Về lại cánh rừng xưa dinh Thầy Thím
Mùa lễ hội văn hóa dinh Thầy Thím năm nay do còn ảnh hưởng bởi tình hình của đại dịch Covid-19 sẽ không diễn ra. Nhưng với nguồn tin, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch ban hành quyết định lễ hội dinh Thầy Thím vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tức sau 24 năm kể từ khi được Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật dinh Thầy Thím.
Về lại cánh rừng xưa dinh Thầy T
Lễ hội văn hóa dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) là một trong số ít lễ hội lớn của tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là yếu tố có vai trò quan trọng đến việc khai thác và phát triển du lịch của địa phương. Hàng năm những ngày giữa tháng 9 âm lịch, khách thập phương và trong tỉnh về làng biển thơ mộng Tam Tân ngày xưa có dinh Thầy Thím linh thiêng để cúng bái, nguyện cầu điều an lành, may mắn trong cuộc sống. Điều kiện đường sá, giao thông thuận lợi, đời sống xã hội khá hơn, cho nên những năm sau này số lượng khách phương xa về đây phải tính đến hàng vạn người. Khu rừng ven biển hoang sơ ngày nào nay trở thành con phố của dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng…
Đất xưa bàu cái, bàu thông…
Ngày xưa dinh Thầy Thím nằm lẩn khuất dưới những tán rừng dầu nguyên sinh cổ thụ chỉ là một ngôi miếu đơn côi quạnh quẽ. Nhưng với dân làng chài Tam Tân coi đây là bậc nhân thần có phép thuật cao, cứu nhân độ thế. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, ngôi miếu cũng chung số phận bao phen bị tàn phá rồi lại được tạo dựng lớn hơn.
Sau ngày thống nhất đất nước (1975), đường từ xóm biển vào dinh vẫn là con đường mòn mà dân làng vào ra hương khói hay cúng giỗ Thầy Thím. Nay là con đường cạnh chùa Quảng Hương và vạn Tân Phú. Từ một bến xe bò để chở đồ cúng lễ và người già yếu, phải vượt qua động cát và bàu nước cạn Đường Ván, lưa thưa cây tràm luôn thơm ngát nhụy hoa, dài hơn cây số mới đến dinh. Khoảng năm 1996, ông Trần Việt Hải - Chủ tịch UBND xã Tân Hải với một tầm nhìn có tính đột phá mà mang lại một giá trị trong quy hoạch sau này, khi ông cho dời bến xe vào dinh về khu đất cát hoang dưới chân Dốc Ông Bằng, ngảnh Tam Tân. Tạo nên tiền đề về phát triển du lịch đối với cung bờ biển đẹp 48 km, kéo dài từ Kê Gà đến Bình Châu (Hàm Tân cũ). Bấy giờ cụm từ phát triển du lịch còn khá khiêm tốn trong khái niệm về vùng đất tiềm năng này. Đặc biệt, địa phương cũng có quan điểm thật mạnh mẽ khi đầu tư nâng tầm lễ giỗ Thầy Thím hàng năm gắn với nhu cầu khách tham quan, du lịch đến với không gian biển trời cát trắng, nắng vàng của ngảnh Tam Tân.
Lễ hội dinh Thầy Thím (ảnh tư liệu). Ảnh: Đình Hòa
Cách đây khoảng 25 năm về trước, ngày giỗ Thầy Thím 14, 15, 16 tháng 9 âm lịch, lượng người từ các nơi dồn về nhộn nhịp. Đoạn đường Hiệp An còn lầy lội, cả cây số xe ô tô lớn nhỏ thường bị nghẽn lại. Đường vào dinh từ bến xe mới ngày nay, khách thập phương chỉ đi bộ hoặc bằng những chuyến xe bò đôi kẽo kẹt… Cây rừng lúc ấy còn rậm rạp đã làm xúc động với những hình ảnh thành tâm, thanh sạch của khách hành hương, không chỉ trong mấy ngày lễ chính mà còn kéo dài cả tháng, trở thành “mùa lễ hội” là thế… Ngảnh Tam Tân ngày ấy là một cánh rừng dương xanh quyến rũ, cũng chỉ vài gian hàng bán buôn hải sản tươi, những chiếc võng đong đưa theo điệu ru sóng vỗ, làm gì có nhà trọ, khách sạn, hàng quán sôi động như sau này. Khách đi dinh thường khó về lại trong ngày và với tấm lòng thành mà nằm lại để được sưởi hơi ấm đất thiêng, đợi giờ lễ nghinh thần. Xung quanh dinh là những vuông bạt trải, an tịnh bên những gốc cây rừng với một không khí yên ả thanh bình.
