Tương lai Iran ra sao sau cái chết của Tổng thống Raisi?

Cái chết của Tổng thống Iran và các quan chức cấp cao khác của nước này trong vụ tai nạn trực thăng hôm 19/5 liệu có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong chính sách của Iran?

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thiệt mạng hôm 19/5 cùng với Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và một số quan chức cấp cao khác, trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng tại rừng Dizmar, nằm giữa hai thành phố Varzaqan và Jolfa, tỉnh Đông Azerbaijan.

Cái chết của họ đến vào thời điểm nhạy cảm đối với một quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có cả ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định điều này khó có thể dẫn tới những thay đổi lớn với Iran.

An táng cố Tổng thống tại thánh địa Hồi giáo lớn nhất thế giới

Người dân đặt hoa trước di ảnh cố Tổng thống Raisi

Người dân đặt hoa trước di ảnh cố Tổng thống Raisi

Iran đã thông báo về lịch trình lễ tang cố Tổng thống Raisi. Theo Phó Tổng thống Iran Mohsen Mansouri, lễ tang của Tổng thống Ebrahim Raisi sẽ diễn ra ở các thành phố Tabriz, Qom, thủ đô Tehran, Birjand và Mashhad từ ngày 21 đến 23/5.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố quốc tang 5 ngày và dự kiến sẽ tổ chức buổi lễ cầu nguyện để tiễn biệt ông Raisi tại Tehran vào tối 21/5, trước khi tiến hành các nghi thức liên quan khác. Sau đó thi hài ông Raisi sẽ được chôn cất tại thánh địa Hồi giáo Imam Reza ở thành phố Mashhad, quê hương cố Tổng thống, vào tối 23/5.

Imam Reza là thánh địa Hồi giáo linh thiêng ở Iran

Imam Reza là thánh địa Hồi giáo linh thiêng ở Iran

Imam Reza là thánh địa Hồi giáo lớn nhất thế giới tính theo diện tích, với các công trình xây dựng nằm trên phạm vi 1 triệu m2. Thánh địa được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 ở Iran với ảnh hưởng chỉ xếp sau thánh địa Mecca ở Saudi Arabia.

Ai sẽ kế nhiệm ghế tổng thống?

Theo hiến pháp Iran, Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber sẽ đảm nhận chức vụ quyền tổng thống. Ông Mokhber là một nhân vật chính trị dày dạn kinh nghiệm và có mối quan hệ chặt chẽ với Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei.

Tuy nhiên theo luật, Iran sẽ phải tổ chức bầu cử trong vòng 50 ngày. Truyền thông nhà nước Iran cho biết cuộc bầu cử tổng thống Iran sẽ diễn ra vào ngày 28/6. Các ứng cử viên có thể đăng ký từ ngày 30/5 đến 3/6 và chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra từ 12/6 đến ngày 27/6.

Ông Mohammad Mokhber

Ông Mohammad Mokhber

Ông Raisi giành chức tổng thống Iran với khoảng cách khá xa với các đối thủ vào năm 2021, trong bối cảnh các ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách và ôn hòa bị loại trên diện rộng và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục.

Xem xét thực tế là tất cả các tổng thống Iran từng phục vụ dưới thời lãnh tụ Khamenei đều đã tại vị trong hai nhiệm kỳ, ông Raisi từng được nhiều người kỳ vọng sẽ giành chiến thắng khi tái tranh cử vào năm tới.

Reza H Akbari, Giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Báo cáo Chiến tranh và Hòa bình nói với tờ Al Jazeera: “Cơ quan tư pháp, cơ quan lập pháp cũng như cơ quan hành pháp hiện đang bị kiểm soát bởi những người bảo thủ, thiên hữu hơn ở Iran. Vì vậy, một số nhà phân tích tin rằng cái chết của ông Raisi có thể mở ra cơ hội cho các ứng cử viên bảo thủ truyền thống hơn vào tranh cử chức vụ tổng thống”.

Tác động đến quan hệ đối ngoại của Iran

Tổng thống Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Amirabdollahian đã dành gần ba năm để khẳng định mình là những gương mặt đại diện của Iran trên toàn cầu, giám sát sự thay đổi trong quan hệ của Iran với các nước láng giềng Arab, giúp bình thường hóa quan hệ với quốc gia đối địch lâu năm là Saudi Arabia, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Tuy nhiên sự ra đi của hai nhân vật này có thể sẽ không báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Iran, vốn hầu như thuộc quyền quyết định của nhà Lãnh đạo tối cao.

Chính sách đối ngoại của Iran do Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao quyết định và có thể bị Lãnh tụ Tối cao phủ quyết.

Akbari nói: “Các chính sách sẽ không thay đổi đáng kể. Hội đồng An ninh Quốc gia Iran, lãnh tụ tối cao và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã đặt ra chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của nước này”.

Liệu có sự khác biệt tại chính trường Iran?

Sự ra đi của ông Raisi và Amirabdollahian có thể kéo theo một số thay đổi tại chính trường Iran. Nhưng hiện chính trường nước này đang được điều hành bởi các phe phái chính trị bảo thủ và theo đường lối cứng rắn, và nếu có bất kỳ cuộc tranh giành quyền lực nào xảy ra thì nhiều khả năng nó sẽ xảy ra giữa các phe phái này chứ không phải do các nhà cải cách.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã liên tục phát triển mạnh mẽ hơn kể từ khi các nhà cải cách và ôn hòa bị xa lánh sau sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân và việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Kể từ năm 2021, đã có nhiều nhân sự thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran được bổ nhiệm và ông Mokhber khó có thể đảo ngược xu hướng này. Lần bổ nhiệm quan trọng gần đây nhất diễn ra vào tháng 5/2023, khi chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Ali Akbar Ahmadian được chọn làm thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran.

Sức ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông sẽ thế nào?

Sự hỗ trợ ngày càng tăng của Iran đối với “trục kháng chiến” gồm các nhóm chính trị và quân sự, như Hezbollah ở Lebanon, Nhóm kháng chiến Hồi giáo ở Iraq và Houthi ở Yemen - một chính sách chiến lược đã kéo dài hàng thập kỷ - sẽ không thay đổi sau cái chết của ông Raisi.

Người kế nhiệm ông Raisi sẽ chịu trách nhiệm phát triển hình ảnh công chúng hiệu quả về sự hợp tác và hỗ trợ cho các thành viên của trục trong khi duy trì liên lạc với Mỹ và châu Âu.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza đang đe dọa an ninh khu vực và đặt Iran cùng các lực lượng ủy nhiệm vào thế đối đầu trực diện với Israel cùng các đồng minh.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tuong-lai-iran-ra-sao-sau-cai-chet-cua-tong-thong-raisi-239151.htm