Tục mổ lợn chung ăn tết
Từ bao đời nay, tục mổ lợn ăn chung ngày tết đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của biết bao người con sinh ra ở các miền quê. Đây là một phong tục thú vị, đến nay vẫn được duy trì, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc.
Mỗi dịp tết đến, “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” lại xuất hiện trong mỗi gia đình ở các vùng quê. Đã thành thông lệ, cứ ngày 28, 29 tết, mấy nhà trong xóm lại rôm rả mổ lợn chung nhau. Đây là dịp để mọi người trong gia đình cùng đoàn tụ, gắn kết tình làng nghĩa xóm, cũng là dịp để các bạn trẻ khám phá và hiểu sâu hơn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Còn nhớ khi xưa, trước tết cả tháng, bà con trong xóm cùng nhau bàn chuyện mổ lợn ăn tết. Lợn tết được nuôi từ đầu năm, giống thuần chủng, đặc biệt không nuôi tăng trọng để thịt thơm, ngon. Nếu không nuôi được lợn, các nhà ăn chung lợn sẽ tìm con lợn béo tốt mua về cùng nhau góp công, góp của nuôi chờ ngày thịt. Lợn tết thường nặng từ 60 - 80 kg, tùy vào trọng lượng của con lợn mà 4 nhà hoặc 2 nhà cùng mổ chung.
Không khí ngày thịt lợn vui vẻ, rộn ràng với những tiếng lợn kêu eng éc khắp đường làng, ngõ xóm báo hiệu tết đã về. Ngay từ sáng sớm, những người phụ nữ nổi lửa nhóm bếp, chuẩn bị nước sôi, mắm, muối, rổ rá, cân, lá chuối... để đựng thịt lợn. Những người đàn ông chuẩn bị dao, thớt vào chuồng trói lợn, khiêng ra sân chọc tiết, rồi người thì cạo lông, người làm lòng. Trẻ con háo hức chuyển từng xô nước, giúp người lớn múc nước rửa lòng.
Con lợn khi làm lông xong được mang ra thái thịt, lọc xương. Mọi thứ sẽ được phân ra đều nhau cho từng gia đình từ chân giò, thịt nạc, mỡ, phần xương, miếng thủ, miếng tai, miếng lưỡi đến tiết canh, lòng, dồi... Thịt lợn mang về được làm nhân bánh chưng, lạp sườn, thịt treo gác bếp... Trước đây, khi chưa có tủ lạnh, các phần thịt còn lại được cắt thành từng miếng và đem ướp muối, rồi vào ngày tết mang ra chế biến thành các món ăn tùy theo khẩu vị.
Sau khi chia phần xong, các nhà sẽ tổ chức liên hoan ngay tại gia đình mổ lợn. Bữa ăn có sự tham gia đầy đủ của tất cả thành viên trong các gia đình tham gia chung lợn, có khi lên vài mâm cỗ. Tất cả các món ăn đều được chế biến từ con lợn vừa thịt, thường là nội tạng lợn như: lòng, gan, tim, cật… Trong bữa cơm này, mọi người cùng nhau ngồi lại, trút bỏ những lo toan, bộn bề cuộc sống, quây quần nói chuyện về tình hình sản xuất, tổng kết lại chuyện một năm qua, cùng nhau hướng tới năm mới tốt đẹp, an lành. Trẻ con háo hức thưởng thức những món ngon từ thịt lợn. Sự quây quần, sum tụ đông vui như khúc nhạc dạo đầu cho tết, không khí tưng bừng và háo hức.
Trước khi mổ lợn, các bà, các mẹ chuẩn bị sẵn sàng ngâm gạo nếp, đỗ xanh, chờ phần thịt được chia về đến nhà là tẩm ướp, làm nhân để gói bánh chưng. Tối đến, lũ trẻ ngồi bên bếp lửa đỏ bập bùng đun nồi bánh chưng, háo hức nghe bà kể chuyện cổ tích cả đêm. Sau ngày mổ lợn, sáng hôm sau, mùi bánh chưng vừa vớt khỏi nồi hãy còn nóng. Khắp đường làng, ngõ xóm thoang thoảng mùi vị thịt luộc, bánh chưng... hương vị tết đậm đà, ấm áp lan tỏa khắp không gian làng quê.
Những năm gần đây, đời sống được cải thiện, người dân không còn nhu cầu dự trữ thực phẩm ngày tết nhiều như xưa. Hàng hóa phong phú với nhiều loại thức ăn chế biến sẵn nên tục mổ lợn chung vào dịp tết ở nhiều nơi dần mai một. Tuy nhiên, ở các miền quê vẫn còn nhiều gia đình duy trì phong tục này để có thể ăn thịt lợn sạch và có không khí đón tết. Mổ lợn chung không chỉ là một tập quán ở miền quê trong thời kỳ kinh tế khó khăn, thực phẩm khan hiếm mà đây là nét văn hóa của người dân vùng quê hay thành thị, tạo sự đoàn kết giữa xóm làng và hướng tới năm mới ấm no, hạnh phúc.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tuc-mo-lon-chung-an-tet-3167140.html