Trung Quốc lo xuất khẩu gặp khó khi phương Tây dừng kích thích kinh tế

Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo ngành xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai sẽ đối mặt với các khó khăn chưa có tiền lệ trong năm bao gồm việc các nước phương Tây vội vã rút lại các chương trình kích thích kinh tế để ứng phó lạm phát.

Cảnh container Ninh Ba- Chu Sơn ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 25-1 ở Bắc Kinh, ông Li Xingqian, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nói rằng triển vọng thương mại quốc tế trong năm nay trở nên u ám vì nhu cầu không chắc chắn khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu dự kiến mất xung lực trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh, lao động thiếu hụt, các chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn và lạm phát tăng cao.

Ông nói: “Các rủi ro mang tính hệ thống trên toàn cầu đang gia tăng do đà phục hồi kinh tế không đồng đều. Việc một số nước rút lại các chính sách kích thích kinh tế quá nhanh có thể làm giảm nhu cầu, gây biến động giá cả hàng hóa và từ đó, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc”.

Phát biểu của ông lặp lại lời cảnh báo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị trực tuyến Diễn đàn Kinh tế thế giới vào tuần trước khi ông khuyến cáo phương Tây rằng việc rút lại chính sách kích thích tiền tệ có thể “thách thức sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu”.

Ông nói: “Nếu các nền kinh tế lớn nhanh chóng dừng hoặc đảo ngược hoàn toàn các chính sách nới lỏng tiền tệ, điều này sẽ dẫn đến những tác động lan tỏa nghiêm trọng, gây ra những thách thức đối với sự ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu, và các nước đang phát triển sẽ phải gánh chịu phần lớn tác động đó”.

Tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu rằng có thể tăng lãi suất ba đợt vào năm 2022, trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu để kích thích kinh tế vào tháng 3 tới. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất vào tháng trước, trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên làm như vậy kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các ngân hàng trung ương ở Đông Âu và Mỹ Latin cũng đã mạnh tay tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.

Zhu Baoliang, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm Thông tin nhà nước Trung Quốc, một cơ quan tư vấn chính sách của chính phủ, lưu ý chính phủ Trung Quốc cần theo dõi để sẵn sàng ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào do Fed tăng lãi suất. Ông Zhu nói: “Trong lịch sử, việc Fed tăng lãi suất đã nhiều lần gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế ở các nước khác”.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gần 30% vào năm ngoái, lên mức cao kỷ lục nhờ nhu cầu toàn cầu tăng mạnh. Các nhà máy ở Trung Quốc đã phải vận hành hết tốc lực để đáp ứng nhu cầu đó. Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên mức lên 676,43 tỉ đô la vào năm ngoái, từ mức 523,99 tỉ đô la vào năm 2020. Đây là mức thặng dư thương mại cao nhất của Trung Quốc từ khi dữ liệu được thống kê vào năm 1950.

Khi nhiều nơi trên thế giới vật lộn với tình trạng các nhà máy đóng cửa và tắc nghẽn tại các cảng và nhà ga, thì Trung Quốc, nền kinh tế lớn đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, tăng tốc xuất khẩu các sản phẩm có nhu cầu lớn, từ nhu yếu phẩm hàng ngày đến thiết bị điện tử và thuốc men, đến các thị trường trên toàn cầu.

Trung Quốc xuất khẩu nhiều vaccine Covid-19 nhất trên thế giới trong năm qua với hơn 2 tỉ liều được gửi ra nước ngoài. Nước này đã cung cấp khoảng 372 tỉ khẩu trang, hơn 4,2 tỉ áo bảo hộ y tế và 8,4 tỉ bộ sinh phẩm xét nghiệm cho cộng đồng quốc tế tính đến cuối năm 2021, theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Mỹ.

Nhưng mức tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ suy yếu trong năm nay do nhu cầu thiết bị chăm sóc sức khỏe và thiết bị công nghệ làm việc tại nhà có khả năng giảm khi các nước khác dần trở lại mô hình tiêu dùng bình thường.

Ông Xingqian cũng lo ngại xuất khẩu của Trung Quốc bị đe dọa bởi các nước phát triển đang thúc đẩy các tập đoàn của họ đưa dây chuyền sản xuất về nước, chi phí nguyên liệu tăng, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn và tình trạng thiếu hụt các linh kiện quan trọng như chip bán dẫn.

Ông nói thêm: “Việc các nền kinh tế phát triển tìm cách đưa các ngành sản xuất về cố hương đang phân chia thị trường và giảm hiệu quả của việc phân bổ nguồn lực toàn cầu. Các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc đang chịu sức ép vì chi phí tăng mạnh hơn và lợi nhuận đứng im dù doanh thu tăng”.

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Ren Hongbin, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể chậm lại trong năm nay khi các nước khác cạnh tranh phục hồi năng lực sản xuất.

Dù vậy, các nhà phân tích nhận định xuất khẩu vẫn là động lực thúc đẩy tăng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 khi nhu cầu nội địa vẫn còn yếu. Mattie Bekink, chuyên gia kinh tế tại tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit, cho biết trong nhiều năm, giới lãnh đạo Trung Quốc khẳng định quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng vào tiêu dùng nội địa hơn để bảo đảm tính bền vững.

“Nhưng đó chắc chắn không phải là những gì đã xảy ra trong đại dịch. Vì vậy, đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc quay trở lại mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu khi tiêu dùng trong nước thực sự yếu kém”, Bekink nói.

Theo Bloomberg, SMCP

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-lo-xuat-khau-gap-kho-khi-phuong-tay-dung-kich-thich-kinh-te/