Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toànTin khácBáo chí Lạng Sơn tiếp tục đổi mới, đồng hành cùng sự phát triển của tỉnhPhát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo

Hiện mô hình điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được các bên chú trọng triển khai. Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn này không dễ thực hiện, vì nhiều lý do. Do vậy, luôn cần đến sự chung tay của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Đại diện lực lượng chức năng phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) tư vấn điều trị cai nghiện tại cộng đồng cho người sử dụng ma túy (người phía bên phải).

Đại diện lực lượng chức năng phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) tư vấn điều trị cai nghiện tại cộng đồng cho người sử dụng ma túy (người phía bên phải).

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), cả nước hiện ghi nhận hơn 217.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 11.000 trường hợp so với cuối năm 2021), gần 60.000 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đối tượng nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy ở nhiều độ tuổi, nhưng tập trung nhiều ở nhóm người trẻ. Loại ma túy các đối tượng sử dụng chủ yếu là ma túy tổng hợp, gây hại cho sức khỏe thể chất, tâm thần nên cần được điều trị cai nghiện càng sớm càng tốt.

Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trần Ngọc Túy cho biết, hiện nay các cơ quan chức năng triển khai cùng lúc nhiều mô hình cai nghiện. Trong đó, mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng có nhiều thuận lợi vì trong quá trình điều trị, người nghiện, người sử dụng ma túy vẫn sống tại cộng đồng, có thể duy trì học tập, làm việc.

Theo thống kê, đến cuối tháng 5-2022, cả nước có 19 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng với tổng số 89 điểm cung cấp dịch vụ cai nghiện. Tại Hà Nội, mô hình được các bên liên quan triển khai sớm với nhiều dịch vụ, nổi bật là các “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”, “Mô hình tăng cường hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người sử dụng ma túy” đặt tại các quận: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì.

Mặc dù, dịch vụ hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy được đưa về cơ sở nhưng số người lựa chọn cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng không nhiều. Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, 19 tỉnh, thành phố có mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mới tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho hơn 2.000 người, bằng hơn 5,7% tổng số người điều trị cai nghiện cùng thời gian (5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 35.000 người điều trị cai nghiện). Ở Hà Nội, tỷ lệ người nghiện ma túy điều trị tại gia đình, cộng đồng tuy cao hơn, nhưng cũng mới đạt gần 9,5% tổng số người điều trị cai nghiện trong 5 tháng đầu năm 2022 (171 người/tổng số 1.235 người).

Nguyên nhân là do nhiều người nghiện, người sử dụng ma túy chưa chủ động phối hợp điều trị cai nghiện. Ngoài ra, từ năm 2021 trở về trước, quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng còn chồng chéo, chưa rõ trách nhiệm, nên một số địa phương chưa chú trọng triển khai sao cho hiệu quả. Từ đầu năm 2022 đến nay, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn, nhưng triển khai chưa lâu, nên chưa thực sự đi vào đời sống…

Nhằm nâng cao hiệu quả cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cùng với công tác tuyên truyền, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, quy định rõ trách nhiệm của từng người, từng khâu. Chất lượng dịch vụ hỗ trợ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng được các bên chú trọng lựa chọn.

Từ thực tế triển khai, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, thành phố tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đăng ký cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ cai nghiện tùy theo khả năng, năng lực. Đó là các dịch vụ: Tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy xây dựng kế hoạch cai nghiện; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách… Cai nghiện ma túy là một lĩnh vực chuyên biệt, trên thế giới cũng chưa có phương pháp, mô hình nào điều trị tối ưu với tất cả người nghiện ma túy. Tuy nhiên, việc gì khó vẫn có thể đạt hiệu quả khi có sự chung tay của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Hy vọng, các bên cùng nỗ lực nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng khỏe mạnh và an toàn.

Theo Hanoimoi

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/507825-vi-mot-cong-dong-khoe-manh-va-an-toan.html