Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chính sách cho Bộ
Đó là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Viện).
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chúc mừng và đánh giá cao những thành tích mà Viện đã đạt được năm 2024. Thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, tôi chia sẻ tâm tư của lãnh đạo, cán bộ, viên chức người lao động của Viện trong bối cảnh có những thay đổi tới đây. Chủ trương sát nhập có tác động, nhưng không làm mất đi chức năng nhiệm vụ của Viện mà sau sát nhập Viện cần tiếp tục làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình để khẳng định vị thế với thành tích 50 năm xây dựng và phát triển…
Với những nhiệm vụ mà Bộ GTVT đã đặt hàng, Viện cần tập trung nỗ lực để hoàn thành tốt, xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT để thực hiện thành công khối lượng công việc đó.
Những kiến nghị của Viện, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy giao cho các đơn vị hữu quan của Bộ GTVT tháo gỡ để giải quyết khó khăn nhằm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao đời sống, chất lượng của đội ngũ cán bộ, viên chức… nhằm giữ và thu hút được lao động có trình độ cao gắn bó lâu dài với Viện.
Theo TS. Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, năm 2024 Viện đã tập trung điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành quốc gia về GTVT: Viện chủ trì phối hợp triển khai công tác rà soát 4 Quy hoạch cần điều chỉnh (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải) đảm bảo đồng bộ, hiệu quả với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như: Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Điều chỉnh Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Viện chủ động phối hợp với các cơ quan đầu mối hoàn thành phương án quy hoạch hợp phần GTVT của 3 Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng; Quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành GTVT như: Chủ trì, phối hợp 2 đơn vị tư vấn (A2Z, TEDI) triển khai Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trì, phối hợp các đơn vị tư vấn (TRICC, TEDI, TEDIS) hoàn thành trình Bộ GTVT thẩm định 3 Quy hoạch, đảm bảo đúng tiến độ: Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội; Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hồ Chí Minh; Quy hoạch một số ga Đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế; Phối hợp các đơn vị tư vấn (CMB, PORTCOAST, TEDIPORT) hoàn thành 5 Quy hoạch trình Cục Hàng hải Việt Nam: Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tham gia đóng góp ý kiến về phương án quy hoạch tổng thể tổ hợp ga Ngọc Hồi (TP. Hà Nội); cung cấp thông tin quy hoạch tuyến đường sắt số 8 liên quan đến quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2024, Viện được Bộ GTVT giao phối hợp thực hiện xây dựng một số thông tư nhằm hướng dẫn kịp thời để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nằm trong chương trình ban hành quy phạm pháp luật do Viện chủ trì, đã hoàn thành 3/3 nhiệm vụ: Nghiên cứu, xác định phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác được Chính phủ ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác; Xây dựng dự thảo thông tư quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính trong giao thông vận tải; Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030. Viện là thành viên Tổ biên soạn Sửa đổi Luật Đường sắt; tham gia tổ công tác liên ngành thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công điện số 2/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ "Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia".
Bên cạnh đó, Viện đã phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai xây dựng các thông tư quy định giá dịch vụ đăng kiểm. Tham mưu thông tư quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với phương tiện được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định. Tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Cũng theo TS. Khuất Việt Hùng trong năm 2024, Viện đã tập trung công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT về các lĩnh vực trong ngành GTVT ngày càng chủ động hơn, gắn với thực tiễn điều hành của Bộ, chất lượng công tác tham mưu cải thiện rõ rệt, đã hoàn thành 100% việc xây dựng các Đề án, nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL do Bộ giao. Đã triển khai 10 đề án đã cơ bản hoàn thành trình Bộ cụ thể: Đề án "Chiến lược nguồn nhân lực GTVT đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" hoàn thành trình Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt; Đề án "Dự báo Đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc - Nam", Đề án "Phát triển nguồn nhân lực đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Đề án "Định hướng phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Đề án "Định hướng giải pháp để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không"; Đề án "Cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch" được chuyển tiếp từ năm 2023; Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải thủy nội địa hành lang Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì" và Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải ven biển trên hành lang Bắc - Nam".
