Trung Quốc nỗ lực dẫn đầu toàn cầu về sản xuất và cung cấp lithium

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để đảm bảo tiếp cận nguồn lithium thô trên khắp thế giới.

Trung Quốc nỗ lực dẫn đầu toàn cầu về sản xuất và cung cấp lithium. Ảnh minh họa: AMM

Trung Quốc nỗ lực dẫn đầu toàn cầu về sản xuất và cung cấp lithium. Ảnh minh họa: AMM

Theo báo NTV của Đức, Trung Quốc mong muốn củng cố chuỗi cung ứng và ngăn chặn sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô quan trọng. Chiến lược của Trung Quốc đang khiến Liên minh châu Âu (EU) nói chung, nước Đức nói riêng, phải đối mặt với một vấn đề lớn.

Với sự bùng nổ của lĩnh vực ô tô điện và nhu cầu về pin gia tăng nhanh chóng, một cuộc chạy đua toàn cầu về loại nguyên liệu không thể thiếu cho tương lai của các loại xe điện đã bắt đầu từ lâu. Các công ty Trung Quốc đã và đang đầu tư hàng tỷ USD vào các quốc gia Mỹ Latinh và châu Phi để đảm bảo quyền tiếp cận các kho dự trữ lithium khổng lồ ở đây. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, đến năm 2025, Trung Quốc có thể kiểm soát khoảng 1/3 nguồn cung lithium của cả thế giới.

Ba năm trước, Trung Quốc đã khởi động chiến lược toàn cầu về lithium. Thời điểm đó, ông khẳng định phải thúc đẩy hơn nữa sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng quốc tế vào Trung Quốc; đồng thời chuẩn bị các biện pháp đối phó và ngăn chặn hiệu quả những quốc gia và tổ chức nước ngoài muốn làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu cho Trung Quốc.

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế tại Viện nghiên cứu kinh tế IfW (Đức), Giáo sư Tobias Heidland, sự phụ thuộc vào Trung Quốc về lithium là một rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp Đức. Nếu quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng, các doanh nghiệp này có thể mất quyền truy cập vào các sản phẩm trung gian quan trọng. Do đó, Giáo sư Heidland kêu gọi đa dạng hóa hơn nữa nguồn cung nguyên liệu và các sản phẩm đầu vào cho các ngành công nghiệp Đức.

Trung Quốc cung cấp 97% nhu cầu lithium của châu Âu

Trong một bài phát biểu về Trung Quốc hồi cuối tháng Ba vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, hiện 97% nhu cầu lithium của EU được cung cấp bởi quốc gia châu Á này. Chủ tịch von der Leyen dự báo rằng đến năm 2050, nhu cầu về lithium của EU sẽ tăng tới 17 lần hiện tại do nhu cầu lớn của ngành ô tô điện của EU.

So với châu Âu, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia ở Nam Mỹ và châu Phi có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn, đó là do Trung Quốc thường đặt ra các tiêu chuẩn về môi trường và nhân quyền thấp hơn châu Âu. Theo chuyên gia Ryan Berg từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ, các chính phủ ở Mỹ Latinh và châu Phi biết rằng khi hợp tác với các công ty Trung Quốc, tuy không phải lúc nào cũng đạt chất lượng cao nhưng đổi lại, họ bớt phải suy nghĩ hơn về các điều kiện kèm theo, các khiếu nại từ những tổ chức phi chính phủ hay các tác động môi trường.

Cơ hội thông qua khai thác bền vững?

Các quốc gia ở Nam bán cầu phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại họ không muốn lặp lại những sai lầm từ sự bùng nổ nguyên liệu thô trước đó, cũng như không muốn từ bỏ phần lớn chuỗi giá trị gia tăng. Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador và Tổng thống Bolivia Luis Arce đã đề xuất thành lập một liên minh lithium theo mô hình của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Tổng thống Bolivia Luis Arce khẳng định các quốc gia xuất khẩu lithium nên thống nhất và giành lấy chủ quyền trên thị trường toàn cầu, từ đó đưa ra mức giá có lợi cho nền kinh tế của mình.

Giáo sư Tobias Heidland cho rằng các công ty Đức có nhiều cơ hội tốt, đặc biệt là tại các quốc gia quan tâm đến môi trường và tính bền vững khi huy động vốn đầu tư khai thác. Việc sản xuất lithium gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường hoặc phải chi rất nhiều tiền để tránh điều đó. Do vậy giá thành lithium bị đẩy lên cao. Đối với các quốc gia quan tâm đến môi trường và mong muốn khai thác một cách bền vững, các doanh nghiệp Đức có cơ hội tốt. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực này, các công ty Đức có thể đưa ra một đề nghị hợp tác hấp dẫn. Ngược lại, với các quốc gia ít coi trọng điều đó, các công ty Đức sẽ gặp nhiều khó khăn vì khó có thể cạnh tranh với phương pháp tiếp cận của Trung Quốc.

Zimbabwe là nhà cung cấp quan trọng

Châu Phi cũng là trọng tâm cho những nỗ lực của Trung Quốc. Tại châu lục này, theo Hiệp hội địa chất Mỹ, riêng 5 quốc gia là Zimbabwe, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ghana, Namibia và Mali đã sở hữu tổng cộng hơn 4,38 triệu tấn lithium thô. Cho đến nay, các nước châu Phi chỉ sản xuất được 40.000 tấn lithium mỗi năm. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 500.000 tấn vào năm 2030; trong đó Zimbabwe là nhà cung cấp chính.

Từ lâu, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tích cực hoạt động ở đây. Mỏ lithium lớn nhất của Zimbabwe là Bikita hiện thuộc quyền kiểm soát của tập đoàn Sinomine của Trung Quốc. Mỏ lithium lớn thứ hai của Zimbabwe là Arcadia cũng thuộc quyền kiểm soát của công ty Huayou Cobalt ở Chiết Giang.

Theo nhà phân tích Clinton Pavlovic tại công ty luật quốc tế Hogan Lovells, trong 3 năm qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư hoặc lên kế hoạch đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào các dự án lithium ở Zimbabwe. Do Zimbabwe cũng có trữ lượng dồi dào các nguyên liệu thô khác cần thiết cho lĩnh vực xe điện, chẳng hạn như cobalt, manganese, nickel và than chì, nên quốc gia này càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Tinh chế nguyên liệu thô tại chỗ

Từ tháng 12 năm ngoái, Zimbabwe đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lithium thô. Tuy nhiên, quy định này được miễn trừ cho các công ty nước ngoài đã có mặt ở Zimbabwe từ trước đó. Các quốc gia khác ở châu Phi cũng muốn buộc các nhà đầu tư phải tinh chế nguyên liệu thô ngay tại địa phương để có thể giữ lại nhiều hơn phần giá trị gia tăng ở trong nước.

Ở Nigeria, Trung Quốc cũng đã kiểm soát được lĩnh vực khai thác nguyên liệu thô quan trọng này. Hồi tháng Một, công ty Ming Xin Mineral Separation Nig của Trung Quốc đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến lithium đầu tiên tại quốc gia Tây Phi. Quyết định trao dự án cho doanh nghiệp Trung Quốc được đưa ra chỉ vài tháng sau khi chính quyền Nigeria từ chối đề nghị của nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Mỹ, do Tesla chỉ quan tâm đến việc xuất khẩu lithium thô./.

Vũ Tùng (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-no-luc-dan-dau-toan-cau-ve-san-xuat-va-cung-cap-lithium/295345.html