Doanh nhân Việt kiều Peter Hong: Tôi đau đáu ước nguyện đem các nguồn lực về đầu tư xây dựng quê hương
Đầu năm mới 2025, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng được trò chuyện cùng với doanh nhân Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hong), Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (ảnh bên). Ông là người đã nỗ lực không ngừng nghỉ trên hành trình hơn 30 năm kết nối các doanh nghiệp Việt kiều đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
![Doanh nhân Peter Hong.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_512_51443037/fb97890abd44541a0d55.jpg)
Doanh nhân Peter Hong.
Phóng viên (PV): Xin chào doanh nhân Peter Hong! Ông có thể chia sẻ về hành trình khởi nghiệp nơi xứ người của mình với bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng?
Ông Peter Hong: Đây là một câu hỏi mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Quay thời gian trở về năm 1979, khi lần đầu tiên tôi rời TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để đặt chân tới nước Úc định cư. Hoàn cảnh lúc bấy giờ còn rất nhiều khó khăn, tôi phải tự tìm cách khắc phục từ những thứ thiết yếu nhất. Lúc đó, tôi xác định có ba việc ưu tiên hàng đầu là học tiếng, chỗ ở và việc làm.
Tuy nhiên, xét ra so với các bạn học đồng trang lứa thời điểm đó ở Việt Nam, họ cầm súng ra chiến trường, chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và tây - nam thì tôi thuận lợi hơn rất nhiều vì được đi học đại học. Chính cơ hội đó đã mở ra cho tôi một quyết tâm và khát khao nỗ lực học tập để quay về đóng góp cho quê hương.
PV: Vậy ý định về việc kết nối các doanh nhân Việt kiều góp sức xây dựng quê hương Việt Nam nhen nhóm lên từ khi nào, thưa ông?
Ông Peter Hong: Tôi đã từng gặp gỡ, trao đổi với nhiều doanh nhân Việt kiều có tên tuổi ở những nước họ đang sinh sống và họ đều có chung một mong ước là sẽ mở rộng đầu tư về Việt Nam.
Tôi cũng như bao kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài khác đều có mong ước mình sẽ làm được điều gì đó cho quê hương và đất nước. Bởi quê hương, đất nước đối với chúng tôi luôn là một điều rất thiêng liêng trong trái tim. Do đó, năm 1992 tôi đã về Việt Nam và bắt đầu tham gia các dự án của Chính phủ Úc đầu tư tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, các doanh nhân, kiều bào ở nước ngoài cảm thấy ngày càng được quan tâm, ưu tiên, tạo điều kiện, được coi như một người Việt Nam sinh sống, làm việc và đầu tư ở trong nước và là một bộ phận không thể tách rời trong vận mệnh của dân tộc, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
PV: Với một trái tim luôn đau đáu hướng về quê hương, ông muốn hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được hiện lên như thế nào trên bản đồ thế giới?
Ông Peter Hong: Với tôi, khi mới rời xa quê hương, hình ảnh Việt Nam hiện lên còn rất nhiều khó khăn khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc và bắt đầu công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Ngay tại thời điểm đó, chúng ta có rất nhiều việc phải làm, tuy nhiên suy nghĩ thường trực trong tôi luôn là niềm đau đáu về việc làm thế nào để hình ảnh của Việt Nam ta trở nên tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế, làm thế nào để Việt Nam thời điểm đó có thể tham gia Liên hiệp quốc, làm thế nào để trong tương lai đất nước ta trù phú, xuất khẩu các loại hàng hóa, người dân được cơm no, áo ấm, hưởng cuộc sống hạnh phúc, xã hội phát triển.
PV: Vậy ông nhìn nhận như thế nào về đất nước ta sau gần 40 năm Đổi mới?
Ông Peter Hong: Nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đất nước ta đã vươn lên từ một nước nghèo trở thành một quốc gia đang phát triển, trong nhóm 40 nước có nền kinh tế phát triển của thế giới.
FDI trong vòng 30 năm qua đều ghi nhận được những con số kỷ lục. Chúng ta đã bứt tốc để về đích việc hoàn thành thu hút FDI trong năm 2024 là 40 tỷ đô-la Mỹ, mức độ giải ngân khoảng 230 tỷ đô-la Mỹ. Đây là một trong “cú hích” tăng trưởng đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Có thể nhận định trong suốt những năm qua, Việt Nam có một thể chế chính trị vững chắc, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ với những quyết sách đồng bộ từ trên xuống dưới. Nước ta lại đang bước vào thời điểm dân số vàng với đội ngũ người lao động có năng lực và trình độ ngày càng cao. Việt Nam cũng đang có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, từ khi tham gia Liên hiệp quốc. Kiều bào ta đang định cư ở hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ… Đó là những thay đổi thần kỳ, đồng thời là tiềm năng mà chúng ta có thể tập trung khai thác trong vận hội vươn mình của đất nước.
