Tư duy ngược

Tư duy ngược (Reverse thinking) là cách tiếp cận vấn đề theo hướng đi ngược lại so với cách tư duy thông thường. Thay vì xác định mục tiêu, rồi tìm cách thực hiện để đạt mục tiêu đó, tư duy ngược lại đảo ngược vấn đề bằng cách suy nghĩ xem phải làm gì để không đạt được mục tiêu ban đầu.

Tranh: ITN.

Tranh: ITN.

Tư duy ngược cũng có người gọi là tư duy nghịch. Thực tế, trong cuộc sống chúng ta thường quen với tư duy xuôi chiều, hay nói cách khác là tư duy thuận. Như một dòng sông thì phải chảy xuôi chiều. Như nước từ trên cao thì phải chảy xuống thấp. Như bố mẹ thì phải yêu thương, chăm sóc con. Như ai đó hỏi giá cả mặt hàng này thì có nghĩa đang quan tâm đến mặt hàng đó…

Nhưng nếu cứ quen theo lối tư duy ấy, lâu dần chúng ta sẽ lười suy nghĩ, hay nói cách khác, não trạng chúng ta sẽ hằn nên những “nếp nghĩ” quen thuộc. Lâu dần thành một “rãnh”, khó có sự linh hoạt, đổi mới, sáng tạo.

Humphrey B. Neill - tác giả của cuốn sách “Nghệ thuật tư duy ngược dòng” cho rằng, nghệ thuật tư duy ngược dòng có thể được định nghĩa một cách đơn giản là đưa tư duy của bạn thoát khỏi lối mòn và những ý kiến của đám đông. Tác giả cũng cho rằng trong nhiều trường hợp, đôi khi đám đông có cùng suy nghĩ và quan điểm giống nhau, nhưng nhiều khả năng tất cả đều sai.

Những người thành công, những doanh nhân thành đạt, thường vận dụng những tư duy khác biệt, trong đó những tư duy ngược hay được họ áp dụng.

Cùng đọc ba trong số rất nhiều câu chuyện sau:

Chuyện thứ nhất. Tư Mã Quang là quan lại thời nhà Tống ở Trung Quốc. Thuở nhỏ, khi ông đang chơi đùa cùng với những đứa trẻ khác thì bỗng có một cậu bé rơi xuống bể nước. Tất cả bọn trẻ đều hoảng sợ bỏ chạy ngoại trừ Tư Mã Quang. Ông đã dùng một cục đá ra sức đập bể nước và cứu được cậu bé kia.

Chuyện thứ hai. Có một người giàu, mỗi lần ra khỏi nhà đều sợ có người tới cướp nhà mình, anh ta muốn mua một chú chó lai sói về trông nhà, nhưng lại sợ cho chó ăn thì lại tốn tiền.

Sau một khoảng thời gian dài đắn đo suy nghĩ, anh ta cuối cùng cũng nghĩ ra một cách: Trước khi ra khỏi nhà, anh ta bỏ pass wifi đi, để thành free wifi, sau đó yên tâm ra khỏi nhà.

Kể từ ngày đó, ngày nào cũng có mười mấy người đứng trước cửa nhà anh ta bắt wifi miễn phí, rất an toàn và cũng không còn phải lo lắng nữa.

Chuyện thứ ba. Một người giàu đi mua táo. Ông hỏi người bán hàng: "Táo này bao tiền một cân?"

Người bán hàng hàng nói: "16 ngàn một cân."

Ông chọn lấy hai quả táo đặt lên bàn cân, sau đó chọn lấy một quả to nhất để lên cùng.

Người bán hàng nhìn cân rồi nói: "10 ngàn".

Ông lấy quả to nhất ra khỏi cân tỏ ý không cần, người bán hàng liếc ông một cái rồi nói kiểu hách dịch: "8 ngàn".

Trên thực tế thì quả táo to nhất kia còn nặng hơn cả hai quả táo trên cân, rõ ràng là người bán hàng vô lý, người xung quanh chứng kiến đều rất không hài lòng.

Nhưng người giàu ngược lại vẫn rất bình tĩnh, lấy từ trong túi ra 2 ngàn đưa cho người bán hàng, nhưng ông không lấy 2 quả táo trên bàn cân mà cầm lấy quả táo to nhất mà mình vừa bỏ ra khỏi cân, rồi vui vẻ ra về.

Câu chuyện thứ nhất cho ta thấy, thông thường, để cứu người rơi xuống nước chúng ta sẽ nhảy xuống và đưa họ lên khỏi mặt nước. Nhưng trong trường hợp này, Tư Mã Quang đã chọn “cách ly” cậu bé với nước và nhờ đó đã cứu được người bạn của mình.

Câu chuyện thứ hai chỉ ra: Nếu đổi góc độ suy nghĩ vấn đề, kết quả sẽ khác nhau rất nhiều.

Câu chuyện thứ ba, nếu đổi cách tính, tự mình nghĩ ra một phương pháp khác, bạn sẽ phát hiện ra cách giải quyết vấn đề mới.

Nghĩ ngược lại và làm khác đi là một mệnh đề được thế giới đã đúc kết thành những cuốn sách để khuyến khích mọi người suy nghĩ vấn đề theo cách đi ngược lại với nguyên tắc quen thuộc, hoặc theo lối mòn thường thấy. Cách tư duy này giúp chúng ta tạo ra nhiều ý tưởng mới, sáng tạo mới, khám phá những điều mà người khác không thấy được và có những thành tựu đầy bất ngờ.

Tư duy ngược đã và đang được sử dụng khá phổ biến trong việc tìm ra những hướng giải quyết vấn đề mang tính đột phá, khác biệt. Đã có nhiều tư duy ngược dịch chuyển thế giới đem lại những phát minh, sáng chế đáng kể cho nhân loại.

