Tục 'náo động phòng' - nỗi khiếp sợ của các cô dâu chú rể Trung Quốc
Cô dâu bị sàm sỡ, chú rể bị trói hoặc ép làm chuyện thô bỉ… là chuyện xảy ra ở nhiều đám cưới Trung Quốc thời hiện đại, do sự biến tướng của tục náo động phòng.
Náo động phòng, hay náo hôn, náo tân hôn, là phong tục có từ hơn 2.000 năm ở Trung Quốc (thời nhà Hán, khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên). Trong các đám cưới ngày nay, tục này bị biến tướng, trở thành trò quấy rối khiếm nhã, lố bịch, thậm chí tàn nhẫn khiến cho ngày cưới trở thành ác mộng đối với nhiều cặp cô dâu chú rể.
Ý nghĩa ban đầu tốt đẹp
Ban đầu, các trò quậy trong tối tân hôn ở Trung Quốc được đặt ra nhằm mục đích xua tan bầu không khí gượng gạo giữa cô dâu, chú rể. Thời xưa, hầu hết các cuộc hôn nhân ở Trung Quốc, nhất là những gia đình giàu có, đều được sắp đặt. Cô dâu chú rể không biết nhau hoặc có biết thì cũng chưa từng gần gũi, thân thiết.
Để giúp hai con người xa lạ này bớt ngại ngùng khi bước vào mối quan hệ gần gũi nhất – quan hệ vợ chồng – và trước hết là để họ tự nhiên hơn khi động phòng hoa chúc, sau khi các nghi thức hôn lễ hoàn tất, cô dâu được đưa về phòng cưới, các khách nam là bạn bè, anh em thân thiết của chú rể sẽ xông vào trêu đùa nhằm tạo không khí vui vẻ. Họ trêu chọc, làm khó cô dâu chú rể bằng các câu đố hoặc những trò vui, câu đùa dí dỏm, thậm chí tai quái, rồi rủ nhau rút lui để cặp tân lang, tân nương động phòng. Hành động náo hôn này cũng được cho là giúp xua đuổi tà ma, yêu khí, giúp hai vợ chồng sống với nhau hòa thuận, sinh con đẻ cháu thuận lợi.
Xem các phim truyền hình cổ trang Trung Quốc, khán giả thường thấy các anh em bạn bè của chú rể “vắt chất xám” cùng nhau nghĩ ra những trò thật độc đáo để trêu đùa cặp đôi mới cưới trong dịp này, tuy nhiên dù thế nào thì họ cũng dừng lại ở mức đủ vui và góp phần tạo nên một đêm tân hôn nhớ mãi không quên.
Tuy nhiên, ở nhiều đám cưới Trung Quốc ngày nay, phong tục có mục đích tốt đẹp này bị biến tướng, trở thành hủ tục. Bị hành hạ nhưng các cặp vợ chồng mới cưới thường cố chịu đựng vì theo tục lệ, dù bị trêu ghẹo thế nào, họ vẫn phải tỏ ra vui vẻ, không được phản ứng.
Thô bỉ và đáng sợ
Tục náo động phòng đang trở thành nỗi ám ảnh của các cô dâu chú rể Trung Quốc, nhất là với cô dâu bởi nó rất dễ trở nên không thể kiểm soát, trở thành bạo lực và quấy rối tình dục. Theo khảo sát năm 2014 của Youth Youth Daily trên 21.000 người, có đến 80% cho biết họ bị bắt nạt, bị sàm sỡ trong đám cưới của chính mình, 60% tuyên bố căm ghét hủ tục này. Không ít người thậm chí còn phải chạy trốn trong đêm tân hôn. Có những chú rể bị bạn bè mình lột đồ diễu phố, ném đồ ăn vào người, nhiều cô dâu bị sờ soạng, ôm ấp, xé váy áo đến mức phải khóc gào kêu cứu.
Tháng 10/2016, tại một đám cưới ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đám bạn chú rể xông vào phòng tân hôn lột đồ cô dâu ngay trước mặt người chồng. Cô gái cố gắng giữ mảnh nội y trên người mình và chật vật né tránh những bàn tay sàm sỡ. Chú rể, không dám làm ngược tục lệ, vẫn ngồi im. Đoạn clip ghi lại cảnh này sau đó được tung lên mạng, gây phẫn nộ.