PV: Được biết trong hơn 30 năm qua, ông đã miệt mài không ngưng nghỉ với vai trò làm cầu nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt kiều đầu tư về Việt Nam, ông có thể chia sẻ về quá trình này?
Ông Peter Hong: Như tôi đã chia sẻ, tôi rất đau đáu ước nguyện đem các nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư xây dựng quê hương, đất nước. Là người Việt Nam ở nước ngoài, tôi rất tự hào về vị thế của đất nước trên trường quốc tế trong những năm qua. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển rất nhanh của đất nước, tôi nhận thấy cơ chế hoạt động giữa Trung ương và địa phương còn rất nhiều khó khăn. Mặc dù đứng ra làm cầu nối mời doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam, tôi thấy vẫn còn nhiều trở ngại về mặt thể chế và chính sách khiến kiều bào đôi lúc chưa hiểu rõ hay các tỉnh, thành phố chưa nắm được hết… Đó cũng chính là mục tiêu, chiến lược mà Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) được thành lập.
Từ năm 2009 đến nay, BAOOV đã trải qua 3 nhiệm kỳ, đang ở nhiệm kỳ 4. Tôi tham gia từ khóa 3 với cương vị Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký, giờ là khóa 4 với cương vị Chủ tịch.
Năm 2019, khi tôi mới được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, danh sách thành viên của Hiệp hội chỉ có tại 12 hay 13 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện tại, Hiệp hội đã dần lớn mạnh, có chi hội tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
PV: Với vai trò hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, theo ông sứ mệnh Hiệp hội đã, đang và sẽ tiếp nối là gì?
Ông Peter Hong: Tôi thấy sứ mệnh của BAOOV là làm sao đoàn kết để đưa hội viên ở các quốc gia trên thế giới kết nối giao thương với nhau, đưa được chủ trương của Đảng và Nhà nước tới kiều bào, để kiều bào hiểu được đất nước đang mở cửa và có nhiều tiềm năng để về đầu tư. Tôi muốn các kiều bào trên thế giới đoàn kết lại để phục vụ cho quê hương, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
PV: Để hiện thực hóa mục tiêu và sứ mệnh của mình, Hiệp hội trong nhiều năm qua đã thực hiện những chiến lược phát triển như thế nào, thưa ông?
Ông Peter Hong: Trong những năm qua, Hiệp hội và Hội Doanh nhân Việt Nam ở các nước đã tổ chức, tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại do Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố tổ chức, với nhiều quy mô và đạt hiệu quả thiết thực, thu hút hàng trăm lượt các doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước tham gia, đã có nhiều bản ghi nhớ hợp tác có giá trị được ký kết.
Hiệp hội đã tham gia vào nhiều diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị, hội thảo. Hiệp hội đã triển khai hiệu quả hàng trăm hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại. Đồng thời, đã chủ động hợp tác thành lập, phát triển 7 trung tâm xúc tiến và trưng bày hàng Việt Nam tại nước ngoài tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Lào, Nga, Úc và Trung Quốc; vận động kiều bào, cộng đồng doanh nghiệp kiều bào gửi kiều hối về đầu tư, xây dựng quê hương.
PV: Xin ông chia sẻ thêm về một trong những điểm nhấn trong nhiệm kỳ qua của Hiệp hội mà ông cho rằng nổi bật nhất?
Ông Peter Hong: Thời gian qua, Hiệp hội đã tư vấn cho Chính phủ Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, xuất khẩu hàng Việt Nam chất lượng cao ra nước ngoài, thông qua kiều bào”. Đây có thể nói là một kênh giới thiệu sản phẩm của ta ra nước ngoài rất hiệu quả. Để làm được điều này, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, các chương trình xúc tiến đầu tư tại nhiều nước trên thế giới, mời lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham gia… Qua đó, chúng tôi có nhiều cơ hội để giới thiệu doanh nhân Việt kiều và doanh nhân trong nước về các sản phẩm hàng hóa nội địa Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi sẽ hướng tới tổ chức nhiều chương trình xúc tiến hơn nữa, có thể là hằng tháng với nhiều chủ đề giới thiệu về thị trường ở mỗi quốc gia, giới thiệu hàng Việt Nam tại các quốc gia đó, đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
PV: Hiện nay, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo ông Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển lĩnh vực gì đưa dân tộc bước sang một cột mốc phát triển mới?
