Bị sét đánh tiên lượng tử vong cao, người phụ nữ Hà Nội tươi cười ngày ra viện

Sau gần 10 ngày bị sét đánh ngừng tuần hoàn, nữ bệnh nhân 30 tuổi tại Thanh Trì, Hà Nội, đã ra viện trong tình trạng khỏe mạnh.

Theo Phó giáo sư Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp Hà Nội, chị N.T.H (xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội, bị sét đánh ngừng tuần hoàn) hồi phục kỳ diệu và ra viện ngày 14/6. Gần 10 ngày trước, chị H. được đưa vào bệnh viện trong tình trạng tiên lượng tử vong cao.

Tuy nhiên, sau 2 ngày, nữ bệnh nhân đã tỉnh và dần cải thiện ý thức, các cơ quan chức năng hoạt động trở lại, không bị tổn thương sâu sau sét đánh.

Theo bác sĩ Tùng, đây là kỳ tích trong cấp cứu sét đánh cũng như hồi sức tích cực sau ngừng tuần hoàn. Bệnh viện đã huy động tất cả trang thiết bị máy mọc hiện đại nhất như máy thở, máy hạ thân nhiệt chỉ huy (giảm thiểu tác hại của tăng thân nhiệt lên não)...

"Đây là khoảnh khắc đặc biệt, không chỉ ghi nhận sự hồi sinh của một sinh mệnh mà còn là minh chứng cho cam kết không ngừng nâng cao chất lượng điều trị và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bệnh viện. Người nhà nạn nhân đã có kiến thức sơ cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện rất tốt. Ca cấp cứu có nhiều yếu tố cộng gộp giúp chị H. vượt qua tử thần", bác sĩ Tùng đánh giá.

Sáng sớm 5/6, chị H. cắt rau ngoài ruộng trong cơn mưa lớn. Khoảng 6h45, một luồng sét đánh xuống khiến người phụ nữ này ngã bất tỉnh, được người thân đưa đi cấp cứu. Dù nạn nhân ngừng thở nhưng gia đình vẫn cố gắng sơ cứu ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt trên hành trình hơn 3km tới bệnh viện.

Sau đó, các bác sĩ tiếp tục ép tim thêm 15 phút, bệnh nhân có nhịp tim trở lại nhưng rơi vào hôn mê sâu được cho thở máy, điều trị cấp cứu tích cực.

Sét là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, có thể gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hàng trăm trường hợp bị sét đánh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa ý thức được đầy đủ về sự nguy hiểm của sấm sét và các biện pháp phòng tránh.

Khi gặp người bị sét đánh, nếu nạn nhân hôn mê, cần kiểm tra xem họ còn thở hay không. Nếu họ ngừng thở, bạn cần tiến hành hồi sinh tim phổi cho họ ngay lập tức.

Bước 1: Đặt nạn nhân nằm ngửa, nới rộng quần áo, thắt lưng, cà vạt.

Bước 2: Ép tim ngoài lồng ngực: đặt 2 tay lên vị trí giữa ngang ngực và ép sâu 3-5cm với tần suất khoảng 100 lần/phút và thực hiện ép 30 lần.

Bước 3: Hà hơi thổi ngạt: dùng tay bịt mũi nạn nhân, miệng ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở bình thường. Thực hiện 2-3 lần rồi tiếp tục ép tim.

Hành động sơ cứu thực hiện liên tục cho tới khi có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Với trẻ nhỏ, các bước sơ cứu làm chậm hơn.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-gai-bi-set-danh-ngung-tuan-hoan-tuoi-cuoi-khoe-manh-ngay-ra-vien-2291887.html