'Vành đai diệt Mỹ' trên chiến trường Quân khu 5

Giữa năm 1965, sau thất bại của Chiến lược 'Chiến tranh đặc biệt', đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện Chiến lược 'Chiến tranh cục bộ', đưa quân viễn chinh Mỹ vào chiến trường miền Nam trực tiếp tham chiến, mở các cuộc tiến công tìm và diệt chủ lực ta. Trên địa bàn Quân khu 5, tính đến cuối năm 1965, lực lượng Mỹ lên tới 120.000 quân. Do vị trí chiến lược quan trọng, vùng đồng bằng ven biển Quân khu 5 trở thành địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, nơi luôn diễn ra cuộc đấu tranh dai dẳng, ác liệt giữa 'bình định' và chống 'bình định'.

Trên cương vị Phó chính ủy Quân khu 5, Phó bí thư Quân khu ủy, Ủy viên Thường vụ Khu ủy Khu 5, đồng chí Đoàn Khuê được giao nhiệm vụ chỉ đạo hướng chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, xây dựng “quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ” cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. Với tư duy sắc sảo, kinh nghiệm chiến đấu trong thực tiễn, đồng chí Đoàn Khuê chủ động nghiên cứu, tìm tòi, khởi xướng, phát động tư tưởng “chủ động tiến công” trong Đảng bộ, quân và dân Quân khu 5; cùng tập thể Quân khu 5 chỉ ra hai vấn đề mấu chốt, cấp bách, đó là: Đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam là chủ động hay bị động? Ta có đánh được và đánh thắng không?

Đồng chí Đoàn Khuê, Phó chính ủy Quân khu 5 thị sát ở Trà Linh,(Nam Trà My, Quảng Nam), tháng 7-1974. Ảnh tư liệu

Đầu tháng 3-1965, Quân khu 5 tổ chức hội nghị cán bộ trung-cao cấp, xác định chủ trương: “Củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng vành đai diệt Mỹ ở những nơi có quân chiến đấu Mỹ, tổ chức đánh phủ đầu quân Mỹ... phát động phong trào quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ trong toàn khu”. Cuối tháng 3-1965, hội nghị du kích chiến tranh của Quân khu 5 bàn kế hoạch xây dựng, củng cố dân quân du kích, xây dựng làng xã chiến đấu, hình thành vành đai diệt Mỹ và phát động phong trào thi đua giành danh hiệu “Thiện xạ diệt Mỹ”.

Sau hội nghị này, các địa phương có căn cứ quân sự Mỹ khẩn trương phân công cán bộ trực tiếp xuống địa bàn tìm hiểu về quy luật hoạt động của địch, nghiên cứu tìm ra cách đánh có hiệu quả. Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân đã phát triển cao, quân và dân xung quanh các căn cứ quân sự Mỹ tổ chức các làng xã chiến đấu thành “vành đai diệt Mỹ”, bao vây các căn cứ quân sự Mỹ. “Vành đai diệt Mỹ” nhanh chóng được hình thành ở những địa phương có căn cứ quân sự Mỹ, trước hết là ở Đà Nẵng, Chu Lai.

Đồng chí Đoàn Khuê đã dày công nghiên cứu tình hình thực tế chiến tranh du kích, kịp thời phát hiện những vấn đề có tính chất quy luật, đúc kết kinh nghiệm để chỉ đạo xây dựng thế trận quân sự, xây dựng các chi bộ đảng trên “vành đai diệt Mỹ” tại Đà Nẵng, Chu Lai, An Khê, bảo đảm đủ sức mạnh để lãnh đạo tác chiến và vận động quần chúng đấu tranh. Tại những địa bàn quân Mỹ chiếm đóng, “vành đai diệt Mỹ” đã làm phá sản kế hoạch lập “vành đai trắng” của địch, bảo vệ căn cứ của ta. Đây là một sáng tạo nổi bật, bước phát triển cao của chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tháng 5-1965, Tỉnh ủy Quảng Đà, Quảng Nam quán triệt và triển khai chủ trương “toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Khu ủy 5. Dựa vào thế trận “vành đai diệt Mỹ”, quân và dân ta đã tổ chức một số trận đánh quân Mỹ nhằm tìm hiểu cách đánh của chúng. Một trong những thắng lợi tiêu biểu đầu tiên đó là trận Núi Thành (ngày 26-5-1965). Thắng lợi của trận đánh phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành trên “vành đai diệt Mỹ” Chu Lai có ý nghĩa quan trọng. Đây là chiến thắng đầu tiên ở miền Nam, mở ra khả năng lực lượng vũ trang địa phương được huấn luyện tốt có thể diệt đơn vị chiến đấu của Mỹ. Chiến thắng này củng cố niềm tin và quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của Đảng, quân và dân ta, thúc đẩy, cổ vũ phong trào diệt Mỹ trên chiến trường miền Nam.

Từ chiến trường Quân khu 5, “vành đai diệt Mỹ” nhanh chóng lan rộng khắp các địa phương ở miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, bao vây các căn cứ xuất phát hành quân, căn cứ hậu cần-kỹ thuật của quân Mỹ. Dựa vào thế trận “vành đai diệt Mỹ”, nhân dân và du kích kiên cường bám trụ, tiến hành đánh địch bằng 3 mũi giáp công; vận dụng nhiều cách đánh linh hoạt, sáng tạo, tiến công địch ngay tại căn cứ của chúng. Thắng lợi giòn giã của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cho thấy “vành đai diệt Mỹ” là bước phát triển cao của thế trận chiến tranh nhân dân, một hình thức đánh giặc sáng tạo trong điều kiện mới; là thế trận của lòng dân, của sức dân, ý chí và nghị lực sáng tạo của quân và dân miền Nam, trực tiếp là các địa bàn có căn cứ quân sự Mỹ.

PGS, TS TRỊNH THỊ HỒNG HẠNH, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/vanh-dai-diet-my-tren-chien-truong-quan-khu-5-752051