Từ hội Tam Quý đến di tích lịch sử văn hóa…
Ở thị xã La Gi hiện nay có 4 danh thắng, di tích lịch sử văn hóa được công nhận là dinh Thầy Thím, Hòn Bà, đình vạn Phước Lộc, vạn Tân Phú. Trong đó di tích cấp quốc gia là dinh Thầy Thím và đình vạn Phước Lộc với quy mô lễ hội truyền thống mang nét đặc sắc của địa phương, một vùng đất tụ nghĩa. Nhưng với di tích dinh Thầy Thím đã có một lịch sử khá lâu đời. Có thể xuất hiện trước những dấu tích từ năm xây dựng dựa trên thanh xà gồ có ghi “Kỳ Mão niên, thập nhị ngoạt, thập nhị ngũ nhật cấu tạo” (Tự Đức năm thứ 32 - 1879). Đó là những đợt lưu dân gốc Trung bộ theo đường biển vào phương nam mở đất lập làng, từ suốt nửa đầu thế kỷ 19, tắp vào đây khai hoang lập nghiệp, hình thành làng biển nằm bên cạnh cửa sông Ma Ly tức Sông Phan ngày nay. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả vùng đất này “Phong táp sơn yên truyền pháo hưởng/Triều phiên hải giác trợ bề thanh” (tạm dịch: Gió giật sườn non rền tựa súng/ Sóng dồi góc bễ trống dồn vang). Trước đó tại đây có 3 làng Tân Ngươn, Tân Quý, Tân Hoàng, về sau nhập lại lấy 3 chữ đầu địa danh để thành làng Tam Tân, thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận.
Huyền thoại về Thầy Thím ở làng Tam Tân chỉ qua lưu truyền từ nhiều đời, về một đạo sĩ cùng vợ (quê Quảng Nam) xuất hiện ở đây với biết bao việc làm đầy nhân nghĩa, cứu giúp người nghèo khó… mang tính nhân văn, có giá trị giáo dục đích thực. Những phép thuật “sái đậu thành binh” (gieo đậu mà hiện ra binh lính), thoát án “Tam ban triều điển” về tội dời đình, rồi hóa thành rồng bay về phương nam và ẩn dật ở cánh rừng thâm u Bàu Thông. Đến khi vợ chồng Thầy Thím cùng lúc từ trần, bên cạnh lại có đôi bạch hổ hắc hổ phủ phục và chờ dân làng vào chôn cất ở Bàu Thông… Những kỳ bí, giàu lòng nhân ái của Thầy Thím đã được vua Thành Thái truy xét, ban sắc phong “Chí đức Tiên sinh tôn thần, Chí đức Nương nương tôn thần”…Nghiên cứu truyền thuyết có gì đó tương tự ở truyện giấu đình dưới giếng hay truyện Thầy Thím ở Trà Luông, Quảng Nam trong “Truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi (Kho tàng truyện Cổ tích Việt Nam tập 4- Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội). Đến năm 1969, Hội Tam Quý (tiền thân hội dinh Thầy Thím) có in một tập sách nhỏ với thể thơ song thất lục bát mang nội dung kể lể về công đức Thầy Thím rất sơ sài… Người viết (PC) sẽ bị chịu tiếng “cái tôi” để nói rằng, từ rất sớm sau khi đất nước sang thời kỳ đổi mới, có sự cởi mở tư duy về nghiên cứu lĩnh vực văn hóa tâm linh. Đây là vấn đề rất phong phú, đa dạng nhưng cũng dễ sa đà vào mê tín dị đoan do cách thể hiện hoặc bị ngộ nhận. May mắn sao với sự đồng điệu của anh