Hoàn thiện soạn thảo nhiều báo cáo tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 876; Báo cáo xây dựng Cơ chế - Chính sách khuyến khích phát triển phương tiện điện; Báo cáo Phương án kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Xây dựng định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; Phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của ngành GTVT.
Tích cực chủ động phối hợp với UBND các thành phố hoàn thiện 2 Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến năm 2035, đây là 2 Đề án quan trọng đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa vào chương trình làm việc nhằm tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố. Phối hợp tổ chức Tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và Giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư"; tổ chức thành công Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm".
Bên cạnh đó, Viện đã đẩy mạnh thực hiện đề tài và dịch vụ tư vấn KHCN, Viện đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các vụ, cục liên quan để xây dựng nhiệm vụ thường xuyên đảm bảo nguyên tắc các nhiệm vụ phải gắn với thực tiễn, giải quyết các vấn đề cấp thiết, phục vụ quản lý nhà nước do các vụ, cục thuộc Bộ yêu cầu. Đến nay, Viện đã hoàn thành đúng tiến độ 7 nhiệm vụ, đây là các sản phẩm cần thiết đối với công tác tham mưu phục vụ QLNN của Bộ như: Xác định phí sử dụng đường bộ; xây dựng định mức và hướng dẫn đối với công tác điều tra, khảo sát và dự báo giao thông; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong GTVT; định hướng phát triển nhân lực ngành giao thông vận tải...
Đến nay, Viện đã hoàn thành thực hiện 1 đề tài KHCN cấp Bộ năm 2024, chủ trì 2 đề tài thực hiện năm 2025 đã được Bộ GTVT phê duyệt và tiếp tục đăng ký bổ sung 1 đề tài theo đặt hàng của lãnh đạo Bộ về Nghiên cứu tác động của quy định ReFuelEU Aviation đối với ngành hàng không Việt Nam và đề xuất lộ trình phát triển bền vững với nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Bên cạnh đó, Viện đã cử nhiều chuyên gia, cán bộ lãnh đạo tham gia là thành viên trong các Hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch cấp vùng, quy hoạch cấp tỉnh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Chủ động phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng khung chương trình KHCN cấp gia giai đoạn đến năm 2030 về "Nghiên cứu KHCN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam" mã số KC.16/24-30, hoàn thành xây dựng Đề cương trình Bộ GTVT và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hoạt động dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ đã có nhiều đổi mới và đã thu được những thành tựu,Viện đã tích cực làm việc với các đơn vị trong và ngoài ngành để thúc đẩy các mảng dịch vụ tư vấn phù hợp với chức năng nhiệm vụ nhằm đa dạng hóa công việc. Thời gian tới đây, Viện sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục làm việc với các vụ, cục, ban quản lý dự án thúc đẩy các mảng dịch vụ tư vấn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đa dạng hóa công việc: Thẩm tra, đánh giá tác động giao thông, xây dựng định mức, dự báo lưu lượng giao thông… phối hợp với các địa phương, tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn để triển khai các hợp đồng dịch vụ tư vấn KHCN, tập trung vào các Đề án xây dựng cơ chế chính sách, phát triển GTVT, giao thông thông minh, logistics, các hợp đồng dịch vụ tư vấn lập dự án đầu tư, thẩm tra với công trình giao thông…
Hợp tác trong và ngoài nước đã được triển khai trên nhiều bình diện, Viện đã tập trung tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức như: Tổng công ty Quản lý bay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Trường Đại học GTVT, Tạp chí GTVT, Báo Giao thông… và các đơn vị tư vấn thiết kế (TEDI, CMB, TRICC, Tedi South, A2Z..) để tìm kiếm công việc, nâng cao chất lượng công tác tham mưu về lĩnh vực GTVT.
Một trong những điểm sáng năm 2024, Viện đạt được là đẩy mạnh hợp tác quốc tế phối hợp với các trường đại học, tổ chức quốc tế về phát triển bền vững, giao thông thông minh, giao thông xanh, quy hoạch, logistics, an toàn giao thông…: Hợp tác trong khuôn khổ APEC, Hợp tác khuôn khổ Mê Kông - Hàn Quốc, Hợp tác với các tổ chức Liên hợp quốc, Hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Hợp tác với GIZ, Hợp tác với các đối tác của Nhật Bản, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Hoa Kỳ…