Vấn đề hoàn thiện pháp luật bảo vệ người khuyết tật nhìn từ vụ nữ giúp việc khiếm thị bị chủ nhà xâm hại
Từ vụ án gã chủ nhà nhiều lần dùng vũ lực khống chế hiếp dâm nữ giúp việc khuyết tật, đặt ra vấn đề cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trước vấn nạn bị xâm hại tình dục.
Tfw vụ án chủ nhà nhiều lần hiếp dâm nữ giúp việc khuyết tật
Ngày 6/3, TAND huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Đặng Ngọc Thủy (SN 1955, ngụ thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) về tội “Hiếp dâm”. Nạn nhân trong vụ án là người khuyết tật, được thuê về giúp việc cho gia đình Thủy. Theo cáo trạng, năm 2016, chị N.T.L.Q (SN 1987, quê tỉnh Phú Yên, là người khuyết tật) tới giúp việc tại nhà Thủy. Tối ngày 6/8/2018, khi vợ đi tập thể dục, Thủy đã kéo chị Q. đòi quan hệ tình dục nhưng chị không đồng ý.
Lúc này, Thủy vật ngã chị Q. xuống nền nhà để quan hệ tình dục nên chị kêu cứu, chống cự và dùng tay cào cấu vào người Thủy. Nghe tiếng kêu cứu, con gái của Thủy đang ở trong phòng nghe thấy liền chạy ra, chứng kiến sự việc và la hét. Thấy vậy, Thủy liền tát 2 cái vào mặt con gái. Lúc này, chị Q. vùng dậy và lấy chiếc chày đánh vào lưng Thủy. Ngay sau đó, chị Q. bị Thủy khóa tay, đánh và kéo ra sân, rồi dùng dao kề vào cổ. Sự việc được nhiều người dân chứng kiến, ứng cứu.
Sau khi thoát nạn, chị Q. kể lại sự việc bị Thủy hãm hiếp với nhiều người. Vợ của Thủy sau khi đi tập thể dục về thấy vậy nên đã trình báo với chính quyền địa phương. Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan chức năng xác định, trước đó, vào ngày 22/12/2017, Thủy còn thực hiện hành vi giao cấu ngoài ý muốn chị Q. 4 lần. Tất cả những lần này, Thủy đều dùng vũ lực khống chế, đóng kín cửa.
Trong lần thứ 4, khi Thủy đang thực hiện hành vi giao cấu ngoài ý muốn với chị Q. thì con gái về chứng kiến nên Thủy mới thả ra. Lúc này, chị Q. gọi điện thoại báo cho vợ Thủy. Thời gian này, vợ của Thủy đang đi chữa bệnh ở TP HCM, không có ở nhà. Khi về nhà, vợ của Thủy đã năn nỉ xin chị Q. đừng làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng đến gia đình nên chị đồng ý. Sau đó, Thủy đã viết tay bản cam kết không bao giờ xâm phạm cơ thể của chị Q. và bồi thường tiền danh dự… 1.000 đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Đặng Ngọc Thủy kêu oan, không chấp nhận cáo trạng truy tố mình 5 lần hiếp dâm chị Q. mà cho rằng chỉ thực hiện hành vi ôm hôn và được sự đồng thuận của nạn nhân. Riêng ngày 6/8/2018, bị cáo có đánh con gái 2 tát vì bực tức. Đến khi bị cáo ngồi trong phòng thì bị chị Q. lao vào cào cấu, đánh đập và đổ lỗi cho bị cáo hiếp dâm.
Trước tòa, chị Q. khẳng định, bị cáo Thủy đã dùng vũ lực, hiếp dâm mình 4 lần vào ngày 22/12/2017 và một lần vào ngày 6/8/2018. Bị cáo Thủy lợi dụng việc không có ai ở nhà nên đã khống chế để hãm hiếp chị. Chị là người khuyết tật nên không có khả năng chống cự. Chị Q. cho rằng, những lời trình bày của bị cáo Thủy là hoàn toàn sai sự thật. Đại diện VKSND huyện Ea H’leo giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Thủy từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù về tội “Hiếp dâm”.
