước mặn. Nếu nhiễm mặn, múi sầu riêng sẽ lép. Những nhà vườn như chúng tôi đang phải gánh chịu tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, điều này có nghĩa là nước biển sẽ đi sâu vào nội địa, lắm khi lên tới 100km, đặc biệt là trong mùa khô”. Tiến sĩ Trần Bá Hoàng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nói: “Năm nay, lưu lượng nước đổ về đồng bằng sông Cửu Long giảm đáng kể do các hồ chứa và đập ở thượng nguồn Trung Quốc, Thái Lan và Lào. Tình trạng xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng hơn bình thường do hiện tượng El Nino. Dự kiến vụ thu hoạch sầu riêng sẽ khó khăn vào những năm tới vì điều kiện thời tiết sẽ trở nên tồi tệ…”.

Cho đến nay, sự gia tăng tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc đang định hình lại chuỗi cung ứng. Việc vận chuyển sầu riêng bằng xe tải đến các điểm tập kết ở Kuala Lumpur, Singapore, Bangkok, Buôn Ma Thuột, Đồng Tháp, Việt Nam là tương đối dễ dàng nhưng đưa nó đến Quảng Châu, Bắc Kinh và xa hơn nữa thì không đơn giản nếu không có sự tham gia của thương lái Trung Quốc. Jiaoling Pan, sinh ra ở Nam Ninh, miền nam Trung Quốc, đến Thái Lan học đại học và hiện tại, công ty của cô là một trong những nhà xuất khẩu sầu riêng lớn nhất Thái Lan cho biết: “Nếu bạn không phải là người Trung Quốc hoặc không có sự giới thiệu, bảo đảm của người Trung Quốc, bạn sẽ rất khó tìm ra đầu mối mua sầu riêng của bạn ở đại lục. Tại tỉnh Chanthaburi hiện nay, mỗi ngày có khoảng 1.000 container vận chuyển sầu riêng đi Trung Quốc. Một số container được chất lên các toa xe lửa rồi theo đường sắt đến Trung Quốc sau khi đã quá cảnh đất Lào. Tất cả đều nằm trong những đường dây khép kín…”.

Trong những năm gần đây, sầu riêng đã trở thành trào lưu ẩm thực thời thượng ở Trung Quốc, nơi có hơn 1,4 tỷ người. Ngoài việc ăn tươi, nó còn được sử dụng trong các món tráng miệng và các loại bánh ngọt . Công ty Guangxi Xuan Ma Food, chuyên sản xuất thức ăn nhẹ đóng gói đã hài lòng khi doanh số bán bánh hương sầu riêng của mình tăng vọt từ 800.000 nhân dân tệ (110.097USD) hồi năm 2019 lên hơn 10 triệu nhân dân tệ (1.376.216USD) vào năm 2023.

Có thể nói, sầu riêng đã và đang thay đổi vận may với nông dân Đông Nam Á; nhưng làm thế nào để bảo vệ sự phát triển bền vững vẫn còn là vấn đề lớn, trong đó biến đổi khí hậu là mối đe dọa thường trực ở tương lai gần…

Vũ Cao (Theo Chanel News Asia)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/sau-rieng-van-may-cua-nguoi-nong-dan-i749467/