Trung Quốc mở cửa, giá hoa quả tăng vọt, bà nội trợ kêu trời 'đắt hơn thịt'
Giá các loại hoa quả gần đây tăng cao, phần lớn tăng gấp đôi, thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm Trung Quốc thực hiện 'Zero Covid'.
Đồng loạt tăng cao
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trái với mức giá rớt thê thảm cùng kỳ năm ngoái, giá trái cây tại các chợ truyền thống ở Hà Nội tăng cao.
Đơn cử, tại chợ Đình Thôn (Mỹ Đình), táo xanh có giá từ 50-80 nghìn đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với năm trước; thanh long có giá 35-60 nghìn đồng/kg, tăng 2,5 lần; xoài cát chu 80-90 nghìn đồng/kg, tăng 3 lần; dưa hấu 25 nghìn đồng/kg, tăng 2,5 lần… Mức giá này phổ biến tại các chợ khác trên địa bàn Hà Nội.
Mức giá tăng cao không chỉ ở thị trường bán lẻ, mà ngay tại các vựa hoa quả cũng đang tăng cao.
Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, giá xoài cát Hòa Lộc tăng 10 nghìn đồng/kg lên mức giá 80 nghìn đồng/kg, xoài Cát Chu tăng 10 nghìn đồng/kg 50-60 nghìn đồng/kg; dưa hấu tăng 1-2 nghìn đồng/kg, lên 10-12 nghìn đồng/kg; thanh long tăng 3-5 nghìn đồng/kg, lên 28-30 nghìn đồng/kg với thanh long ruột đỏ và 24 nghìn đồng/kg với thanh long ruột trắng,...
Tăng mạnh nhất là thanh long ruột đỏ. Tại Bình Thuận, giá thanh long ruột đỏ thu mua tại vườn tăng lên gần 40 nghìn đồng/kg; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng lên 30-35 nghìn đồng/kg… tăng khoảng 7-8 lần so với thời điểm “rẻ như cho”.
Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) giá mít Thái cũng tăng mạnh. Cụ thể, mít loại 1 giá 36 nghìn đồng/kg, loại 2 giá 26-30 nghìn đồng/kg…
Loại quả ghi dấu đỉnh lịch sử là sầu riêng. Tại vùng ĐBSCL, giá sầu riêng đang lên cơn sốt với mức giá từ 140-180 nghìn đồng/kg tăng gấp 3 lần các năm trước…
Giá hoa quả tăng cao khiến các bà nội trợ xót ví. Chị Ngà (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) than thở, hoa quả đắt hơn thịt (giá thịt lợn dao động từ 90-120 nghìn đồng/kg). "Những người có điều kiện mới dám mua thêm hoa quả thời này", chị Ngà nói và tính toán, mua đơn giản "2 món" đã mất vài trăm nghìn - hết cả tiền lương cả ngày công.
Giá tăng vọt vì đâu?
Nói về nguyên nhân tăng giá, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp cho biết, giá sầu riêng tăng cao từ cuối năm ngoái, khi mặt hàng này được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, mặt hàng sầu riêng tăng tưởng đến 137% tương đương kim ngạch 421 triệu USD. Tỷ trọng của trái sầu riêng trong cơ cấu hàng xuất khẩu tăng từ 7,6% của năm 2021 lên 20% trong năm 2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới và ở cạnh nên chúng ta mất ít thời gian và chi phí hơn Thái Lan để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nước này. Sầu riêng có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam ngay trong năm 2023 nếu tiếp tục tuân thủ tốt các quy định về thị trường.
Trung Quốc mở cửa cũng là một trong những nguyên nhân khiến các loại quả khác tăng giá mạnh. Một phần vì thị trường này tăng nhập khẩu, phần khác vì hiệu ứng tâm lý từ lái buôn.
Ông Nguyên cũng nhận định, Trung Quốc là một thị trường lớn, nhập khẩu 15 tỷ USD rau quả mỗi năm. Năm 2022, xuất khẩu rau quả của nước ta sang Trung Quốc 1,53 tỷ USD, chiếm thị phần nhỏ, khoảng 5%.
Bởi vậy, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả bùng nổ trong năm 2023. Ông dự báo xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể đạt kim ngạch ít nhất 2,5 tỷ USD, thậm chí có thể chạm mốc 3 tỷ USD trong năm nay.
Từ ngày 8/1/2023 Trung Quốc cho mở lại biên giới với Việt Nam, nhưng Lạng Sơn vẫn chỉ duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu chính, nên tỉnh này đang đề xuất mở lại cửa khẩu phụ đã đóng gần 3 năm nay.
Hiện lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1 cũng tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.