Từ vụ thuốc giả, sữa bột giả: Kiểm nghiệm sản phẩm thế nào trước khi ra thị trường?

Hiện quy trình đấu thầu và kiểm nghiệm thuốc đưa vào bệnh viện được thực hiện rất chặt chẽ. Tuy nhiên, quản lý sữa vẫn có lỗ hổng.

Gần đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả. Tiếp đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện vụ sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn... làm rúng động dư luận.

Thuốc lưu hành phải đạt kiểm nghiệm 100%

Trả lời PLO về quy trình kiểm nghiệm dược phẩm, ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết để một loại thuốc được lưu hành trên thị trường, bắt buộc phải qua kiểm nghiệm đạt 100%.

Việc này do hai đơn vị thực hiện. Đó là doanh nghiệp sản xuất (thông qua hệ thống kiểm nghiệm nội bộ đạt chuẩn) hoặc đơn vị kiểm nghiệm độc lập, được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được kiểm nghiệm thuốc do chính họ sản xuất, không kiểm nghiệm cho đơn vị khác.

“Khi kiểm nghiệm, doanh nghiệp có thể áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (do họ tự xây dựng) hoặc tiêu chuẩn theo dược điển, nhưng tiêu chuẩn cơ sở không được thấp hơn tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam - vốn được sử dụng phổ biến” - ông Danh nói.

Với thuốc nhập khẩu, phải có phiếu kiểm nghiệm từ nơi sản xuất. Một số nhóm thuốc bắt buộc phải kiểm nghiệm lại trước khi lưu hành như vaccine, huyết thanh hoặc thuốc từng vi phạm chất lượng (thuộc diện tiền kiểm).

 Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả cùng tang vật bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả cùng tang vật bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ.

Thuốc giả có hai dạng phổ biến, đó là giả nhãn mác (lấy thương hiệu thật nhưng thay đổi bao bì) và giả hoàn toàn (không chứa dược chất).

“Tuy nhiên, với quy trình kiểm nghiệm và đấu thầu chặt chẽ, thuốc giả gần như không thể lọt vào bệnh viện, vì tất cả thuốc sử dụng trong bệnh viện đều phải có đầy đủ hồ sơ, hóa đơn và phiếu kiểm nghiệm” - ông Danh khẳng định.

Để tránh mua trúng thuốc giả, ông Danh khuyến cáo người dân nên mua thuốc tại cơ sở đạt chuẩn, được cấp phép; yêu cầu hóa đơn khi mua; nên khám tại bệnh viện để được cấp phát thuốc an toàn; theo dõi cảnh báo thuốc giả từ cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các nhà thuốc chỉ nên nhập thuốc từ nguồn có hóa đơn, chứng từ rõ ràng; tuyệt đối không ham rẻ mà mua từ nguồn không rõ, tránh nguy cơ thuốc giả.

Vì sao sữa bột giả tiếp cận được người bệnh?

Một bác sĩ chuyên khoa ung bướu tại TP.HCM cho hay, ông đã gặp nhiều bệnh nhân ung thư vì tin những lời quảng cáo sữa, thực phẩm chức năng mà bỏ ngang điều trị.

"Có người sau khi nghe sản phẩm có công dụng thần kỳ do chính nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo dẫn đến "tiền mất tật mang". Có người vì tin lời quảng cáo sữa có thể tiêu được khối u nên bỏ luôn điều trị, đến khi bị nặng mới quay lại bệnh viện", ông nói.

Cũng theo bác sĩ này, hiện nay các thực phẩm chức năng, sữa tiếp cận người bệnh khá dễ dàng bởi đánh vào tâm lý "có bệnh vái tứ phương", chỉ cần vài lời quảng cáo "có cánh" là bệnh nhân dễ dàng tin.

Dễ thấy nhất là khu vực quanh bệnh viện, các cửa hàng bán sữa đủ loại, trong khi chất lượng sữa thật giả lẫn lộn, mắt thường khó phân biệt. Bác sĩ này cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm để bảo vệ sức khỏe người dân.

