Truyền thông Đức: Mỹ và Trung Quốc đã và đang thực sự tách rời nhau
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với Fox News tối 23/8, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, nếu Trung Quốc không thể đối xử với Mỹ một cách đúng đắn, ông 'tất nhiên sẽ chọn cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc'. Trên thực tế, quá trình tách rời giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bắt đầu và các nhà chức trách Trung Quốc cũng đang thúc đẩy nó.
Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) tiếng Trung ngày 24/8 viết, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền “Trung Quốc đang cướp bóc nước Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác”; Mỹ “chỉ có thể có được từ Trung Quốc một số sản phẩm mà chúng ta có thể tự sản xuất”, “Quy mô thiệt hại của chúng ta lên tới hàng trăm tỷ đô la”.
Ông Trump cũng đề cập đến Hiệp định thương mại giai đoạn một giúp giảm nhẹ bớt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, sau khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, “Hiệp định trở nên vô nghĩa đối với tôi”. Ông thậm chí còn nói rằng có thể cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. “Nếu họ không thể đối xử với chúng tôi một cách đúng đắn, tất nhiên tôi sẽ chọn làm như thế”.
Vào giữa tháng 6 năm nay, ông Trump cũng từng công khai tuyên bố rằng tách rời Trung Quốc luôn là một trong những lựa chọn chính sách của Mỹ. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó là để bác bỏ tuyên bố của nhà đàm phán thương mại Mỹ Robert Lighthizer rằng “việc tách rời quan hệ Mỹ-Trung hiện không phải là một chính sách hợp lý”.
Huawei là công ty công nghệ đầu tiên của Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt (Ảnh: Đa Chiều).
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hồi cuối tháng 6 nói, nếu các công ty Mỹ không thể có được một môi trường cạnh tranh bình đẳng trên thị trường Trung Quốc, thì nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ tách rời nhau. “Nếu Mỹ không thể tham dự cạnh tranh trên cơ sở cạnh tranh công bằng, thì bạn sẽ thấy quá trình tách rời nhau sẽ tiếp tục”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong bài phát biểu ngày 23/7 năm nay cũng đề cập đến vấn đề tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng so với đối thủ là Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc ngày nay hội nhập chặt chẽ hơn với nhiều nước trong đó có Mỹ, điều này đặt ra một thách thức rất lớn.
Việc tách rời về công nghệ đã diễn ra
Hiện tại, sự “tách rời” giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu tập trung trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Mỹ đã khởi động “tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia” trong lĩnh vực viễn thông, theo đó cấm các công ty Mỹ hoặc các công ty nước thứ ba sử dụng các sản phẩm của Mỹ tiến hành kinh doanh với Huawei và nhiều công ty Trung Quốc. Bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này, việc cung cấp sản phẩm của Huawei cho khách hàng Mỹ sẽ bị gián đoạn; mặt khác, Huawei cũng không thể mua được chip của Mỹ và thậm chí công ty Đài Loan TSMC cũng sẽ cắt nguồn cung chip cho Huawei sau tháng 9 năm nay. Công nghệ gia công chip của TSMC sử dụng nhiều công nghệ của Mỹ nên cũng phải chịu quản chế bởi lệnh cấm của Mỹ.
DJI thoát khỏi bị Mỹ trừng phạt do sản phẩm drone cỡ nhỏ của họ không có sản phẩm thay thế (Ảnh: Deutsche Welle).
Trong mấy tuần gần đây, Mỹ cũng đã vung "cây gậy lớn" đối với các nhà phát triển phần mềm Trung Quốc. Ông Trump đã ký một mệnh lệnh hành pháp yêu cầu các công ty và cá nhân Mỹ ngừng bất kỳ hình thức giao dịch nào với các công ty mẹ của TikTok và WeChat. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty Mỹ như Microsoft, Twitter và Oracle đang tìm cách thâu tóm mảng kinh doanh TikTok ở Mỹ. Công ty mẹ của TikTok là ByteDance đã chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ về lệnh hành pháp này.
Mới tuần trước, chính phủ Mỹ cũng thông báo rằng hãng sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc Đại Cương (Dajiang, DJI) đã bị cấm tham gia vào các dự án mua sắm của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, là công ty dẫn đầu ngành, các sản phẩm drone nhỏ của DJI ít có sản phẩm thay thế trên thị trường, thị phần chiếm tới 70%. Hoạt động kinh doanh của DJI với các khách hàng Mỹ bình thường không bị ảnh hưởng nhiều. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ cũng đưa ra phán quyết cuối cùng về việc các sản phẩm của DJI có vi phạm quyền bằng sáng chế hay không vào ngày 21/8, cho biết sẽ không ban hành lệnh cấm đối với DJI.
Trung Quốc tăng cường khuyến khích “nội tuần hoàn”
Mặt khác, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho việc "tách rời" khỏi Mỹ, giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ và thị trường Mỹ, nỗ lực khởi động "nội tuần hoàn" (lưu thông nội bộ). Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây nối nhau tuyên bố khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc và các công ty Trung Quốc ưu tiên các sản phẩm nội địa hơn là các sản phẩm nhập khẩu. Mục tiêu chính của chiến lược “Made in China 2025” đã được đưa ra từ nhiều năm trước cũng là nhằm tìm kiếm sự tự chủ về công nghệ và loại bỏ sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài do Mỹ dẫn đầu.
Trung Quốc đang nỗ lực khuyến khích phát triển mã nguồn bản địa để thay thế cho sản phẩm của GifHub (Ảnh: Deutsche Welle).
Mới đây, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã công bố kết quả đấu thầu của "Dự án nền tảng lưu trữ mã nguồn mở 2020", thông báo rằng họ sẽ dựa vào nền tảng Gitee của bản địa Trung Quốc để xây dựng nền tảng lưu trữ mã nguồn mở độc lập của Trung Quốc. Những người trong ngành công nghệ thông tin chỉ ra rằng động thái này rõ ràng là để tạo ra một giải pháp thay thế cho Github. Hiện tại, GitHub là nền tảng lưu trữ mã nguồn mở ưa thích của các lập trình viên trên toàn thế giới và được vận hành bởi Microsoft. Vào năm 2019, GitHub đã cắt các dịch vụ ở Iran, Syria, Crimea..., gây ra sự tức giận và hoảng sợ trong cộng đồng mã nguồn mở. Vào thời điểm đó, quan chức điều hành cấp cao Huawei là Vương Thành Lục nói: "Nếu Trung Quốc không có cộng đồng mã nguồn mở riêng để duy trì và quản lý mã nguồn, thì ngành công nghiệp phần mềm trong nước của chúng ta sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố không thể kiểm soát”.
Nội dung "nhạy cảm về chính trị" trên GitHub cũng luôn khiến các nhà chức trách Trung Quốc đau đầu. Vào năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã tạm thời chặn GitHub trong thời gian ngắn, ảnh hưởng nghiêm trọng vào công việc hàng ngày của một số lượng lớn lập trình viên ở Trung Quốc và gây ra phản ứng dữ dội từ nhiều nhà lãnh đạo trong ngành, trong đó có Lý Khai Phúc (Kai-Fu Lee, chuyên gia IT hàng đầu người Đài Loan). Do áp lực quá lớn, chính quyền Trung Quốc đã phải mở lại GitHub chỉ sau vài ngày. Nếu có các giải pháp thay thế ở nội địa Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không còn phải lo lắng về việc “ném bình sợ vỡ lọ quý” khi chặn GitHub.