Vì sao tỷ lệ trầm cảm giai đoạn tiền mãn kinh tăng?

Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn.

1. Phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn giai đoạn sau

NỘI DUNG

1. Phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn giai đoạn sau

2. Một vài hạn chế của nghiên cứu

Đối với nhiều phụ nữ, tiền mãn kinh là giai đoạn thay đổi về cảm xúc và thể chất, với các giai đoạn mãn kinh khác nhau có liên quan đến nguy cơ mắc các triệu chứng và chẩn đoán trầm cảm khác nhau.

Tiền mãn kinh là giai đoạn trước khi mãn kinh được đặc trưng bởi sự suy giảm dần dần chức năng buồng trứng và chấm dứt những năm sinh sản, xảy ra khoảng 3-5 năm trước khi bắt đầu kết thúc kỳ kinh nguyệt cuối cùng của phụ nữ.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các giai đoạn mãn kinh khác nhau có liên quan đến nguy cơ cao mắc các triệu chứng và chẩn đoán trầm cảm. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone của phụ nữ bắt đầu dao động, khiến họ thay đổi tâm trạng, chu kỳ kinh nguyệt không đều và kèm theo các triệu chứng mãn kinh khác, bao gồm cả cảm giác trầm cảm gia tăng.

Phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ trầm cảm cao hơn so với giai đoạn mãn kinh.

Phụ nữ tiền mãn kinh có nguy cơ trầm cảm cao hơn so với giai đoạn mãn kinh.

Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học London (Vương quốc Anh) được công bố trên Tạp chí Rối loạn cảm xúc, nguy cơ trầm cảm ở giai đoạn tiền mãn kinh tăng 40% so với giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy nguy cơ trầm cảm tăng đáng kể ở giai đoạn sau mãn kinh so với phụ nữ tiền mãn kinh.

Những phát hiện này dựa trên phân tích tổng hợp của 7 nghiên cứu liên quan đến 9.141 phụ nữ trên khắp thế giới (bao gồm Úc, Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan và Thụy Sĩ), để hiểu liệu các giai đoạn khác nhau của thời kỳ mãn kinh có liên quan đến nguy cơ trầm cảm khác nhau như thế nào.

Các triệu chứng được đo lường bằng các công cụ tự báo cáo được tiêu chuẩn hóa và được quốc tế công nhận, bao gồm Bảng câu hỏi sức khỏe bệnh nhân PHQ-9 (xem xét các yếu tố như thiếu hứng thú làm việc, các vấn đề về giấc ngủ và cảm giác tâm trạng chán nản).

Các tác giả cho biết, estrogen đã được phát hiện có ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, norepinephrine, β-endorphin và serotonin, tất cả đều có vai trò trong trạng thái cảm xúc.

Tác giả cấp cao, Tiến sĩ Roopal Desai (Khoa học Ngôn ngữ và Tâm lý học Đại học London) cho biết: Nghiên cứu này cho thấy phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn đáng kể so với trước hoặc sau giai đoạn này. Những phát hiện của nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thừa nhận rằng phụ nữ trong giai đoạn này của cuộc đời dễ bị trầm cảm hơn.

Theo Giáo sư Aimee Spector (Khoa học Ngôn ngữ và Tâm lý học Đại học London), đồng tác giả nghiên cứu, phụ nữ mất nhiều năm trong đời để đối mặt với các triệu chứng mãn kinh có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ. Điều này cũng góp phần khẳng định sự cần thiết phải cung cấp hỗ trợ và sàng lọc cho phụ nữ để giúp giải quyết các nhu cầu sức khỏe tâm thần của họ một cách hiệu quả.

2. Một vài hạn chế của nghiên cứu

Tuy nhiên, có những hạn chế nhất định của nghiên cứu. Kết hợp dữ liệu từ các nghiên cứu toàn cầu cho thấy rằng những phát hiện này không thể chỉ quy cho các yếu tố văn hóa hoặc thay đổi lối sống mà đôi khi được sử dụng để giải thích các triệu chứng trầm cảm mà phụ nữ phải đối mặt.

Tiêu chí và thước đo được sử dụng trong các nghiên cứu khác nhau để đánh giá các giai đoạn mãn kinh và trầm cảm là khác nhau, dẫn đến sự khác nhau trong một số kết quả. Ngoài ra, chỉ có một số nghiên cứu hạn chế để so sánh giai đoạn tiền mãn kinh với giai đoạn sau mãn kinh.

Vì mỗi nghiên cứu được điều chỉnh theo các đồng biến có thể ảnh hưởng đến kết quả nên các nhà nghiên cứu không thể giải thích liệu những phụ nữ tham gia có tiền sử trầm cảm trước đó hay không, điều này được cho là có liên quan trong các nghiên cứu trước đây.

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-ty-le-tram-cam-giai-doan-tien-man-kinh-tang-169240520204922764.htm