Tưởng mắc bệnh lao phổi không ngờ xương vịt mắc kẹt suốt 10 tháng

Trước khi phát hiện đoạn xương vịt trong phế quản, bệnh nhân suy kiệt sức khỏe, đã điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng vẫn ho liên tục, cơ thể phù nề.

Theo lời kể của bệnh nhân N.T.P. (38 tuổi, ngụ tại Long An), khoảng 10 tháng trước, khi đang ăn thịt vịt nấu chao, bà P. bất ngờ bị ho sặc dữ dội sau đó chuyển sang ho khan kéo dài. Bệnh nhân đã đến thăm khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phế quản và điều trị bằng thuốc một tháng nhưng vẫn không có kết quả.

Nghi ngờ bị lao phổi, bà P. đến một bệnh viện chuyên khoa tại TP.HCM kiểm tra nhưng cũng không phát hiện dấu hiệu bệnh lao. Về nhà, bệnh nhân đã liên tục sử dụng thuốc để giảm cơn ho, kể cả thuốc Đông y. Nhiều tháng qua, cơ thể bà P. bắt đầu phù nề, tăng gần 10 kg, sức khỏe ngày càng suy kiệt.

Bệnh nhân đã điều trị ở nhiều nơi nhưng vẫn không phát hiện dị vật. Ảnh: YN

Bệnh nhân đã điều trị ở nhiều nơi nhưng vẫn không phát hiện dị vật. Ảnh: YN

Bế tắc, bệnh nhân đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM thăm khám. Kết quả chụp CT-Scan phổi, bác sĩ phát hiện dị vật nằm trong phế quản bên phải, bệnh nhân bị viêm phổi nặng. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị tăng huyết áp, không đáp ứng với thuốc hạ áp đơn thuần. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân suy thượng thận mạn, hội chứng cushing do dùng thuốc corticoid kéo dài.

Sau điều trị nội khoa, thuốc nội tiết ổn định sức khỏe, bệnh nhân được bác sĩ tiến hành nội soi, gắp thành công dị vật là mảnh xương vịt dài 2 cm. Hiện bệnh nhân đã hết ho, sức khỏe nhanh chóng bình phục nhưng phải tiếp tục điều trị các biến chứng của việc dùng thuốc corticoid kéo dài.

Bác sĩ Thái Hữu Dũng, Phó khoa Phẫu thuật Đầu cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết nữ bệnh nhân có hội chứng xâm nhập, đang ăn tự nhiên ho sặc sụa, tím tái, là dấu hiệu quan trọng của hóc dị vật. May mắn, mảnh xương chưa gây tắc phổi hoàn toàn.

Dị vật này không thấy trên ảnh chụp phim phổi, chỉ phát hiện khi chụp CT-Scan, nội soi. Các bác sĩ khuyến cáo khi bệnh nhân có hội chứng xâm nhập, ho nhiều, viêm đường hô hấp tái đi tái lại phải đến cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để tìm nguyên nhân, điều trị kịp thời.

Bích Huệ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tuong-mac-benh-lao-phoi-khong-ngo-xuong-vit-mac-ket-suot-10-thang-post919987.html