Vinaconex lãi thêm 38 tỷ đồng sau kiểm toán

Do chi phí giá vốn và chi phí quản lý tại một số đơn vị thành viên giảm, lợi nhuận sau soát xét của Vinaconex là 177 tỷ đồng, tăng 27% so với trước khi kiểm toán.

Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex tăng thêm 37 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - HoSE: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023, ghi nhận khoản chênh lệch lớn nhất là lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2023 tăng từ 139 tỷ đồng trong báo cáo tự lập lên 177 tỷ đồng ở báo cáo soát xét, tương ứng mức tăng 27%.

Trong văn bản công bố thông tin BCTC hợp nhất giữa niên độ, ông Nguyễn Xuân Đông – Tổng giám đốc Vinaconex cho biết lợi nhuận sau kiểm toán của VCG tăng mạnh so với báo cáo tự lập do chi phí giá vốn và chi phí quản lý tại một số đơn vị thành viên giảm.

Theo báo cáo soát xét, doanh thu thuần của Vinaconex đạt gần 6.532 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lao dốc từ 719,6 tỷ đồng xuống 177,2 tỷ đồng ở kỳ này do doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh.

Năm 2023, Vinaconex lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 16.340 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng, tăng 70% về doanh thu và giảm 8% về lợi nhuận so với mức thực hiện trong năm 2022. Với kết quả đạt được trong 6 tháng, công ty mới hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu và gần 20% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Liên quan tới tình hình hoạt động của doanh nghiệp, vào ngày 14/8, Vinaconex đã mua lại toàn bộ 140 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGH2126007, 220 tỷ đồng của mã VCGH2127008 và 140 tỷ đồng trong số 220 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGH2127009. Tổng số trái phiếu được mua lại theo mệnh giá là 500 tỷ đồng.

Cả 3 lô trái phiếu nói trên đều được phát hành vào ngày 15/6/2021, có thời hạn từ 66 - 78 tháng. Các lô trái phiếu được Vinaconex phát hành để tham gia hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) phát triển dự án Cát Bà Amatina. Các tài sản liên quan tới dự án này cũng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành.

Mỗi lô trái phiếu đều được mua trọn bởi một tổ chức tín dụng dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Tiên Phong.

Vinaconex liên tục mua lại trái phiếu trước hạn trong thời gian gần đây. Cụ thể, tính từ đầu tháng 8 đến nay, VCG có tới 7 lần mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 900 tỷ đồng. Tính rộng ra trong 8 tháng đầu năm 2023, VCG có 14 lần thực hiện điều này với tổng giá trị theo mệnh giá 1.900 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ngày 24/8 đã có thông báo về việc liên danh Vietur bao gồm 10 nhà thầu thành viên, trong đó có Vinaconex đã trúng gói thầu 5.10 - Dự án Sân bay Long Thành với tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vinaconex-lai-them-38-ty-dong-sau-kiem-toan-post26358.html