Trong khi đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại cho rằng, bị cáo Thủy thực hiện hành vi hiếp dâm nhiều lần, hiếp dâm người khuyết tật nặng không có khả năng chống cự, bị cáo quanh co chối tội nên đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết tăng nặng, tuyên phạt bị cáo từ 14 đến 15 năm tù. Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ liên quan, HĐXX TAND huyện Ea H’leo cho rằng, có đầy đủ cơ sở chứng minh việc bị cáo Thủy hiếp dâm chị Q. một lần vào ngày 22/12/2017 và một lần vào ngày 6/8/2018. Đối với cáo buộc bị cáo Thủy hiếp dâm chị Q. 3 lần đầu vào ngày 22/12/2017, HĐXX nhận định, chưa đủ căn cứ để xác định hành vi phạm tội.
Do đó, HĐXX kiến nghị cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử theo quy định của pháp luật. Kết thúc phiên tòa, HĐXX TAND huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) đã tuyên phạt bị cáo Đặng Ngọc Thủy mức án 7 năm tù về tội “Hiếp dâm”. Về trách nhiệm dân sự, bị hại chưa yêu cầu giải quyết nên HĐXX sẽ xem xét, giải quyết sau.
Đừng để khuyết chính sách cho phụ nữ khuyết tật
Theo số liệu thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 4 triệu phụ nữ khuyết tật với các dạng khuyết tật khác nhau. Phụ nữ khuyết tật trong mọi trường hợp luôn là đối tượng yếu thế cần sự hỗ trợ và bảo vệ về mặt pháp lý cũng như các hoạt động hỗ trợ khác.
Một số liệu mới công bố gần đây của Quỹ Dân số của Liên Hợp quốc (UNFPA) cho thấy, ở Việt Nam cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Ðộ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng 24 đến 33 tuổi. Có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm 9 tuổi, cao nhất là hơn 50 tuổi. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao, chiếm hơn 35%.
Đáng nói là những nhận thức về người khuyết tật bị bạo lực tình dục chưa được quan tâm và nhìn nhận đúng đắn. Xã hội mới chỉ nhận diện các hành vi bạo lực tình dục khi các hành vi mang tính cướng ép rõ ràng và liên quan đến chuyện tình dục có yếu tố giao cấu hoặc ép buộc giao cấu. Đối với các hành vi mang tính lời nói, không trực tiếp nói đến việc ép buộc giao cấu thì người tham gia không nhận diện những hành vi này là bạo lực tình dục.
Bà Cao Thị Hồng Minh, Phó trưởng ban Chính sách - Luật pháp thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng đang thiếu các chính sách quy định về hỗ trợ, tư vấn, phòng, ngừa bạo lực tình dục. Luật Người khuyết tật 2010 quy định về các vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm… nhưng chưa có quy định liên quan đến công tác phòng ngừa, bảo vệ người khuyết tật đối với các hành vi bạo lực, đặc biệt là hành vi bạo hành, xâm hại tình dục đối với nhóm phụ nữ, trẻ em khuyết tật.
“Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam không quy định trong quá trình tố tụng bắt buộc phải có sự tham gia của người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục, dẫn đến trường hợp nạn nhân trong những vụ án xâm hại tình dục không có người đại diện quyền và lợi ích của mình. Tại phiên tòa, nạn nhân phải tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình (trừ những trường hợp người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân tự nguyện tham gia quá trình tố tụng để bảo vệ họ). Điều này làm cho nạn nhân phải tự mình khai đi khai lại hành vi xâm hại tình dục của kẻ phạm tội, làm cho nạn nhân bị tổn thương rất lớn về mặt tinh thần”, bà Minh nêu thực trạng.
5 giải pháp phòng, chống bạo lực tình dục cho phụ nữ khuyết tật đã được Hội LHPN Việt Nam đề xuất, trong đó nhấn mạnh tính cần thiết của quy trình đặc biệt như: nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em khuyết tật; các cơ quan tiến hành tố tụng ban hành các quy trình giải quyết riêng đối với hành vi xâm hại tình dục người khuyết tật; xây dựng cơ chế và đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vụ việc/trường hợp điển hình về phòng, chống xâm hại tình dục đối với người khuyết tật giữa Hội người khuyết tật Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương; tăng cường nguồn lực thích đáng, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng về phòng, chống bạo lực tình dục đối với người khuyết tật; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý người gây ra bạo lực tình dục, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với người khuyết tật để có các chế tài phù hợp.