Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Lạc: Năng động tư vấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Lạc chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 5/2020, trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: Trạm Chăn nuôi và thú y, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm. Từ khi thành lập đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm luôn năng động, sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Đồng chí Vũ Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Ngay sau khi thành lập, trung tâm kiện toàn bộ máy, tổ chức, sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ; chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND huyện tổ chức thực hiện dự án, đề án phát triển, nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Quan tâm tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển giao KH-KT, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở.
Trung tâm luôn đồng hành với nông dân, các HTX thông qua việc trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao trình độ, tay nghề. Đến nay, trung tâm đã phối hợp với các công ty cung ứng giống, chương trình, dự án tổ chức được 48 lớp tập huấn cho nông dân. Bên cạnh đó, mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động, từ tháng 5 đến nay mở được 7 lớp đào tạo nghề, thời gian đào tạo từ 2,5 - 3 tháng/lớp, mỗi lớp trung bình từ 30 - 35 học viên. Các lớp tập huấn, đào tạo nghề tập trung trang bị kiến thức về các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Đồng thời, đẩy mạnh việc tư vấn, hướng dẫn phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng ứng dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng kháng sinh, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; phát triển giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị…
Ông Đinh Văn Việt, xóm Bin, xã Tử Nê chia sẻ: Vừa qua, tôi được tham gia lớp tập huấn về trồng cây có múi do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức. Tại lớp tập huấn, nông dân được trang bị những kiến thức mới về KHKT, cách lựa chọn giống, cải tạo đất, kỹ thuật chăm sóc, sử dụng các loại thuốc trong phòng và trị bệnh. Ngoài ra, trung tâm còn tuyên truyền, khuyến cáo các hộ dân thường xuyên thăm vườn, cập nhật thời tiết hàng ngày và tình hình sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để thời tiết, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng mặt hàng nông sản.
Với sự nhiệt tình, tâm huyết trong tư vấn, hướng dẫn chuyển giao KHKT của cán bộ trung tâm, người nông dân đã có ý thức trong việc lựa chọn giống, chăm sóc cây trồng, phòng dịch cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, công tác chăn nuôi trên địa bàn huyện được duy trì ổn định và phát triển, không xảy ra dịch bệnh lớn đối với đàn vật nuôi. Huyện phát triển trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) với tổng diện tích khoảng 1.491,7 ha. Trong đó, bưởi đỏ trên 1.000 ha (500 ha đang thời kỳ thu hoạch). Thu nhập bình quân từ trồng bưởi đỏ đạt trên 700 triệu đồng/ha, nhiều hộ chăm sóc tốt thu trên 1 tỷ đồng/ha.