Vì sao cách tính lương hưu có sự phân biệt giữa nhà nước và ngoài nhà nước?
Người lao động khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước được trả lương theo năng suất, nên nếu tính lương hưu theo những năm đóng BHXH cuối cùng chưa hẳn được lợi
Tại Hội thảo lấy ý kiến người lao động về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP HCM mới đây, có nhiều ý kiến cho rằng đang có sự bất bình đẳng trong cách tính lương hưu của người lao động làm việc trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
Theo đó, Luật BHXH hiện hành quy định người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì lương hưu được tính căn cứ vào bình quân tiền lương tháng của một số năm đóng bảo hiểm xã hội cuối trước khi nghỉ hưu. Trong khi người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian dẫn đến lương hưu thấp.
Giải đáp về sự phân biệt này, Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), cho hay trước đây chính sách BHXH chỉ áp dụng cho khu vực nhà nước, sau đó mới mở rộng ra khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cột mốc đáng chú ý là năm 1995, quỹ BHXH tách độc lập khỏi ngân sách nhà nước, bắt đầu thực hiện theo cơ chế đóng hưởng. Lý do thời điểm đó không thực hiện cách tính lương hưu thống nhất giữa 2 khối là vì khu vực ngoài nhà nước có đặc thù riêng. Không phải cứ đóng BHXH lâu thì được lương hưu cao vì người lao động làm việc và trả lương theo năng suất. Nếu tính theo một số năm cuối thì sẽ có người được lợi nhưng cũng có người thiệt thòi hơn. Ở khu vực nhà nước, về cơ bản người lao động được trả lương theo thâm niên, nhưng thực tế với cách tính lương hưu căn cứ vào những năm cuối cũng có một số số người bị thiệt thòi.
Qua các lần sửa đổi luật đều theo nguyên lý và xu hướng hướng tới khu vực nhà nước và ngoài nhà nước bình đẳng như nhau là tính lương hưu trên toàn bộ quá trình đóng, song không thể thay đổi ngay lập tức mà cần có lộ trình.
Liên quan đến đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, theo ông Cường chỉ nhắm đến nhóm đối tượng tham gia muộn, tích kỹ quá trình đóng đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 20 năm. Còn những người có thời gian đóng đủ 20 năm trở lên thì không bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Đối với câu hỏi tại sao trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi không còn quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bằng mức lương cơ sở, ông Cường cho hay định hướng sắp tới sẽ không còn "lương cơ sở". Bên cạnh đó, trong dự thảo có đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, đồng thời với mong muốn sàn đóng BHXH mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với mức đóng thấp nhất bằng 50% mức lương tối thiểu vùng, mức lương hưu sẽ tính trên nguyên tắc đóng- hưởng.