Vì sao người tiêu dùng không chấp nhận lời xin lỗi của người nổi tiếng?
Nhiều người nổi tiếng đã phải công khai xin lỗi vì hành vi quảng cáo lố, thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng thành sữa. Tuy nhiên, rất nhiều người tiêu dùng đã không chấp nhận và đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ hành vi sai phạm, xử lý nghiêm.

Ảnh minh họa
Trước làn sóng giận giữ của dư luận sau khi cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất tiêu thụ gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả, nhiều người nổi tiếng từng thực hiện quảng cáo hô biến các loại thực phẩm chức năng thành sữa đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng như BTV Quang Minh, Vân Hugo... đã lần lượt lên tiếng xin lỗi sau khi bị chỉ trích vì quảng cáo “lố”, thổi phồng công dụng sai sự thật cho các sản phẩm thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ bức xúc và không chấp nhận những lời xin lỗi này.
Nhiều người đã thẳng thắn chỉ trích những người nổi tiếng và cho rằng, không thể cứ đi quảng cáo sai sự thật, đẩy người tiêu dùng vào những cái “bẫy lừa”, khiến họ rơi vào cảnh tiền mất tật mang, rồi lại lên mạng nói vài lời xin lỗi với đủ thứ lý do là coi như xong chuyện.



Cộng đồng phản ứng không chấp lời xin lỗi của người nổi tiếng sau khi bị phanh phui hành vi quảng cáo "lố" trên các diễn đàn mạng xã hội
Cư dân mạng Hà Nguyễn bức xúc chia sẻ: “Chỉ vì tin theo chị Vân Hugo mà tôi đã mua sản phẩm Hiup và luôn nghĩ nó là sữa tăng chiều cao để cho con mình sử dụng. Đến giờ tôi mới biết nó không phải là sữa như chị ta quảng cáo sai sự thật. Thế mà chị ta còn lên mạng nói lời xin lỗi thiếu trung thực như vậy, tôi mong cơ quan chức năng cần làm rõ các hành vi sai phạm của Vân Hugo và xử lý nghiêm minh”.
Cư dân mạng cũng chia sẻ hình ảnh Vân Hugo có đăng tải lời xin lỗi trên trang cá nhân, trong đó nữ MC này vẫn gọi sản phẩm thực phẩm Hiup là sữa, và còn cho rằng vẫn cho con mình dùng sữa này. Sự thật thì sản phẩm này không phải là sữa, chỉ là thực phẩm bổ sung. Do vậy, việc nữ MC này vẫn gọi sản phẩm là sữa đã khiến cộng đồng mạng càng thêm bức xúc.
Nhiều người bày tỏ, câu chuyện người đi quảng cáo “lố” đã bị báo chí và dư luận phanh phui rất nhiều. Sau đó họ lên tiếng xin lỗi và cho rằng bị hiểu lầm, không xem kỹ tài liệu về sản phẩm là ngụy biện, nên thật khó chấp nhận những lời xin lỗi này.
Trước đó, đã từng có những nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi vì hành vi quảng cáo “lố” tương tự, nhưng chỉ được một thời gian sau, cộng đồng mạng lại phát hiện họ xuất hiện quảng cáo cho các sản phẩm khác như diễn viên MC C.T, Q.L, H.V.
Do vậy, các cư dân mạng cũng chỉ ra điểm chung của những nghệ sĩ, người nổi tiếng trong lời xin lỗi là: Nhận trách nhiệm cá nhân, khẳng định không cố ý vi phạm và hứa cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phía công chúng và chuyên gia cho rằng việc “xin lỗi sau khi bị phát hiện” là chưa đủ, và cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng - những người có sức ảnh hưởng lớn đến quyết định tiêu dùng của hàng triệu người dân.
Điều đáng nói, trong số gần 600 loại sữa bị lực lượng chức năng xác định là hàng giả, có nhiều loại dành cho người bị suy thận, tiểu đường, trẻ sinh non thiếu tháng và cả phụ nữ đang mang thai. Và rất nhiều loại sữa giả trong đường dây này đã được những người nổi tiếng quảng cáo trên không gian mạng, khiến nhiều người tin dùng.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình
Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình: "Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể bị hạn chế hoạt động nghệ thuật hoặc xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Mức xử phạt dự kiến tăng nặng hơn, nhất là sẽ có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng".
Do vậy, sự việc càng trở nên nghiêm trọng, và mọi lời xin lỗi lúc này đều khó được cộng đồng chấp nhận, thay vào đó là những lời đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò và trách nhiệm của những người nổi tiếng để có những biện pháp xử lý nghiêm minh.
Ngày 15/4 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) yêu cầu xử lý một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm.