Trung Quốc thử nghiệm ICBM lần đầu tiên kể từ năm 1980
Trung Quốc tuyên bố đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang theo đầu đạn giả vào Thái Bình Dương.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết ICMB được phóng vào lúc 08:44 giờ địa phương (04:44 GMT) vào 25/9 và "rơi vào khu vực biển dự kiến". Đồng thời nói thêm rằng vụ phóng thử nghiệm này là "hoạt động thường kỳ" và là một phần trong "cuộc huấn luyện thường niên" của nước này.
Loại tên lửa và đường bay của nó vẫn chưa rõ ràng, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã "thông báo trước cho các quốc gia liên quan".
Các nhà phân tích cho biết việc Bắc Kinh mô tả cuộc thử nghiệm này là "thường lệ" là điều đáng ngạc nhiên, vì cuộc thử nghiệm gần đây nhất diễn ra vào năm 1980.
Các cuộc thử vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thường diễn ra trong nước và trước đây nước này đã thử bắn ICBM về phía Tây vào sa mạc Taklamakan ở khu vực Tân Cương. Vì vậy, đây được cho là lần đầu tiên kể từ năm 1980, nước này phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào vùng biển quốc tế.
Ankit Panda, chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, đã viết trên X rằng: "Trừ khi tôi bỏ lỡ điều gì đó, tôi nghĩ về cơ bản đây là lần đầu tiên điều này xảy ra và được công bố như vậy sau một thời gian dài".
Ông nói thêm rằng việc Bắc Kinh mô tả cuộc thử nghiệm là "thường kỳ" và "hằng năm" là kỳ lạ, bởi "vì họ không làm điều này thường kỳ hoặc hàng năm".
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tính đến đầu giờ chiều 25-9, vẫn chưa có thiệt hại nào xảy ra với tàu thuyền của nước này.
Lần thử nghiệm gần đây nhất của Trung Quốc vào tháng 5/1980. Khi đó ICBM đã bay được 9.070km và hạ cánh xuống Thái Bình Dương. Cuộc thử nghiệm đó có sự tham gia của 18 tàu hải quân Trung Quốc và vẫn được coi là một trong những nhiệm vụ hải quân lớn nhất của Trung Quốc.
Trong báo cáo công bố năm ngoái, Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động trong kho vũ khí của mình, trong đó có khoảng 350 đầu đạn là ICBM.
Báo cáo cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ đạt tới hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Tuy nhiên, con số đó chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 5.000 đầu đạn mà Hoa Kỳ và Nga đều tuyên bố sở hữu.