Vang vọng thanh âm đại ngàn

Là sự kiện văn hóa quy mô được tổ chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ sau các đợt dịch Covid-19, Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ nhất đã được đông đảo nghệ nhân hưởng ứng, người dân đón đợi. Đêm 19-4, Ngày hội đã khai mạc tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) trong không khí rộn rã, tươi vui, đúng như tinh thần đại đoàn kết các dân tộc.

Đưa làng về phố

Từ đầu giờ chiều 19-4, khoảng không gian xanh mát ở Quảng trường Đại Đoàn Kết phía đường Anh Hùng Núp đã trầm bổng tiếng cồng tiếng chiêng, rực rỡ sắc màu thổ cẩm và nhịp nhàng những vòng xoang. Cây xanh bốn bên và thảm cỏ trải dài đã bù đắp sự thiếu hụt của không gian làng rừng, tạo thành nơi trình diễn khá lý tưởng cho 16 đoàn với gần 800 nghệ nhân. Trong niềm vui hội ngộ với các dân tộc anh em từ khắp nơi trong tỉnh sau những đợt giãn cách kéo dài, ai nấy đều hồ hởi.

Thay vì biểu diễn trên sân khấu chung, mỗi đoàn được bố trí một khu vực riêng tại Quảng trường để “đưa làng về phố”, tái hiện không gian sinh hoạt của cộng đồng thông qua các hoạt động: trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trình diễn tạc tượng, đan lát, dệt vải… Theo đúng yêu cầu của Ban tổ chức, mọi đạo cụ, mô hình của các đoàn như: nhà rông, nhà mồ… đều được làm từ vật liệu tự nhiên như: gỗ, tranh, tre.

Đoàn nghệ nhân huyện Đak Đoa trình diễn cồng chiêng, múa xoang tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ nhất. Ảnh: Đức Thụy

Đoàn nghệ nhân huyện Đak Đoa trình diễn cồng chiêng, múa xoang tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ nhất. Ảnh: Đức Thụy

Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ nhất diễn ra từ ngày 19 đến hết 20-4 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) với những hoạt động trình diễn đặc sắc của các đoàn như: biểu diễn cồng chiêng, tạc tượng, dệt thổ cẩm, đan gùi, dân ca, dân vũ… Chương trình sẽ bế mạc và tổ chức trao giải vào chiều 20-4.

Chính trong sự sắp đặt ấy, các nghệ nhân như được chìm đắm thực sự vào không gian văn hóa truyền thống để thỏa sức trình diễn, sáng tạo. Được xem phần diễn tấu sôi nổi của đội cồng chiêng làng Pơ Nang (xã Tú An, thị xã An Khê), người dân và du khách không khỏi thích thú với sự nhập tâm, đáng yêu của 2 thành viên nhỏ tuổi chơi chũm chọe. Kết thúc phần diễn tấu, em Hồ Văn Khang (13 tuổi, dân tộc Bahnar, một trong những nghệ nhân ít tuổi nhất) bẽn lẽn cho hay em rất tự hào khi được đông đảo khán giả thương mến, cổ vũ. Còn người lớn tuổi nhất thì có lẽ phải kể đến Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung (huyện Krông Pa). Năm nay 85 tuổi, ông là đại diện tiêu biểu của dân tộc Jrai vùng hạ lưu sông Ba. Dù phải vượt quãng đường 150 km để đến với Ngày hội, đồng thời phải tham gia 2 hoạt động là phục dựng nghi lễ cúng nhà mới và biểu diễn đàn goong nhưng ông không hề có vẻ xuống sức. “Mình vui lắm, không mệt đâu!”-già Rơ Ô Bhung tươi cười. Ở một góc khác, đội nữ nghệ nhân dân tộc Tày huyện Mang Yang gây chú ý với nét khác biệt trong trang phục áo dài nhung đen thẹn thùng chơi đàn tính và múa chầu, góp thêm một nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ngồi tỉ mẩn tạc tượng giữa những thanh âm rộn ràng đã khá lâu rồi mới cất lên, nghệ nhân Rơ Châm Yin (huyện Chư Păh) hào hứng nói: “Đúng ra, ngồi tạc tượng trong không gian yên tĩnh thì hay hơn, nhưng tạc ở đây lại vui vì được gặp gỡ các dân tộc khác cùng tụ họp về”. Trong khi đó, ngồi biểu diễn đan gùi trên bãi cỏ, những nghệ nhân làng Ngơm Thung (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) không quên treo bán gùi mang “thương hiệu” của làng với mức giá 30-800 ngàn đồng/chiếc tùy độ lớn nhỏ, tinh xảo.

“Nêu cao tinh thần đại đoàn kết các dân tộc”

19 giờ 30 phút ngày 19-4, Ngày hội đã khai mạc tại Quảng trường Đại Đoàn Kết với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch. Phát biểu khai mạc, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-nhấn mạnh: Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết các dân tộc. Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 19-4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định: “Gia Lai là một trong những địa phương đã và đang tích cực thực hiện các cam kết với UNESCO về bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Sự kiện văn hóa hôm nay là một hành động thiết thực hướng về những cam kết ấy”. Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Nhung cũng gửi đến các nghệ nhân lời nhắn nhủ chân tình: “Mọi người đã đến đây, xin cứ tự nhiên như ở nhà. Cứ múa hát, đánh chiêng, chuyện trò thoải mái như những ngày lễ hội ở làng”.

Đoàn nghệ nhân huyện Kông Chro trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ nhất. Ảnh: Đức Thụy

Đoàn nghệ nhân huyện Kông Chro trình diễn nhạc cụ dân tộc tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ nhất. Ảnh: Đức Thụy

Dạo quanh Quảng trường trong không khí không thể rộn ràng hơn, nhiều người dân và du khách rất phấn khích. Anh Trần Hùng (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) nhận xét: “Đến với Ngày hội mới thấy văn hóa các dân tộc Tây Nguyên rất phong phú, đặc sắc. Tôi mong có thêm nhiều chương trình như thế này được tổ chức để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân”. Đưa con trai 5 tuổi đến xem các phần trình diễn, chị Lê Thị Phượng (304 Hoàng Sa, xã Diên Phú, TP. Pleiku) vui vẻ cho biết: “Con trai tôi rất thích thú vì từ nhỏ đến giờ mới xem lần đầu. Đây đúng là ngày hội kết nối tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc tỉnh Gia Lai”.

Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La-Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật:“Sau 2 năm các hoạt động giao lưu văn hóa bị ngưng trệ do dịch Covid-19, Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ nhất như cơn mưa tưới xuống ruộng hạn. Với bà con, giải thưởng như thế nào không quan trọng, vấn đề là được gặp nhau, giao lưu và tìm hiểu văn hóa. Đây đúng là một ngày hội đại đoàn kết. Có vậy mới giữ được văn hóa, mà giữ được văn hóa là giữ được đất nước mình”.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202204/vang-vong-thanh-am-dai-ngan-5773965/