Ông Paul Arden - vốn là Giám đốc điều hành sáng tạo tại tập đoàn nổi tiếng Saatchi & Saatchi - đã gửi gắm thông điệp: “Đừng ngại thay đổi, thế giới bên ngoài “vùng an toàn” hấp dẫn hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ, nhưng chỉ dành cho những người dũng cảm thay đổi, dám bước chân ra thế giới rộng lớn. Cho nên hãy cứ tưởng tượng, sáng tạo, phá vỡ những nguyên tắc, mạnh dạn đi những bước đi riêng của mình; dám hành động thì sẽ ắt thành công”.

Mỗi người trong chúng ta là những cá thể khác biệt, nên có những khả năng và sự sáng tạo riêng. Vì vậy, bạn hãy để bản thân có cơ hội rẽ một lối riêng - ở đó có thể bạn sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng để bạn đi đúng hướng và thực hiện được những dự định của chính mình.

Đi theo số đông sẽ luôn là phương án an toàn để bạn yên tâm và tự tin rằng mình không cô đơn, không sai lầm, không thất bại một mình. Nhưng làm cái mà ai cũng làm cũng sẽ khiến bạn thực sự nhàm chán.

Bạn cũng nên đừng quá hòa mình vào đám đông, sống và làm việc phải có chính kiến. Không ngừng học hỏi những điều mới, trau dồi khả năng sáng tạo của bản thân, bởi vì lối mòn sẽ giết chết sự sáng tạo trong bạn.

Hãy thử một lần bước chân ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ thấy thế giới ngoài kia rộng lớn, có nhiều điều mới mẻ, có thể bạn chưa từng biết. Bạn có thể chọn cho mình con đường bằng cách phá vỡ các nguyên tắc vốn có để tung cánh bay, hoặc kìm hãm chính mình trong lối mòn cũ, không có cơ hội tìm kiếm những thứ mới.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những quan điểm, suy nghĩ riêng của bản thân mình. Trong nghệ thuật tư duy, đôi khi bạn sẽ có lối suy nghĩ đi ngược lại với đám đông, điều đó không có nghĩa là bạn sai, và cũng không thể chắc chắn rằng suy nghĩ của đám đông luôn đúng.

Ví dụ bạn muốn có cuộc sống đơn giản hơn, thoải mái hơn. Thay vì suy nghĩ về cách làm thế nào để có được điều này thì bạn có thể áp dụng tư duy ngược đó là “làm cách nào để cuộc sống trở nên phức tạp, căng thẳng hơn?”. Khi đó bạn sẽ dễ dàng nhận ra những vấn đề nào làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Hoặc sau khi liệt kê ra những điều khiến cuộc sống căng thẳng, bạn bỗng nhận ra chúng đang không hề tồn tại. Từ đó bạn sẽ hài lòng và yêu cuộc sống của mình hơn.

Trước thực trạng nước biển dâng khiến hạn mặn xâm nhập, gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra gợi ý nên “tư duy ngược để biến nguy thành cơ”.

Theo ông Thiên, để giải quyết được vấn đề này cần có tư duy lật ngược tình thế và chỉ có một cách, đó là biến thách thức thành cơ hội. Chính quyền cần nhận thức được thách thức, tạo cơ hội cho doanh nghiệp; còn doanh nghiệp hưởng ứng, tận dụng cơ hội đó thì mới vượt qua nghịch cảnh này.

Ông phân tích: Bến Tre thiếu nước ngọt là thách thức, nếu ai biết tạo ra nước ngọt thì thách thức sẽ thành cơ hội. Họ có cơ hội là đào giếng và nuôi thủy sản giống khác với truyền thống để thích nghi với nạn xâm mặn. Tư duy ngược như vậy có hàm ý rằng, để vượt qua thách thức phải làm những việc chưa từng có để tạo ra cấu trúc phát triển khác, và đây là cơ hội của cả chính quyền và doanh nghiệp.

Như đã nói, tư duy ngược có thể giúp bạn thoát ra khỏi lối suy nghĩ cứng nhắc, vượt qua định kiến và tìm ra những giải pháp sáng tạo. Người ta đã chỉ ra, tư duy ngược có những ưu điểm như:

1/ Khuyến khích khả năng sáng tạo: Bạn sẽ khám phá những giải pháp bất ngờ mà bạn có thể chưa từng nghĩ tới với lối tiếp cận mới;

2/ Giúp xác định nguyên nhân gốc rễ: Trong nhiều trường hợp nhờ lối tư duy ngược bạn có thể xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Điều này sẽ giúp phát triển các giải pháp hiệu quả;

3/ Tạo ra nhiều giải pháp: Bằng cách bắt đầu với những kết quả tiêu cực, bạn sẽ lật ngược lại vấn đề và tìm ra nhiều giải pháp tích cực mà mình chưa nhận ra trong cách tiếp cận truyền thống;

4/ Thúc đẩy tinh thần đồng đội: Khi làm việc nhóm, các thành viên trong có thể xây dựng ý tưởng bằng những cách tiếp cận khác nhau mang đến góc nhìn đa chiều.

Tuy nhiên, nhược điểm của lối tư duy này là: Tốn thời gian; Tạo ra những ý tưởng phi thực tế; đặc biệt, không hiệu quả với mọi vấn đề. Cụ thể, tư duy ngược có thể hiệu quả với những vấn đề mà giải pháp truyền thống không xử lý được nhưng lại bộc lộ điểm yếu với những vấn đề đơn giản.

HUY THẮNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tu-duy-nguoc-10280744.html