Trước đó, năm 2015, một cô dâu ở thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) lên mạng kể về đám cưới ác mộng của mình. Khi náo động phòng, đám đông bắt bố chồng cô cõng con dâu leo cầu thang, bắt hôn môi con dâu trước khi đưa vào phòng cho con trai. Điều đáng sợ là ông bố không dám chống lại mà thực hiện theo yêu cầu đó.
Trong một đám cưới kinh hoàng khác tại Hà Nam, mẹ cô dâu dẫn con gái út và một đám người nhà vào phòng, yêu cầu đôi trẻ “động phòng hoa chúc” ngay trước mặt mọi người. Vẫn chưa hài lòng khi chú rể làm theo, bà mẹ tai ác còn lôi con gái út ra đứng cạnh mình quan sát cách bà chỉ đạo với lý do chuẩn bị cho tương lai.
Cô dâu trong một đám cưới ở Quảng Đông dịp nghỉ lễ 1/5 năm 2014 đã phải bỏ trốn, bỏ chồng ngay hôm đó vì trò náo động phòng độc ác: 8 người đàn ông là bạn chú rể ào vào lột sạch váy áo cô. Nhục nhã và phẫn nộ, cô chửi mắng cả đám khách khứa nhà chồng, giằng lấy quần áo che thân rồi chạy đi, không bao giờ trở lại.
Các phù dâu cũng dễ trở thành nạn nhân của tục náo động phòng. Đầu năm 2014, trong một phóng sự ngắn được phát trên truyền hình, cô thiếu nữ Tiểu Lệ 16 tuổi khóc, kể lại việc cô bị hơn chục gã bạn chú rể dồn vào góc phòng, xé hết váy áo rồi sờ soạng khắp người. Vì chuyện này, cô tự tử 2 lần nhưng may được cứu, bố cô phải bỏ việc để ở nhà canh chừng, khuyên giải.
Phóng sự này khiến dư luận dậy sóng, đòi cơ quan chức năng xử lý nghiêm những kẻ vin vào tục náo động phòng để lạm dụng tình dục phụ nữ. Tiểu Lệ chỉ là một trong nhiều phù dâu trẻ từng tự tử do bị sàm sỡ, làm nhục trong đám cưới.
Kêu gọi “khai tử” hủ tục
Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện liên tục của những clip tố cáo cảnh náo động phòng biến tướng thô bỉ, cộng đồng mạng nhiều lần sục sôi giận dữ, lên án hủ tục này, kêu gọi từ bỏ nó để không còn những cảnh bắt nạt, bạo hành, xâm hại… trong ngày vui của các đôi trẻ. Sự trắng trợn và quá đáng của các màn náo động phòng cũng làm tăng số vụ tố cáo đến cảnh sát, và lực lượng này đã phải tiếp nhận,xử lý rất nhiều vụ quấy rối tình dục phụ nữ với danh nghĩa náo hôn trong những năm qua.
Hồi tháng 3 năm nay, giới chức thành phố Châu Bình, tỉnh Sơn Đông ban hành văn bản cấm “những hành vi thô bỉ tại các đám cưới”, kêu gọi thay đổi, cải cách truyền thống cưới xin theo hướng văn minh hơn.
Văn bản trên nêu cụ thể các hành vi bị cấm, như: Ép cô dâu và chú rể cởi quần áo; bắt chú rể và đoàn nhà trai mặc các trang phục có ký hiệu không đứng đắn; cưỡng hôn, ôm, lăng mạ, quấy rối cô dâu và các phù dâu; bôi bẩn lễ vật và cô dâu, chú rể; quấy rối hôn lễ.
Những người tham gia đám cưới cũng bị cấm yêu cầu cô dâu, chú rể thực hiện những hành động khiếm nhã, đồi bại, cấm quay lén, cắt ghép, dàn dựng clip trong hôn lễ đăng lên mạng nhằm mục đích trục lợi, thu hút sự chú ý. Kẻ vi phạm sẽ bị xử phạt, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Quy định này của Bình Châu được dư luận ủng hộ nhiệt liệt, cư dân mạng hy vọng sẽ có nhiều địa phương khác đưa ra lệnh cấm tương tự.