Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 31

Sáng 10.2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật đã họp Phiên toàn thể lần thứ 31.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; các thành viên Ủy ban Pháp luật; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và các đại biểu tham dự phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và các đại biểu tham dự phiên họp

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật thẩm tra: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Bên cạnh đó, thẩm tra các dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng thêm số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết có liên quan về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Theo đó, dự thảo Luật tập trung vào 35/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được bố cục trong 2 điều, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 18 điều và bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Điều 2 quy định hiệu lực thi hành.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan của Quốc hội theo hướng: tiếp tục khẳng định Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội; số lượng, tên gọi các Ủy ban do Quốc hội quyết định; quy định các chức năng cơ bản của các cơ quan của Quốc hội tập trung vào 3 nội dung “thẩm tra - giám sát - kiến nghị”; quy định khái quát về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc làm việc và đơn vị giúp việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Ngoài ra, không quy định về Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Ban thư ký, về cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công phát biểu

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công phát biểu

Dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội gồm 3 điều, trong đó: xác định số lượng, tên gọi của các cơ quan của Quốc hội là gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan này, bảo đảm phân định rõ phạm vi lĩnh vực phụ trách và bao quát toàn bộ các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan theo quy định hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chính thức đi vào hoạt động; chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự, chuyển đổi con dấu, bàn giao hồ sơ, tài liệu các công việc đang thực hiện, bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan..., đặc biệt là các cơ quan mới được thành lập, tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, để chính thức đi vào hoạt động. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

 Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn phát biểu

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn phát biểu

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành; phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, dự thảo các Nghị quyết có liên quan. Hồ sơ dự án Luật và các dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ và bảo đảm chất lượng theo đúng quy định, đủ điều kiện trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Các ý kiến cũng tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký, Văn phòng Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như dự thảo Luật (tại các điều 98, 99, 100) vì đã thể chế hóa đúng chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước tại Kết luận số 111-KL/TW của Bộ Chính trị.

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến phát biểu

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, các ý kiến cơ bản tán thành phương án sắp xếp, tinh gọn các cơ quan của Quốc hội như được nêu tại Tờ trình. Để kịp thời triển khai các công tác cần thiết cho hoạt động của các cơ quan của Quốc hội sau sắp xếp, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương ban hành Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ngay sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua; phê chuẩn danh sách thành viên các Ủy ban có thực hiện sắp xếp; chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là các cơ quan mới được thành lập, tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy nhân sự,... để chính thức đi vào hoạt động ngay, bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục, không bỏ sót nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực phụ trách sau khi sắp xếp, sáp nhập.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật ghi nhận, đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của Ban soạn thảo. Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi, nội dung trọng tâm tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng phân tích một rõ một số nội dung cụ thể được nêu tại phiên họp liên quan tới quy định về đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương; quy định tại khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật khẩn trương rà soát, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện các Báo cáo thẩm tra theo đúng quy định.

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

+ Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Nghị quyết được bố cục gồm 15 điều, quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước bao gồm: nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu

Nghị quyết áp dụng trong các trường hợp thành lập, tổ chức lại (bao gồm việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức các cơ quan dưới các hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn), thay đổi tên gọi, thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức, giải thể cơ quan để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết; nhận thấy dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu, hoàn thiện một bước theo ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua.

 Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Liên quan việc xử lý đối với văn bản đã được ban hành trước khi thực hiện sắp xếp (Điều 10), có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát các vấn đề có thể phát sinh sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước liên quan đến việc xử lý đối với văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, đặc biệt là thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan, người có thẩm quyền thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp ban hành trước đó để bảo đảm thuận lợi, hiệu quả, tránh lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uy-ban-phap-luat-hop-phien-toan-the-lan-thu-31-post404047.html