Trung Quốc 'oằn mình' trong đợt nắng nóng
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, các cảnh báo về nắng nóng gay gắt đã được ban hành cho gần 70 thành phố của Trung Quốc, nơi nhiệt độ dự kiến sẽ vượt quá 40 độ C.
393 thành phố và quận khác của Trung Quốc được dự báo sẽ oi bức trong nền nhiệt 35 độ C trở lên, chính quyền cho biết thêm.
Nhiệt độ ở Trung Quốc đang tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu và đợt nắng nóng mới nhất đã làm dấy lên những lo ngại mới về tốc độ ấm lên toàn cầu.
Đợt nắng nóng mới nhất, được định nghĩa là những khoảng thời gian thời tiết nóng bất thường kéo dài từ ba ngày trở lên, là đợt sóng nhiệt thứ hai trong tháng này. Nhiệt độ trung bình hằng ngày cao nhất kể từ năm 1961, và vào ngày 24-7, 13 trạm thời tiết quốc gia ở các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến đã đạt hoặc vượt kỷ lục nhiệt độ địa phương.
Giám đốc dự báo của Trung tâm Khí tượng Quốc gia, Fu Jiaolan cho biết đợt nắng nóng mới nhất dự kiến sẽ tương tự như đợt nắng nóng kéo dài gần hai tuần từ ngày 5-17/7, theo truyền thông nhà nước. Nhưng thời tiết khắc nghiệt này có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn vì nhiệt độ dự kiến sẽ tăng lên mức "báo động đỏ" ở nhiều khu vực hơn.
Trung Quốc vận hành hệ thống cảnh báo thời tiết bốn cấp, trong đó các cảnh báo màu đỏ cho biết nhiệt độ từ 40 độ C trở lên, màu cam từ 35 độ C trở lên, tiếp theo là màu vàng và xanh lam.
Tính đến ngày 25-7, 67 thành phố đã ban hành cảnh báo đỏ. Tại Quảng Châu, cục khí tượng địa phương dự kiến thời tiết nắng nóng sẽ kéo dài 23 ngày, đây sẽ là đợt nắng nóng dài nhất của thành phố miền nam Trung Quốc kể từ năm 1951.
Chen Chunyan, chuyên gia chính của Đài quan sát khí tượng Tân Cương, nói với truyền thông nhà nước hôm 24-7 rằng thời gian dài của đợt nắng nóng này đã làm tăng tốc độ tan chảy của các sông băng ở các dãy núi giáp ranh với khu vực.
Chen nói: “Nhiệt độ cao liên tục đã đẩy nhanh quá trình tan băng ở các khu vực miền núi và gây ra các thảm họa thiên nhiên như lũ quét, lở đất ở nhiều nơi”.
Thời tiết bất thường này không chỉ giới hạn ở Tân Cương, nơi có vùng sa mạc rộng lớn và đã quen với nhiệt độ nóng. Kể từ tháng 5, hàng chục người ở miền nam Trung Quốc đã thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời do lũ lụt và lở đất nghiêm trọng.
Cùng với các đợt nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt có thể gây ra những tác động kinh tế đáng kể cho Trung Quốc.
Lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy nhiệt đới ước tính gây thiệt hại cho Trung Quốc khoảng 238 tỷ USD hàng năm, theo một báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố năm ngoái.
Và Chen nói rằng nếu đợt nắng nóng tiếp tục ở Tân Cương, nó cũng có thể gây hại cho sản xuất bông, một đòn giáng thêm vào nền kinh tế Trung Quốc khi nước này tiếp tục đối mặt với sự suy thoái do đại dịch gây ra. Trung Quốc là nhà sản xuất bông lớn thứ hai thế giới và 85% bông sản xuất ở Trung Quốc đến từ Tân Cương.