Ông Peter Hong: Thời gian qua, những quyết sách thể hiện tầm nhìn tương lai và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ Việt Nam nhằm đưa Việt Nam bứt phá bằng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới đã được thể hiện rõ nét. Đặc biệt là việc Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tôi coi đây là hướng đi chiến lược rất đúng đắn, thể hiện Đảng và Nhà nước đã có sự nhìn nhận, chuẩn bị rất tốt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
PV: Vậy theo ông, chúng ta nên lựa chọn những mũi nhọn chiến lược nào để đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số?
Ông Peter Hong: Chúng ta đang đứng trước sự thay đổi như vũ bão của khoa học - công nghệ. Để đi tắt đón đầu, theo tôi chúng ta nên tập trung vào những ngành khoa học, công nghệ cao như chip, bán dẫn, AI… Bản thân các hội thành viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng có những hoạt động hỗ trợ đào tạo và hợp tác công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Hiện số lượng hội viên trẻ tuổi (độ tuổi từ 30 đến 45) trong Hiệp hội rất đông đảo, chiếm 61%. Thế mạnh của thế hệ doanh nhân Việt kiều trẻ chính là năng lực khai thác, đầu tư các ngành công nghệ cao và mới nổi như fintech, blockchain, sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động. Hiện cũng có khoảng 50.000 người Việt làm trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có một số lượng đáng kể làm về vi mạch bán dẫn. Tại các công ty trên thế giới, người Việt tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất bán dẫn từ nghiên cứu thiết kế chip tới nghiên cứu vật liệu bán dẫn. Trong vài năm gần đây, nhiều kỹ sư Việt Nam đã từ nước ngoài trở về làm việc cho các công ty FDI trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
PV: Vậy ông nhìn nhận ra sao về câu chuyện Chính phủ Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA?
Ông Peter Hong: Phải nói một cách thẳng thắn rằng, NVIDIA là một tập đoàn toàn cầu và khi họ chọn một đất nước để đầu tư, đó là câu chuyện của hàng chục năm. Nó giống như việc con chim đại bàng khi muốn đẻ trứng thì phải nghĩ đến sự an toàn của con cái sau này. Do vậy, có thể nói việc NVIDIA lựa chọn Việt Nam để đầu tư chiến lược lâu dài đang chứng minh đất nước ta đang là một điểm đến đầy sức hút về đổi mới khoa học - công nghệ đối với các tập đoàn hàng đầu của thế giới.
Hiệp hội cũng đã thành lập Ủy ban Chip bán dẫn Đài Loan - Nhật Bản - Việt Nam, việc được hợp tác với NVIDIA cũng mở ra nhiều cánh cửa đối với sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, cũng như trên thế giới. Chúng tôi cũng xác định chip bán dẫn là một trong những lối đi chiến lược để phát triển đất nước. Đây là một trong những ngành nghề thế giới đang rất trọng dụng, mở ra một tương lai rộng mở cho đất nước ta.
PV: Trong tương lai, ông còn dự định gì vẫn đang ấp ủ?
Ông Peter Hong: Thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, trong đó có Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, các bộ, ban, ngành, địa phương... Chúng tôi luôn muốn mình trở thành nhịp cầu nối gắn kết để đem nhiều nguồn lực hơn cống hiến cho quê hương.
Tôi mong muốn từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần có thêm nhiều bằng sáng chế để đất nước phát triển. Bởi, hiện nay rất nhiều công trình, bằng sáng chế chưa được ứng dụng triệt để, đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực như: môi trường, năng lượng, sinh học… Hy vọng rằng, Đảng và Nhà nước sẽ có cơ chế mới cho phép kiều bào được đăng ký, cống hiến sáng chế của mình cho đất nước.
Ngoài các hoạt động kết nối trong lĩnh vực kinh doanh - đầu tư, tôi cũng rất coi trọng vấn đề giáo dục và đào tạo cho thế hệ trẻ Việt Nam. Do đó, tới đây sẽ có nhiều dự án hơn đầu tư cho phát triển giáo dục tại Việt Nam. Tôi luôn mong muốn các bạn trẻ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, giúp trau dồi, phát triển bản thân để cùng nhau xây dựng một Việt Nam hiện đại, văn minh và giàu đẹp hơn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!