Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh: Làm tốt công tác dạy nghề, hỗ trợ hội viên

Một buổi hướng dẫn thực hành học nghề phòng trị bệnh cho trâu, bò tại xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGỌC HÂN

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh) phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống.

Nông dân phấn khởi

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, cho biết: Xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hội viên nông dân có vai trò quan trọng, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân, nhất là nông dân ở nông thôn, trung tâm tiến hành khảo sát, tập hợp hội viên nông dân có nhu cầu học nghề, sau đó tổ chức dạy nghề hoặc phối hợp với các đơn vị, đối tác để tổ chức các khóa dạy nghề, đáp ứng thiết thực và kịp thời nhu cầu học nghề của nông dân.

Bà Nguyễn Thị Dung ở phường 9, TP Tuy Hòa chia sẻ, hơn 10 năm trước, kinh tế gia đình khó khăn, bà làm đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng thu nhập rất bấp bênh. Năm 2015, khi có chính sách hỗ trợ cho người dân trong độ tuổi lao động tham gia học nghề, bà đăng ký học trồng và chăm sóc cây cảnh. Đến nay, sau 5 năm chịu khó vừa làm vừa học hỏi, bà đã nắm vững các quy trình sinh trưởng, thời điểm bón phân, phun thuốc cho cây. Đặc biệt, bà đang sở hữu một vườn cây bonsai trị giá hàng tỉ đồng. Nguồn hàng cung ứng cho thương lái trong và ngoài tỉnh cũng ổn định. Bà Dung cho biết: “Việc trồng cây bonsai đã giúp tôi có nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều nông dân tại địa phương”.

Không chỉ riêng bà Dung mà những người nông dân khác ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng rất phấn khởi khi được tham gia các lớp học nghề miễn phí do Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức. Bà Lê Thị Ngọc Điệp ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa phấn khởi nói: “Vừa qua, tôi được tham gia học lớp làm nấm rơm tại xã do Hội Nông dân tổ chức. Tham gia khóa học, tôi được miễn học phí và hỗ trợ nguyên vật liệu thực hành. Học xong tôi được giới thiệu việc làm ngay tại địa phương”.

Hơn 15.000 nông dân được học nghề

Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Tỉnh hội đã chỉ đạo hội nông dân các cấp tiến hành điều tra, khảo sát sơ bộ tình hình lao động nông thôn trên cơ sở có định hướng những ngành nghề phù hợp với từng đơn vị. Với vai trò đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã xây dựng các chương trình, khung chương trình theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tốt các lớp đào tạo nghề, liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đào tạo theo đơn đặt hàng, giúp hội viên, nông dân có việc làm sau khi hoàn thành khóa học”.

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, từ năm 2015 đến nay, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp với trung tâm đào tạo được trên 350 lớp nghề, với hơn 15.000 lao động nông thôn tham gia học nghề ngắn hạn và sơ cấp nghề. Qua kết quả khảo sát của trung tâm, từ 75-80% lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm ổn định, một số hộ đứng ra thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; đa số gia đình có người tham gia học nghề và phát huy nghề đã học đều được địa phương công nhận thoát nghèo; một số hộ trở thành hộ khá giả, kinh tế gia đình từng bước phát triển, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Ông Ma Dom ở buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh là điển hình tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu của địa phương. Ma Dom chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi, tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 5 con heo, bò về nuôi sinh sản và vỗ béo để bán. Số tiền thu được hàng năm tôi quay vòng đầu tư tăng đàn và chăn nuôi gia cầm thêm. Nhờ những kiến thức đã được học mà mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng, cuộc sống dần ổn định, các con có điều kiện học hành”.

Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, trong công tác dạy nghề cho nông dân, trung tâm thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trình độ nhận thức của nông dân. Tài liệu phục vụ giảng dạy được lựa chọn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; áp dụng dạy song hành giữa lý thuyết với thực hành “cầm tay chỉ việc” trên mô hình, cây trồng, vật nuôi.

“Cùng với dạy nghề, công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế được trung tâm chú trọng thông qua phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo tư vấn, hướng dẫn cách xây dựng mô hình kinh tế. Trung tâm thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống cây, con, vật tư phục vụ các mô hình thực hành học nghề của hội viên, nông dân. Ngoài ra còn tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm và thực hiện tốt chương trình mua phân bón chậm trả cho nông dân”, ông Thanh cho biết.

Thông qua công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên đã thay đổi tư duy về cách làm kinh tế, được tiếp cận với phương thức sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các chương trình, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời tranh thủ những nguồn hỗ trợ từ tỉnh, Trung ương triển khai những mô hình điểm về sản xuất theo quy mô hàng hóa, đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Huỳnh Văn Dũng

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/253584/trung-tam-ho-tro-nong-dan-tinh--lam-tot-cong-tac-day-nghe-ho-tro-hoi-vien.html