 Một nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất. Ảnh VTV

Một nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất. Ảnh VTV

Liên quan đến thông tin xuất hiện sữa bột giả trong bệnh viện, một chuyên gia y tế tại TP.HCM cho biết, thực tế nhiều bệnh viện có ki-ốt, căn-tin do tư nhân thuê mặt bằng kinh doanh, không do bệnh viện trực tiếp quản lý.

"Nếu bệnh viện buông lỏng giám sát, không quy định rõ loại hàng hóa hoặc không kiểm tra định kỳ thì nguy cơ hàng kém chất lượng, thậm chí hàng giả, len lỏi vào là hoàn toàn có thể.

Người dân có xu hướng tin tưởng mọi sản phẩm bán trong bệnh viện đều được kiểm soát nên dễ dàng tiếp cận và mua phải sữa bột giả. Đây là một lỗ hổng" - vị này nêu.

Cũng theo chuyên gia này, bệnh viện phải có trách nhiệm liên đới khi sự cố xảy ra. Việc “khoán trắng” cho bên thuê mà không kiểm tra, giám sát là chưa phù hợp với vai trò một cơ sở khám chữa bệnh.

Bán sữa bột giả, thuốc giả là tội ác

Trả lời cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Phú Nhuận vào ngày 18-4, liên quan đến vụ phát hiện sữa bột giả và thuốc giả, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết hàng gian, hàng giả, nhập lậu, trốn thuế là vấn nạn nguy hiểm, thậm chí có sự tiếp tay của người tiêu dùng, nhất là trên mạng xã hội.

Bà Lan cho rằng tình trạng sữa bột giả nhắm vào trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người già là tội ác. Việc gần 600 loại sữa bột giả bị phát hiện ở Hà Nội và 1 số tỉnh miền Bắc không đồng nghĩa TP.HCM an toàn, bởi kênh nhỏ lẻ vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Từ năm 2018 đến nay, TP.HCM có hơn 296.000 hồ sơ công bố, tự công bố sản phẩm, nhưng không thể hậu kiểm toàn bộ. Vì vậy, sở phải ưu tiên kiểm tra theo rủi ro, đặc biệt với những công ty đăng ký nhiều nhãn hàng hoặc quảng cáo quá đà.

Bà Lan nhấn mạnh sản phẩm liên quan đến sức khỏe phải được công bố, xét duyệt trước khi lưu hành và hậu kiểm là khâu then chốt. Bà khuyến cáo người dân nên mua sản phẩm ở nơi hợp pháp, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng.

Áp dụng chuyển đổi số vào kiểm soát thuốc

Để kiểm soát tốt được nguồn gốc, chất lượng thuốc cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp song song với áp dụng các chế tài như hiện nay.

Một trong các giải pháp cốt lõi và lâu dài là nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng thuốc thông qua truyền thông, giáo dục... để họ nhận thức được những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, thuốc không rõ nguồn gốc. Từ đó, hạn chế thói quen tự mua thuốc uống mà không đi khám như hiện nay.

Cạnh đó, cần áp dụng chuyển đổi số trong kiểm soát các loại thuốc lưu hành trên thị trường, ví dụ sử dụng mã QR code để truy xuất nguồn gốc, số lô, hạn dùng của từng sản phẩm.

Khi đó, việc quản lý của cơ quan nhà nước sẽ dễ dàng hơn; cơ sở kinh doanh cũng tiết kiệm được nhân lực, chi phí trong việc quản lý lô, hạn sử dụng sản phẩm; người dân dễ dàng tiếp cận và tra cứu nguồn gốc sản phẩm để yên tâm sử dụng.

Đại diện FPT Long Châu

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-vu-thuoc-gia-sua-bot-gia-kiem-nghiem-san-pham-the-nao-truoc-khi-ra-thi-truong-post845158.html