Trung Quốc thất vọng khi Mỹ 'vượt mặt' bán máy bay cho Argentina
Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập vào khu vực được cho là 'sân sau' của Mỹ, bằng cách tăng cường hợp tác toàn diện với các quốc gia Mỹ Latinh.
Theo EurAsian Times, trước khi ký vào thỏa thuận mua những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đã qua sử dụng từ Đan Mạch, Tổng thống Argentina Javier Milei nhiều khả năng sẽ tham gia bay trên chiếc F-16B hai chỗ ngồi, trong chuyến thăm tới quốc gia Bắc Âu này.
Việc bán F-16 cho Argentina là một thắng lợi ngoại giao của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Chính quyền Buenos Aires trước đó cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới máy bay chiến đấu JF-17 Thunder của Trung Quốc-Pakistan và máy bay chiến đấu Tejas của Ấn Độ, nhằm thay thế cho những chiếc Mirage lỗi thời của không quân nước này.
Không quân Argentina đang rất cần sự bổ sung mới, kể từ khi 16 máy bay chiến đấu Mirage III bị loại biên vào năm 2015.
Tổng thống Argentina Javier Milei sẽ tới Đan Mạch cùng Bộ trưởng Quốc phòng Luis Petri. Bộ trưởng Petri và người đồng cấp Đan Mạch, Troels Lund Poulsen, trước đó đã ký một ý định thư mua 24 máy bay chiến đấu F-16 từ quốc gia Bắc Âu này.
Argentina mua F-16
Theo truyền thông Argentina, Tổng thống Milei đã trải qua cuộc kiểm tra y tế trước khi tham gia chuyến bay trên chiếc F-16 mà Argentina mua từ Đan Mạch. Báo cáo cho biết: “Tổng thống Argentina đã đến Miami, Mỹ trước khi có chuyến thăm đến Copenhagen, nơi ông sẽ đến với tư cách là phi công phụ trên chiếc máy bay chiến đấu F-16”.
Việc đạt được thỏa thuận này được xem là nỗ lực thành công của Mỹ trong việc tăng cường sức ảnh hưởng với Argentina. Nếu kịch bản Argentina mua máy bay chiến đấu Trung Quốc xảy ra, điều này sẽ gây bất lợi cho lợi ích chiến lược của Mỹ, chính vì vậy mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã vội đồng ý cho Đan Mạch bán các máy bay chiến đấu F-16 cho Argentina với tổng giá trị 320 triệu USD. Trước đó, Đan Mạch cũng đã cam kết tặng 19 máy bay phản lực F-16 cho Ukraine.
Các ngân hàng và Chính phủ Mỹ có thể sẽ cung cấp các khoản vay để hỗ trợ tài chính cho thỏa thuận này, bao gồm cả hệ thống vũ khí và các thiết bị hỗ trợ khác do các công ty Mỹ sản xuất. Đan Mạch cũng sẽ cung cấp thiết bị mô phỏng và phụ tùng.
Đan Mạch đang cho loại biên những chiếc F-16 để mở đường cho việc biên chế chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 mua từ Mỹ. Các chuyên gia Đan Mạch khẳng định F-16 đang ở tình trạng tốt và có thể bay thêm một thập kỷ nữa.
Như EurAsian Times đưa tin trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn Trung Quốc cung cấp JF-17 cho Buenos Aires. Các chuyên gia quân sự tiết lộ rằng, những chiếc F-16 được cung cấp cho Argentina sẽ kèm theo tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM và AIM-9, hai loại tên lửa không đối không quan trọng đang được Không quân Mỹ sử dụng.
Bên cạnh vũ khí kèm theo, thỏa thuận này còn bao gồm một gói hỗ trợ, thiết bị và thông tin bảo trì. Washington nhấn mạnh rằng, F-16 là chiếc máy bay đã được chứng minh qua chiến đấu và khả năng thay thế phụ tùng rất dễ dàng.
Các hãng tin Argentina gọi đây là “một sự kiện có tác động địa chính trị to lớn, bởi có sự canh tranh gay gắt giữa Washington với Bắc Kinh”.
Làm “mềm” cho thỏa thuận F-16
Quốc gia Nam Mỹ này cũng đang được nhận gói hỗ trợ tài chính trị giá 40 triệu USD từ Mỹ. Mỹ cũng đã chuyển giao một máy bay hoạt động đặc biệt là Hercules C-130H TC-60 cho Không quân Argentina. Tin tức này được công bố vào ngày 3/4, sau khi kết thúc cuộc gặp giữa Bộ chỉ huy cấp cao Mỹ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Luis Petri.
Hercules C-130H TC-60 đã được đưa vào biên chế không quân Argentina theo hợp đồng cho thuê vào giữa năm 2023. Kể từ đó, nó là một phần của Tập đoàn Vận tải Hàng không số 1 có trụ sở tại Căn cứ Không quân El Palomar, nằm ở Buenos Aires.
Việc chuyển giao hoàn toàn cho Lực lượng Không quân Argentina là một tin tuyệt vời đối với Phi đội Vận tải số 1, hiện đang vận hành một phi đội máy bay vận tải K/C-130H Hercules.
Thỏa thuận F-16 đã trở nên dễ dàng hơn còn nhờ vào việc mua một loại máy bay quan trọng khác. Vào tháng 9/2023, Buenos Aires đã ký thỏa thuận với Na Uy để mua 4 máy bay giám sát hàng hải (MPA) Lockheed P-3 Orion đã qua sử dụng, dưới sự nhất trí của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Milei được cho là đã phát hành khoản thanh toán đầu tiên trị giá 10 triệu USD.
Trung Quốc tiến vào “sân sau” của Mỹ
Mỹ đã ngăn chặn nỗ lực xâm nhập vào khu vực Mỹ Latinh của Trung Quốc, bằng cách thuyết phục Argentina không lựa chọn máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc sản xuất.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang thực hiện một nỗ lực khác nhằm vào sân sau của Mỹ ở Mỹ Latinh, bằng cách tiếp thị xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 cho Colombia.
Vẫn còn phải xem liệu Colombia, một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, có chịu chấp nhận hay không. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã gây được thiện cảm với Colombia khi hai nước này nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023.
MBT-3000 VT-4 của Trung Quốc sẽ tăng thêm sức mạnh cho lực lượng thiết giáp Colombia. Trong buổi trình diễn trực tiếp, các chuyên gia Trung Quốc đã nhấn mạnh khả năng của những chiếc xe tăng này và khả năng cao là 44 chiếc xe tăng trong số này có thể được mua để thành lập đơn vị thiết giáp đầu tiên của Colombia.
Mối quan hệ quốc phòng của Colombia với Trung Quốc tiến triển chậm chạp nhưng lại có dấu hiệu tăng lên trong thời gian qua. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã quyên góp các thiết bị quân sự cỡ nhỏ.
Quà tặng từ Trung Quốc trong những năm qua bao gồm mũ và găng tay cho các tiểu đoàn vùng núi cao của Colombia, Trung Quốc còn tặng cầu công binh di động và hai máy bay vận tải hạng trung Y-12 trong năm 2014.
Các máy bay Trung Quốc cũng đã phục vụ trong môt thời gian cho Satena, hãng hàng không quốc gia do quân đội Colombia điều hành, để vận chuyển binh sĩ và thiết bị đến những vùng xa xôi của đất nước mà các hãng hàng không truyền thống không thể phục vụ được. Tuy nhiên chúng đã bị dỡ bỏ do lo ngại về tính an toàn sau các sự cố thời tiết.