Trịnh Văn Thái, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hàm Tân (Thuận Hải), từ năm 1987 đã cùng tôi thực hiện, một tập sách nhỏ “Góp phần làm rõ hơn về Sự tích Thầy Thím”, dù còn ở chừng mực khái lược. Rồi trong tập “Hàm Tân chuyện thuở đầu”(năm 1988- PC), với phần Sự tích Thầy Thím có những bổ sung nhiều tư liệu hơn. Tiếp đó, năm 1989 tập “Sự tích Thầy Thím” do Phòng VHNT Hàm Tân xuất bản với giấy phép của Sở VHTT Thuận Hải, đã chính thức phổ biến rộng đến du khách khắp nơi tại các dịp lễ giỗ Thầy Thím hàng năm. Lúc này Sở VHTT tỉnh có chức năng xuất bản các ấn phẩm của địa phương và được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà văn Lê Xuân (sau này là Giám đốc Sở VHTT) vì khâu thông qua nội dung tập sách không mấy dễ dàng. Năm 1993, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định công nhận “Thắng cảnh dinh Thầy Thím” với giới hạn chừng đó thôi nhưng là cơ sở cho hoạt động lễ hội ở đây phát triển. Đến tháng 9/1997- Bộ VH-TT chính thức ra quyết định công nhận “Di tích kiến trúc - nghệ thuật dinh Thầy Thím”, dù thực tế nhiều năm qua dinh Thầy Thím đã trở thành di tích lịch sử văn hóa xứng tầm với ý nghĩa văn hóa truyền thống dân tộc và nổi tiếng đến vùng miền lân cận. Về quy mô lễ và hội được tổ chức bài bản cùng với các công trình thờ tự, các hạng mục cho nhu cầu sinh hoạt lần lượt phục chế, xây dựng.
Có đến 10 năm, qua những bài viết, tập sách nhỏ mà ngành VHTT huyện Hàm Tân ấn hành, có thể coi là sự góp phần cho luận chứng đề án khoa học của cơ quan bảo tàng, tiến tới sự công nhận của Bộ VHTT về di tích dinh Thầy Thím vào năm 1997. Cũng từ dấu mốc này, di tích dinh Thầy Thím có cơ sở phát triển và trở thành lễ hội du lịch văn hóa hàng năm của tỉnh. Tiếp theo là các tập sách dinh Thầy Thím 130 năm hình thành phát triển (2007), Di tích lịch sử văn hóa dinh Thầy Thím (2012) và các kịch bản sân khấu, tác phẩm ca cổ, âm nhạc được biểu diễn của kịch tác gia Thái Phụ, đạo diễn Linh Trung… đã nâng cao giá trị tinh thần của lễ hội dinh Thầy Thím và truyền tải nét văn hóa riêng của một vùng đất đang thu hút về du lịch. Tôi nghĩ, nhà dịch thuật Hán Nôm Lê Công Sĩ cũng có một vai trò khá lớn trong việc “giải mã” những nét đặc trưng văn hóa, từ nội dung kim sách, văn tế, hoành phi, câu đối để bổ sung cho lễ thức, thờ phượng ở dinh Thầy Thím hiện nay. Quá trình của nhiều thế hệ trong vai trò quản lý dinh đã toàn tâm, toàn ý tạo nên sức mạnh đoàn kết và biết tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, để dinh Thầy Thím có được diện mạo hoành tráng, nghiêm tịnh như hiện nay.
Phan Chính
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/ve-lai-canh-rung-xua-dinh-thay-thim-142478.html